Gameshow hay… “chợ giời”?

(PLO) - Ngoài thi thố tài năng, các thí sinh không quên “cài cắm” cách ăn nói, ứng xử hỗn hào, vô lễ như để khẳng định “cá tính” “thích nổi loạn” của mình. Và để câu view, nhà sản xuất chương trình tranh thủ “lăng xê” những màn mà họ cho là “độc, lạ” chỉ có ở… gameshow. 
Cuộc đấu khẩu trong Vietnam’s Next Top Model.
Cuộc đấu khẩu trong Vietnam’s Next Top Model.
Thi nhau chảnh chọe, chửi bới
Không phải ngẫu nhiên, rất nhiều khán giả truyền hình bức xúc, đòi tẩy chay một số gameshow trên truyền hình. Bức xúc bởi gameshow ngày càng nhiều “rác” do nhà sản xuất, thí sinh tạo thành. Ngoài thi thố tài năng, các thí sinh không quên “cài cắm” cách ăn nói, ứng xử hỗn hào, vô lễ như để khẳng định “cá tính” chẳng giống ai của mình. Và để câu view, nhà sản xuất tranh thủ “lăng xê” những màn mà họ cho là “độc, lạ” chỉ có ở… gameshow.
“Vietnam’s Next Top Model” là một trong những cuộc thi gây ức chế cho khán giả. Vietnam’s Next Top Model luôn đặt ra thử thách liên quan đến quyền lợi từng thí sinh như tranh chỗ ngủ, tạo ra căn phòng cho người chiến thắng nhằm dồn ép ứng viên thể hiện được con người thật trước ống kính vừa giúp khán giả đánh giá rõ ràng hơn, vừa tạo nên kịch tính cho cuộc thi.
Nữ giám khảo Xuân Lan từng chia sẻ: “Chúng tôi muốn đào tạo ra một thế hệ người mẫu biết cách ứng xử vì đó có thể là những gương mặt đại diện cho người Việt Nam khi ra với thế giới. Người xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Đi thưa về trình”...  Chúng ta phải biết tôn trọng những người lớn tuổi hơn mình”. 
Ấy vậy mà, chương trình dường như đi ngược lại “kim chỉ nam” ấy. Còn nhớ, khán giả thất vọng khi thí sinh Nguyễn Oanh - một cô gái ngỗ ngược, hiếu chiến, có hành xử thô lỗ, vô lễ được đăng quang cuộc thi “Vietnam’s Next Top Model” 2014. Nguyễn Oanh với cách ăn nói cộc lốc chẳng kiêng nể một ai dù người đó lớn tuổi hơn. Ít tuổi nhất ngôi nhà chung, song Nguyễn Oanh chẳng ngại cãi tay đôi với thí sinh khác với những lời lẽ thiếu tôn trọng, thậm chí cô nàng còn mắng nhiếc đàn anh.
Ngoài Nguyễn Oanh, Kim Thoa, Nguyễn Thị Hợp… cũng để lại ấn tượng xấu với khán giả khi kênh kiệu, ăn nói khó nghe, thích dạy dỗ người khác, chảnh chọe và là “ngòi nổ” của những mâu thuẫn trong ngôi nhà chung. Không ít lần khán giả của chương trình này thấy các thí sinh công khai chỉ trích, đổ lỗi hay chê bai nhau. Từ thái độ đến lời nói đều thiếu sự kiềm chế và không tôn trọng nhau khiến cho không ít khán giả khó chịu bởi các thí sinh đã đề cao cái tôi thái quá, làm mất hình ảnh của chính mình. Hành động vứt quần áo của nhà thiết kế của thí sinh “Vietnam’s Next Top Model” khiến nhiều khán giả bất bình.
Gameshow “Điệp vụ tuyệt mật” cũng khai thác lối ứng xử của thí sinh. Lâm Chi Khanh trở thành tâm điểm khi bị nhiều thí sinh chỉ trích. Ca sĩ chuyển giới bị Hồng Quế quát tháo, Phương Mai chửi ngu vì cứ hỏi đi hỏi lại luật chơi. Đỉnh điểm của mâu thuẫn khiến Lâm Chi Khanh bức xúc là cô bị vu ăn cắp đồ của Nathan Lee. Lâm Chi Khanh rất bực mình và cho rằng các thí sinh ăn hiếp mình. Cô phản ứng bằng cách “lên lớp” các thí sinh về đối nhân xử thế cũng như cách sống hòa đồng khi ở trong tập thể. Nhiều khán giả cho rằng Phương Mai, Hồng Quế hỗn hào, còn chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” nhảm nhí, nhố nhăng khi cho thí sinh thoải mái chửi nhau trong ngôi nhà chung.
