Thế giới điệp viên (Kỳ 9): Phu nhân xinh đẹp thành điệp viên nguy hiểm

(PLO) -Nancy Wake là nữ quân nhân trong Chiến tranh thế giới II được trao nhiều huân, huy chương của phe Đồng minh nhất và cũng là người từng bị mật vụ Đức truy nã gắt gao nhất. Khi chiến tranh nổ ra, bà đang là cô vợ trẻ xinh đẹp của một doanh nhân Pháp giàu có. 
Nancy Wake khi còn trẻ

Tuy nhiên, bà sẵn sàng từ bỏ cuộc sống xa hoa để dấn thân, trở thành người chỉ huy lực lượng kháng chiến lên đến 7.000 người trong cuộc chiến tranh du kích phá hoại phát xít Đức. 

Tuổi thơ khốn khó

Nancy Wake sinh năm 1912 trong một gia đình nghèo ở Roseneath, Wellington, New Zealand. Khi Nancy tròn 20 tháng, cả gia đình chuyển tới Sydney tìm kiếm một cuộc sống mới. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian sau đó, người cha bỏ lại vợ và 6 đứa con thơ để về lại New Zealand theo đuổi giấc mơ làm phim. Trước khi đi, ông ta bán luôn cả căn nhà mà vợ, con đang sống. Bị đẩy ra khỏi nhà ở nơi đất khách quê người, cuộc sống của mấy mẹ con Nancy vô cùng chật vật. 

Là con út trong gia đình nhưng ngay từ nhỏ Nancy đã tỏ ra rất dũng cảm và gan lỳ. Cô bé đặc biệt thích được đi đây đi đó và chỉ thích chơi những trò chơi vốn được cho là dành cho con trai, khiến người mẹ vốn là một phụ nữ vô cùng mộ đạo không ít lần rầu lòng.

Bước ngoặt của cuộc đời cô gái nhỏ đến vào năm 16 tuổi, khi cô được một người dì chuyển cho 200 bảng Anh – một số tiền tương đối lớn ở thời điểm đó. Có tiền trong tay, Nancy tới London, Anh thực hiện ước mơ trở thành một nữ phóng viên bằng cách theo học chuyên ngành báo chí rồi trở thành cây viết của tờ The Chicago Tribune.

Năm 1933, tờ báo cử bà tới thực hiện bài phóng sự Thủ tướng mới của nước Đức Adolf Hitler. Những câu từ được nghe trong cuộc phỏng vấn này cộng với việc tận mắt chứng kiến những hành động tàn bạo của Đức Quốc xã như trói người Do Thái bằng những sợi xích to rồi kéo lê trên những đường phố ở Vienna đã khiến cô phóng viên trẻ nuôi đầu ý định sẽ chiến đấu chống lại Hitler bằng mọi giá. 

Dấn thân vào cuộc chiến

Năm 1940, phát xít Đức xâm lược Bỉ, Hà Lan và Pháp, khởi đầu cho kế hoạch thống trị thế giới của chúng. Ở thời điểm đó, Wake vừa kết hôn với triệu phú người Pháp Henri Fiocca được 6 tháng và đang tận hưởng cuộc sống sung túc, hạnh phúc bên người đàn ông được bà coi là tình yêu của cuộc đời. Sau khi chồng được gọi nhập ngũ, Nancy cũng đến thẳng văn phòng tuyển dụng và đăng ký làm y tá.

Vượt qua ranh giới giữa quan sát và hành động, bà sau đó tích cực tham gia phong trào kháng chiến với vai trò người đưa thư, chuyển thư từ và thực phẩm cho các nhóm kháng chiến ngầm ở miền nam nước Pháp. Bà cũng đã bỏ tiền túi ra mua một chiếc xe cứu thương và dùng chiếc xe này để đưa những người tị nạn chạy trốn khỏi đà tấn công của quân Đức.

Với lợi thế xinh đẹp, lại là vợ của một doanh nhân giàu có, ban đầu, bà có thể đi lại dễ dàng mà ít bị chú ý. Về sau, khi cuộc chiến trở nên cam go và quân Pháp có vẻ yếu thế, lệnh di tản được ban ra nhưng Nancy Wake đã từ chối sơ tán cùng với những người khác.

Bà quyết định tiếp tục ở lại Pháp, sử dụng giấy tờ tùy thân giả để làm việc tại Vichy và tham gia sâu hơn vào các hoạt động kháng chiến. Bà đã mua một ngôi nhà làm nơi trú ẩn và trong suốt 3 năm liền đã che giấu những phi công của quân Đồng minh bị quân Đức bắn rơi, làm giấy tờ tùy thân giả cho họ rồi tìm cách lo lót để đưa họ vượt biên.

Tổng cộng đã có khoảng 1.000 tù binh chiến tranh và phi công quân Đồng minh bị Đức Quốc xã bắt được bà đưa qua biên giới Pháp, sang Tây Ban Nha an toàn. Cùng lúc, bà cũng vẫn tích cực làm nhiệm vụ thu thập thông tin, phân phối vũ khí, tiền bạc và tài liệu tới những khu vực bị Đức Quốc xã chiếm đóng. 

Bà Nancy khi về già.

