Thế giới lo ngại chạy đua vũ trang 'không thể kiểm soát'

(PLO) - Một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump xác nhận Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng tên lửa hạt nhân tầm ngắn (INF), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giữa tuần này đã ra tối hậu thư, cho Nga 60 ngày để tuân thủ hiệp ước nếu không Mỹ sẽ chính thức từ bỏ các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

“Tối hậu thư” của Mỹ

Ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Nga rằng Mỹ sẽ rút khỏi INF nếu Nga không phá hủy các tên lửa mà theo Washington đã vi phạm hiệp ước trong vòng 60 ngày. “Mỹ tuyên bố Nga đã vi phạm nghiêm trọng hiệp ước và chúng tôi sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của chúng tôi trong vòng 60 ngày nếu Nga không trở lại tuân thủ hiệp ước một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng”, ông Pompeo tuyên bố sau cuộc họp với các ngoại trưởng NATO.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Nga đã phát triển nhiều tiểu đoàn tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729 – hay còn được biết đến với tên lửa SSC-8 - có tầm bắn khiến chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu. Ông Pompeo cũng cho rằng việc làm của Nga làm suy yếu nghiêm trọng an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này và đó là lý do Mỹ không muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận.

Các đồng minh NATO tại cuộc họp, dẫn đầu là Đức, đã thúc giục ông Pompeo tạo cơ hội ngoại giao cuối cùng trước khi Mỹ rút khỏi hiệp ước vì lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu. Đổi lại, các ngoại trưởng NATO tại hội nghị nhất trí với đánh giá của Washington rằng hệ thống tên lửa mới của Nga đã vi phạm INF. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng thúc giục Nga không nên bỏ lỡ “cơ hội cuối cùng” để duy trì thỏa thuận kiểm soát hạt nhân chủ chốt giữa Nga và Mỹ. Ông Stoltenberg cũng cho rằng đã đến lúc chuẩn bị cho sự sụp đổ của thỏa thuận vốn được xem là một phần quan trọng trong kiến trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng ngỏ ý cho biết Washington sẽ “buộc phải khôi phục sự cân bằng quân sự ở châu Âu” sau giai đoạn 60 ngày kể từ khi ông ra tối hậu thư với Nga nhưng không cho biết chi tiết về ý định của Mỹ. Mặc dù vậy nhưng ông Pompeo cũng khẳng định các cuộc thử nghiệm và triển khai tên lửa mới của nước này sẽ không được tiến hành cho đến khi việc Mỹ rút khỏi hiệp ước được xác nhận.

Về phía Nga, ngày 5/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã chuyển một công hàm vào tối hôm 4/12, trong đó cho biết Mỹ sẽ đình chỉ việc thực thi các nghĩa vụ của mình theo INF sau 60 ngày tới nếu Nga không tuân thủ các điều kiện đã đặt ra. Tuy nhiên, bà Zakharova khẳng định cáo buộc Nga không tuân thủ INF do Mỹ đưa ra là hoàn toàn vô căn cứ. Đại diện Bộ ngoại giao Nga cũng cho rằng Mỹ vẫn chưa cung cấp được bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Nga vi phạm hiệp ước. Trước đó, trong phản ứng đầu tiên, bà Zakharova khẳng định Nga vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong INF và Washington biết rõ điều này.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvytkin cho rằng việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ phá hủy sự ổn định tại châu Âu, đồng thời nhấn mạnh Moscow chưa bao giờ rút khỏi INF và rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga cũng tuyên bố nếu Mỹ quyết định rút khỏi INF thì Nga sẽ buộc phải đáp trả bằng các biện pháp thích ứng nhằm duy trì cân bằng lực lượng. Phía Nga tiếp tục khẳng định hệ thống tên lửa SSC-8 vốn là trung tâm của những cáo buộc không vượt phạm vi tên lửa trong hiệp ước. Còn Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ đã “uốn cong sự thật” để đạt được mục tiêu của nước này là rút khỏi hiệp ước.

Cân bằng lực lượng hạt nhân toàn cầu
Cân bằng lực lượng hạt nhân toàn cầu

Hiệp ước mang tính bước ngoặt

Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký ngày 8/12/1987, theo đó cấm toàn bộ các tên lửa hạt nhân và phi hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, tức có tầm bắn từ 500 km tới 5.500 km, trừ tên lửa được phóng từ trên biển.

Cơ sở cho việc ký kết INF chính là tình trạng bất ổn xuất phát từ việc Liên Xô triển khai các tên lửa đạn đạo SS-20 và Mỹ cũng đáp trả bằng việc triển khai các tên lửa Pershing II. Thực hiện hiệp ước INF mang tính bước ngoặt, đến năm 1991, Mỹ và Nga đã tiêu hủy gần 2.700 tên lửa. Hiệp ước này cũng tạo cơ sở đưa Chiến tranh Lạnh dần đi đến hồi kết. Nói một cách ngắn gọn, hiệp ước này đã giúp phần lớn các đầu đạn hạt nhân không xuất hiện tại châu Âu trong 30 năm qua.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thoả thuận. Năm 2014, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Barack Obama cũng đã cáo buộc Nga vi phạm INF khi thử tên lửa hành trình 9M729 mà phía Mỹ cho rằng có tầm bắn lên đến 5.500km. Song, ông Obama đã chọn không rút khỏi thỏa thuận vì áp lực của các lãnh đạo châu Âu cho rằng động thái như vậy có thể tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang. NATO cho rằng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân của Nga có khả năng di động, khó bị phát hiện và có thể bắn tới các thành phố của châu Âu với rất ít hoặc không có cảnh báo, thay đổi đáng kể tình hình an ninh ở “lục địa già”.

