10 năm sau sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, đã có những cảnh báo rằng nợ nần sẽ trở thành một mối rủi ro lớn đối với các thị trường tài chính trên thế giới.
Nợ nần sẽ trở thành một mối rủi ro lớn đối với các thị trường tài chính trên thế giới |
Báo động “cấp tối đa”
Giới quan sát đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu khá khả quan với tốc độ tăng trưởng ổn định. Kinh tế Mỹ -nền kinh tế hàng đầu thế giới- đang hướng tới chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, còn Trung Quốc -động lực tăng trưởng toàn cầu trong mấy chục năm gần đây- cũng đang duy trì đà phát triển của mình. Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu khởi sắc với tốc độ tăng trưởng vừa phải sau nhiều năm èo uột. Các quốc gia đang nổi như Brazil được kỳ vọng sẽ phục hồi sau thời kỳ suy thoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 và những dự báo này truyền tải niềm lạc quan vốn luôn “héo hắt” trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã dẫn câu nói của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy để khuyến nghị các chính phủ cần thận trọng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết các rủi ro tiềm tàng ngay lúc này, trong đó có vấn đề nợ.
Giới chuyên gia cảnh báo nếu Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không xem xét triệt để chính sách kinh tế của mình, một cuộc khủng hoảng tài chính lớn rất có thể sẽ bùng phát. Theo Báo Les Echos (Pháp), trong khoảng một thập niên, từ năm 2006 đến năm 2016, tổng số nợ toàn cầu đã tăng từ 234% lên 275% GDP. Chỉ riêng nợ gia đình tại những quốc gia giàu đã tăng từ 52% trong năm 2008 lên 63% vào năm ngoái, có nghĩa là mấp mé với mức 65%. Đây là mức mà theo IMF có khả năng bùng phát khủng hoảng rất cao.
Trong một phân tích gần đây, chuyên gia Patrick Artus của hãng Netixis đã chỉ ra “thủ phạm” trực tiếp của tình trạng trên là do giá cổ phiếu, bất động sản, tỷ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp… leo thang không ngừng, mà đằng sau nó là chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Theo nhà kinh tế này, với chính sách lãi suất âm, nhiều chính phủ các nước châu Âu được trả tiền để vay thêm các khoản tiền mới. Đây là nguồn gốc của tình trạng nợ công tăng vọt tại một số nước (năm 2008 đến năm 2016, nợ công của Pháp tăng từ 68% lên 96% GDP; Đức 65% - 68% GDP). Về phía các doanh nghiệp, do lãi suất tiền vay quá thấp, nhiều công ty vay tiền để mua lại cổ phiếu thay vì đầu tư cho sản xuất.
Tờ Les Echos cho rằng các nhà lãnh đạo G7 đã không tiến hành những cải cách cấu trúc cần thiết để khôi phục tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm và giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, mà chủ trương dùng chính sách tiền tệ làm công cụ chủ yếu. Điều đó đã khiến bong bóng nợ khổng lồ đang ngày một phình lên và đe dọa sẽ nổ tung.
Những rủi ro tiềm ẩn
Với xu hướng kinh tế hiện nay, các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, vấn đề nợ sẽ trở nên ngày càng nguy cấp. Các chuyên gia của IMF, OECD đã chỉ ra rằng lượng lớn công ty đổ xô đi vay vào thời điểm lãi suất cực thấp hiện sẽ phải đối mặt với khoản nợ khó trả trước nguy cơ lãi suất tăng cao.
Tổng Thư ký OECD, ông Angel Gurria, nhận định rằng số tiền nợ của các công ty tư nhân và tập đoàn đã đạt con số kỷ lục ở nhiều nước. Vì vậy, những công ty không đủ khả năng duy trì hoạt động (công ty “zombie”, tức là chỉ có doanh thu để trả lãi chứ không giảm được nợ gốc) đang nằm ở tuyến đầu của rủi ro. Tại thời điểm lãi suất cực thấp, các công ty hoạt động không có lãi sống “vật vờ như thây ma” nhờ tiền vay để cầm cự hoạt động của mình. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng (một động thái vốn đã xảy ra ở Mỹ và xu hướng này có thể lan sang Eurozone trong một vài năm tới) thì chi phí của những khoản vay có thể nhanh chóng vượt qua lợi nhuận, buộc các công ty zombie phải tái cấu trúc hoặc phá sản. Khi ấy, một làn sóng mất giá cổ phiếu và vỡ nợ có thể nhanh chóng gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo một chuyên gia kinh tế giấu tên, khi một trong những công ty dạng này phát tán căn bệnh zombie ra toàn hệ thống thì quốc gia của công ty đó sẽ buộc phải ra tay cứu trợ bằng cách biến khoản nợ của công ty thành khoản nợ công. Viễn cảnh khi ấy chẳng khác nào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu mà Mỹ phải cứu hãng bảo hiểm AIG hay việc chính phủ Ireland và Tây Ban Nha phải cứu hệ thống ngân hàng của mình.
Tại thời điểm này, Trung Quốc đang là điểm nóng với núi nợ khổng lồ. Đầu tháng 12/2017, IMF cảnh báo rằng hàng chục ngân hàng quan trọng ở Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ các công ty zombie sụp đổ. Tại Trung Quốc, trong một số trường hợp, các ngân hàng chịu sức ép cung cấp tín dụng cho các công ty zombie do chính quyền địa phương lo sợ về số người thất nghiệp và các khoản nợ. Mặt khác, một số nhà kinh tế cũng bắt đầu lo ngại về những nguy cơ xuất phát từ tiền ảo. Giá trị đồng bitcoin đã vượt mốc mới trong năm ngoái, từ dưới 1.000 USD hồi tháng 1/2017 lên đến hơn 18.500 USD vào tháng 12/2017 trong bối cảnh đồng bitcoin đánh dấu một bước đột phá lớn khi đồng tiền ảo này bắt đầu xuất hiện trên Sàn giao dịch hợp đồng tương lai CBOE ở Chicago hôm 10/12/2017.
Giới chuyên gia cảnh báo sự tăng giá ngoạn mục của bitcoin là chỉ dấu cho sự tồn tại của loại bong bóng đầu tư mới. Trong khi đó, nhiều người đang mua vào bitcoin ở dạng giao dịch ký quỹ, điều này đồng nghĩa với việc họ đang phải đi vay một khoản tiền trên sàn giao dịch để mua bitcoin và có thể thua lỗ nặng nếu bong bóng đầu cơ bitcoin bị vỡ. Nhà kinh tế Agnès Benassy-Quere nhận định rằng sự kết hợp giữa bong bóng đầu cơ và đi vay là rất nguy hiểm: “Tôi không cho rằng hiện tượng bitcoin sẽ khiến thị trường bất ổn, song đã có lời nhận định tương tự như thế này với các khoản thế chấp dưới chuẩn”. Chuyên gia này nhắc lại rằng chính việc đóng băng thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm về trước...