Thế giới Hồi giáo “siết tay” chống khủng bố

(PLO) - 40 nước thành viên Liên minh Quân đội Chống khủng bố Hồi giáo đã cùng nhau gửi đi một “tín hiệu rõ ràng” sẽ “hợp tác cùng nhau để hỗ trợ các nỗ lực chính trị, tình báo, tài chính và quân sự của mọi quốc gia thành viên”. 
Các thành viên Liên minh Quân đội Chống khủng bố Hồi giáo

Thông điệp này được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh Chống khủng bố của các nước Hồi giáo, diễn ra ngày 26/11/2017, tại Saudi Arabia, với sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng cùng quan chức cấp cao 40 nước thuộc Liên minh Quân đội Chống khủng bố Hồi giáo.

Quyết tâm chống khủng bố và cực đoan

Diễn ra trong bối cảnh lực lượng khủng bố đang ngày càng đẩy mạnh các vụ bạo lực tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhất là tấn công khủng bố đẫm máu ở Ai Cập, khiến tình hình thêm bất ổn, cuộc họp đã cho thấy quyết tâm của liên minh này trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan.

Phát biểu tại cuộc họp, Thái tử và cũng là người đứng đầu Bộ Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho rằng, chủ nghĩa khủng bố đã xuất hiện tại tất cả các quốc gia thành viên của liên minh. Song, giờ đây cuộc chiến chống khủng bố đã có sự gắn kết hơn, cho phép các nước diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng cần có sự trợ giúp về lực lượng quân sự, viện trợ tài chính, cơ sở vật chất hoặc chuyên gia an ninh cho căn cứ của liên minh tại thủ đô của Saudi Arabia, và khi ấy, liên minh sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề quân sự, an ninh và tình báo mà còn có chức năng giáo dục nhằm chống lại tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố.

Thái tử Mohammed đã tuyên bố mở một cuộc chiến tranh toàn lực chống khủng bố nhằm tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Mục tiêu là mọi “kẻ thù giấu mặt”, chứ không riêng gì một nhóm hay một quốc gia nào cả. Thái tử Mohammed nhấn mạnh, mối đe dọa lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan không chỉ là giết hại dân thường và gieo rắc sự căm thù, mà còn gây ảnh hưởng xấu tới đạo Hồi và làm xói mòn đức tin và chúng ta sẽ không cho phép điều này xảy ra. Thái tử nhận định: “40 nước thành viên đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng sẽ hợp tác cùng nhau để hỗ trợ các nỗ lực chính trị, tình báo, tài chính và quân sự của mọi quốc gia thành viên”.

Kết thúc hội nghị, các nước thành viên đã thống nhất đặt trụ sở của Liên minh tại thủ đô Ryiad và sẽ sớm thiết lập các văn phòng đại diện của các quốc gia thành viên tại đây. Đây là bước đi hoàn tất các yêu cầu pháp lý và quy định cần thiết để Liên minh có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao phó. Tướng về hưu của Pakistan Raheel Sharif được bầu làm Tổng Tư lệnh của Liên minh.

Trong một động thái khác, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Thái tử Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan cũng đã nhấn mạnh các nước Arab cần có hành động chung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong một cuộc điện đàm ngày 27/11, Thái tử Al Nahyan đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Tổng thống Ai Cập và gia đình các nạn nhân vụ tấn công nhằm vào đền thờ Hồi giáo ở khu vực Al-Rawda thuộc tỉnh Bắc Sinai, đồng thời bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng Chính phủ và người dân Ai Cập sẽ vượt qua những thách thức do khủng bố gây ra. Thái tử Al Nahyan cũng đề cao mối quan hệ đặc biệt và chiến lược giữa Ai Cập và UAE, khẳng định cam kết của quốc gia Trung Đông này sát cánh với Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thái tử - Bộ Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman tuyên bố mở một cuộc chiến toàn lực chống khủng bố

Vẫn còn những quan ngại

Liên minh Chống khủng bố của các nước Hồi giáo được thành lập ngày 15/12/2015 nhằm tạo điều kiện để các nước thành viên đề nghị và cung cấp hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống các tổ chức mà những nước này xác định là khủng bố.

Liên minh quân sự này được hình thành trong bối cảnh hệ tư tưởng Hồi giáo chính thống đang bị hiểu một cách sai lệch, dẫn tới các hành động khủng bố, cực đoan. Tuy nhiên, nó lại thu hút được một phần không nhỏ tín đồ Hồi giáo trên thế giới và minh chứng rõ ràng nhất chính là tầm ảnh hưởng của IS và al-Qaeda... Liên minh này do Saudi Arabia đứng đầu, với trung tâm tác chiến chung đặt tại thủ đô Riyadh để điều phối và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Trong số 34 quốc gia tham gia liên minh có các nước Arab như Ai Cập, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan, cùng các nước Arab vùng Vịnh và châu Phi. Iran - quốc gia Hồi giáo theo dòng Shiite đối địch với Saudi Arabia theo dòng Sunni - không tham gia liên minh này.