Ngày 30/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thế giới lo ngại khi tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF và xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ “cho đến khi người ta phải suy nghĩ và hành động một cách minh mẫn”. Tổng thống Nga Putin khi đó cũng đã cảnh báo về việc các nước rời khỏi thỏa thuận và xa hơn là không thể gia hạn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí chủ chốt khác có tên New START sẽ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới, đồng thời đẩy châu Âu vào nguy hiểm. Một ngày trước tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, ông Trump đã nói rằng ông muốn thảo luận với ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang lớn và không thể kiểm soát. 

Tại Brussels, người phụ trách các hoạt động ngoại giao của EU Federica Mogherini cảnh báo rằng châu Âu không muốn thêm một lần nữa trở thành chiến trường cho các cường quốc trên toàn cầu như ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh và thúc giục Nga, Mỹ cứu thỏa thuận. “INF đã đảm bảo hòa bình và an ninh ở châu Âu trong 30 năm nay”, bà Mogherini nhấn mạnh trước khi bước vào các cuộc thảo luận với các ngoại trưởng NATO.

Có xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang?

Trong phát biểu một ngày sau tối hậu thư của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng tuyên bố của ông Pompeo thực chất chỉ là màn tung hỏa mù vì Mỹ vốn đã quyết định phá bỏ INF. “Họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ không biết”, người đứng đầu Điện Kremlin nói về thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân bổ một khoản ngân sách để phát triển các tên lửa bị cấm theo hiệp ước. Ông Putin khẳng định Nga phản đối việc hủy bỏ thỏa thuận. “Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, chúng tôi cũng sẽ có phản ứng phù hợp”, ông nhấn mạnh.

Tổng thống Nga cũng cho rằng hiện đã có hơn 10 nước đang phát triển các tên lửa tầm trung bị cấm theo INF. “Rõ ràng các đối tác của Mỹ hiện tin rằng tình hình đã thay đổi nhiều đến mức Mỹ cũng có những vũ khí như vậy. Vậy câu trả lời của chúng tôi là gì? Đơn giản là chúng tôi cũng sẽ làm vậy”, ông Putin nói. Ông Valery Gerasimov – Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Nga – trước đó cũng tuyên bố Moscow sẽ tăng cường năng lực của các vũ khí hạt nhân chiến lược phóng từ mặt đất của nước này.

Các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Ông Jon B. Wolfsthal – một chuyên gia về vũ khí hạt nhân từng làm việc tại Hội đồng an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời ông Obama – cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF sẽ làm xói mòn tình trạng ổn định hạt nhân trên toàn cầu và có tác động xấu đến bất cứ thỏa thuận về vũ khí hạt nhân nào có thể đạt được giữa Nga và Mỹ trong tương lai. Còn Chuẩn đô đốc John Kirby – từng là người phát ngôn của Bộ ngoại giao Mỹ, hiện là một nhà phân tích về quân sự và ngoại giao – cũng cho rằng hiệp ước INF không nhằm giải quyết tất cả các vấn đề giữa Mỹ với Liên Xô nhưng nó là một biện pháp để tạo sự ổn định chiến lược ở châu Âu ở cả bối cảnh 30 năm trước và hiện nay.

Một số nhà quan sát cũng cho rằng các bên cần phải có thêm những động thái mới để cứu vãn thỏa thuận. “Bày tỏ hy vọng như ông Pompeo đã làm, rằng Nga sẽ quay trở lại tuân thủ INF trong 60 ngày không phải là chiến lược. Các lựa chọn ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến hiệp ước là không thiếu. Nếu Mỹ, các đồng minh và Nga nghiêm túc về việc cứu thỏa thuận thì thời gian từ nay đến tháng 2 cần phải được sử dụng hiệu quả để theo đuổi một giải pháp có thể giải quyết được những lo ngại của Mỹ và Nga”, ông Kingston Reif – Giám đốc chương trình nghiên cứu về giải giáp tại Liên hiệp kiểm soát vũ khí nói.

Trên thực tế, INF là hiệp ước song phương giữa Mỹ và Nga – khi đó là Liên Xô. Do đó, thỏa thuận này không áp đặt hạn chế nào với các cường quốc quân sự khác như Trung Quốc. Tại cuộc họp với các ngoại trưởng NATO, ông Pompeo cũng nói rằng không có lý do gì để Mỹ tiếp tục nhường lợi thế quân sự quan trọng cho các cường quốc đối thủ. Chính vì vậy, NATO cũng đã tuyên bố việc cứu vãn thỏa thuận hiện nay là “tùy vào Nga”. 

Đọc thêm