Những công việc của Nancy đã khiến bà bị rơi vào tầm ngắm của Đức Quốc xã. Mật vụ Đức (Gestapo) đã nghe lén điện thoại và mở thư của bà ra để xem. Nhưng, bà vẫn luôn trốn thoát tài tình mỗi khi quân Đức bủa vây lưới bắt. Chính vì tài lẩn trốn như vậy nên bà được Gestapo đặt cho biệt danh “Chuột Trắng” và được xếp vị trí số 1 trong danh sách truy nã của chúng.

Chúng thậm chí còn treo giải thưởng 5 triệu franc cho người nào lấy được đầu bà. Nhưng, đến thời điểm đó, Gestapo vẫn nghĩ rằng kẻ gan dạ đang hoạt động trong vùng đất do chúng kiểm soát là một gã đàn ông ngang bướng chứ không phải là một phụ nữ xinh đẹp. 

Cuối cùng, đến năm 1943, người Đức cũng dần lần ra được Chuột Trắng thực sự là ai. May mắn cho Nancy là tình báo Anh đã chặn liên lạc về lệnh bắt giữ bà trước khi quân Đức thực hiện mệnh lệnh này. Tình thế lúc đó quá nguy hiểm nếu để Nancy ở lại nên quân kháng chiến quyết định để bà tới Anh.

Trước khi ra đi, bà nói với chồng sẽ sớm trở về. Nhưng, đó cũng là cuộc gặp mặt cuối cùng của 2 người. Bởi, sau khi bà rời đi, Mật vụ Đức đã tìm tới bắt giữ chồng bà. Tuy nhiên, dù bị tra tấn dã man nhưng ông Henri vẫn quyết định không khai báo về hành tung của vợ. Sự ngoan cố này giúp Nancy giữ được mạng sống nhưng chồng bà lại bị quân Đức xử tử.

Tay không giết giặc

Về phía Nancy, sau khi tới Anh, bà được đào tạo về các kỹ năng sống sót, mật mã và liên lạc qua radio, nhảy dù, sử dụng các vũ khí như thuốc nổ, đạn, súng… và trở thành 1 trong 39 phụ nữ, 430 người đàn ông được Tình báo Anh tuyển mộ vào làm việc cùng các nhóm kháng chiến có nhiệm vụ phá hoại quân Đức ở những vùng bị chiếm đóng. 

Từ cuối tháng 4/1944, nhóm của bà được thả dù xuống vùng Auvergne ở miền trung nước Pháp với nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức, động viên và huấn luyện các nhóm du kích; liên lạc và điều phối các đợt thả vũ khí, đạn dược của quân Đồng minh xuống vùng kháng chiến hòng làm suy yếu quân Đức, chuẩn bị cho đợt phản công của quân Đồng minh. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng du kích do Nancy tuyển mộ đã tăng gấp đôi, phá hoại đáng kể về cơ sở và nhân lực của quân Đức. 

Trong bất cứ nhiệm vụ nào, bà đều không quản khó khăn để hoàn thành. Có lần, bà đã đạp xe suốt quãng đường 500km qua nhiều chốt kiểm soát của quân Đức để thay thế mã máy điều khiển không dây vốn đã bị buộc phải phá hủy khi quân Đức đột kích vào khu vực này vì nếu không được thay thế, lực lượng kháng chiến sẽ không thể nhận được chỉ thị từ cơ quan chỉ huy cũng như không thể nhận được thông tin về những đợt thả vũ khí, nhu yếu phẩm.

Sau 71 giờ đồng hồ đạp xe qua các vùng đồng bằng và cả đồi núi gần như không nghỉ, đến khi trở về bà đã gần như gục ngã, không thể đứng, không thể ngồi và thậm chí bật khóc vì quá đau.

Trong suốt quá trình hoạt động này, đội quân du kích của Nancy và đồng đội đã tiêu diệt được tổng cộng 1.400 binh lính Đức trong khi lực lượng của họ chỉ tổn thất 100 người. Bản thân bà cũng 2 lần phải tự ra tay giết chết kẻ thù, bao gồm một lần tay không bóp cổ đến chết một lính canh để ngăn người này kích hoạt hệ thống báo động khi bà dẫn đầu một nhóm du kích tấn công một nhà máy sản xuất súng của Đức ở Montucon và một lần giết chết một nữ gián điệp người Đức. 

Những thành tích của Nancy và lực lượng du kích đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến phản công ngày 6/6/1944 của quân Đồng minh. Ngày 25/8 cùng năm, Paris được giải phóng. Đó cũng là ngày bà nhận được tin người chồng thân yêu đã vĩnh viễn ra đi. Chiến tranh kết thúc, bà ở lại Anh và mãi đến năm 1960 mới tái hôn với một phi công người Anh rồi cùng chồng trở về Australia sinh sống.

Những đóng góp của bà cho cuộc chiến đã được tưởng thưởng với việc bà trở thành nữ quân nhân được tặng thưởng nhiều huy chương nhất của Australia và cũng là một trong những quân nhân trong Chiến tranh thế giới II được nhận nhiều huy chương nhất thế giới. Trong số những huy chương mà bà đã được nhận từ các nước Đồng minh có Huân chương Australia, Huân chương Tự Do của Mỹ, Anh dũng Bội tinh của Anh và Bắc đẩu Bội tinh của Pháp…