Theo các nhà phân tích, việc tham dự hội nghị lần này còn có Mỹ - đồng minh của Saudi Arabia, song không có sự hiện diện của các nước có đa phần là người Hồi giáo dòng Shiite như Iran và các nước khác cũng đang nỗ lực chống khủng bố như Syria hay Iraq, đã khiến cho dư luận khu vực và quốc tế lo ngại. 

Iran - quốc gia được đánh giá có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố - không có mặt trong hội nghị này là do những căng thẳng chính trị với nước chủ nhà Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni, đặc biệt là những bất đồng về cuộc chiến tại Syria, Yemen và mới đây nhất là tình hình chính trị tại Liban. Riyadh luôn cáo buộc Iran hỗ trợ cho các nhóm vũ trang tại Trung Đông, trong đó có phong trào Hồi giáo Hezbollah tại Liban và các phiến quân Huthi tại Yemen và đưa ra nhiều chỉ trích nhằm vào quốc gia có đa số là người Hồi giáo dòng Shiite này.

Đáp lại, Iran luôn cho rằng chính sách của Saudi Arabia là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh giải pháp cho các vấn đề là ngừng đưa ra những tuyên bố “không có giá trị” như vậy và ngăn việc chạy theo những chính sách mà Tehran cho là nhằm gây chia rẽ giữa các nước Hồi giáo.

Chính vì vậy, giới phân tích khu vực vẫn lo ngại rằng, ngoài việc chống khủng bố, lần họp này của Liên minh quân sự các nước Hồi giáo còn là sự lôi kéo, tìm kiếm đồng minh của Saudi Arabia, nhằm chống lại “đối thủ lớn nhất” của quốc gia này tại Trung Đông, chính là Iran, quốc gia nhiều lần bị Saudi Arabia cáo buộc hỗ trợ tài chính và quân sự cho các nhóm khủng bố.

Tuy nhiên, lo ngại này đã được Tổng Tư lệnh Liên minh, tướng về hưu của Pakistan, Raheel Sharif bác bỏ: “Tôi đã đề cập vấn đề này rất nhiều lần trước đây và hôm nay tôi xin nhắc lại một cách rõ ràng rằng, liên minh là để chống khủng bố, chứ không chống lại bất kỳ quốc gia nào, tôn giáo nào”. 

Một vấn đề khác là các thành viên Liên minh có quan điểm khác nhau đối với những nhóm như Huynh đệ Hồi giáo (ở Ai Cập), Hezbollah (ở Lebanon) và phong trào Hamas của người Palestine. Các nước cũng có những ưu tiên “chống khủng bố” khác nhau. Trong lúc Yemen cho rằng mục tiêu nên là Iran, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lại hướng sự chú ý đến các tay súng ly khai người Kurd.

Ai Cập đẩy mạnh truy quét phiến quân ở Bắc Sinai

Theo các nguồn tin an ninh, ngày 28/11, quân đội và cảnh sát Ai Cập đã tiêu diệt ít nhất 14 phần tử khủng bố và bắt giữ 14 đối tượng khác trong các chiến dịch truy quét tại tỉnh Bắc Sinai và các khu vực lân cận, nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ngày 24/11 nhằm vào một đền thờ Hồi giáo khiến hơn 300 người thiệt mạng. 

Quân đội và cảnh sát Ai Cập truy quét các phần tử khủng bố tại tỉnh Bắc Sinai và các khu vực lân cận

Thông báo của Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết, tại một trang trại ở 2 tỉnh Bắc Sinai và Ismailia, phía Đông Bắc thủ đô Cairo, 11 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt. Trang trại nói trên là nơi ẩn náu của phiến quân, được chúng sử dụng để huấn luyện tân binh, tàng trữ vũ khí và thuốc nổ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố. Trong các chiến dịch khác tại tỉnh Ismailia, Sharqiya và Bắc Sinai, lực lượng chức năng đã bắt giữ 9 nghi can khủng bố, thu giữ số lượng lớn thiết bị không dây và phụ tùng xe máy theo kế hoạch sẽ được vận chuyển và cung cấp cho các đối tượng khủng bố ở Bắc Sinai.

Cùng ngày 28/11, trong phiên xét xử sơ thẩm, một tòa án binh Ai Cập đã đưa ra bản án tử hình đối với 11 thành viên của nhóm khủng bố Ansar Beit Al-Maqdis do có liên quan tới một loạt vụ tấn công được thực hiện trong năm 2014, 2015, bao gồm cả vụ đánh bom lãnh sự quán Italy tại thủ đô Cairo. Vụ án này liên quan đến 155 người, trong đó khoảng một nửa đang lẩn trổn.  Chỉ có 3 trong số 11 người bị kết án tử hình vào ngày 28/11 có mặt tại phiên tòa, số còn lại bị kết án vắng mặt.

Đọc thêm