Trang Trần khiến khán giả “nổi da gà” khi tham gia “Cuộc đua kỳ thú 2014”. Trang Trần đã có nhiều câu nói làm tổn thương người bạn chơi Hiếu Nguyễn. Trong chặng đua tại Huế, cô liên tục gắt gỏng, trách móc Hiếu Nguyễn. Khi người bạn chơi lên tiếng giải thích thì Trang Trần lập tức chỉ tay và quát: “Anh im mồm đi”. Thậm chí, cô còn mắng Hiếu Nguyễn: “Chữ ngắn, nông cạn thì đừng nói nhiều”. Lúc không may làm mẻ răng Hiếu Nguyễn, Trang Trần không xin lỗi mà còn tỉnh bơ: “Về trồng lại cái răng khác chứ có gì đâu”. 
Không những thế, trong suốt quá trình tham gia “Cuộc đua kỳ thú” 2014, cô người mẫu Trang Trần cũng không ngại ngùng văng ra những tục tĩu, chửi thề trên sóng truyền hình. Và để “chữa cháy”, Ban tổ chức đã phải dùng tiếng “bíp” để lấp đi những từ ngữ không lấy gì hay ho này trong các đoạn trò chuyện của Trang Trần. 
Khán giả theo dõi một chương trình liên tục có tiếng “bíp” đã “nóng mặt”… tắt ti vi. Chưa hết, trong một bức thư dài được đăng tải trên trang cá nhân, chân dài Trang Trần đã không tiếc lời tố Ban tổ chức game show vì hành vi “nhét rác vào mồm người khác”, “ngậm máu phun người”, “tự vả vào mặt mình”…, cùng kha khá lời mỉa mai, mát mẻ: “Em không nói chắc chị lại tưởng em ngáo đá không biết chữ”, “nếu không cố gắng banh mắt xem”…
Trang Trần trong cuộc đua kỳ thú.
Trang Trần trong cuộc đua kỳ thú. 
Chưa có tài đã sinh tật
Các thí sinh chảnh chọe, cãi vã nhau khiến các gameshow chẳng khác… “chợ giời”. Trước những hành xử “chẳng giống ai” của các thí sinh, có nhà sản xuất chương trình viện 1001 lý do:  “Thế mới là truyền hình thực tế”, nào là “tạo điều kiện cho cái tôi thí sinh phát triển”, rồi thì “các thí sinh được sống đúng bản ngã của mình”… để tha hồ “xả rác” trên sóng truyền hình.  
Văn hóa ứng xử của những người được coi là sứ giả văn hóa xem ra… rất xa xỉ.  Sự háo danh, các thí sinh sẵn sàng trở thành “con tốt”, những “con rối”, gây “ức chế” cho khán giả và “mua vui” cho nhà tổ chức khi gia tăng quảng cáo. Bằng chứng là các gameshow, danh sách thí sinh đăng ký dài như “cánh đồng bất tận”. 
Các gameshow thường có tiêu chí tìm ra những tài năng nghệ thuật. Nhưng tài năng luôn cần có văn hóa. Văn hóa chuyên chở những giá trị đẹp của nhân cách. Nhưng xem ra, không ít thí sinh trong gameshow “tài thì ít, tật thì nhiều”. Không ít người lo ngại, các thí sinh với thói ứng xử “chợ búa” và sự “dung dưỡng” của nhà sản xuất chương trình có thể ảnh hưởng tới lối sống, ứng xử, giá trị lệch chuẩn văn hóa của một bộ phận giới trẻ.  
Người xưa đã dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Người bình thường phải tâm niệm câu ấy, người làm nghệ thuật, văn hóa phát ngôn trước công chúng lại cần lấy điều đó làm lề lối cho mình. Thế nhưng vẫn có những người tham gia nghệ thuật không chịu hiểu điều đó. Họ có những phát ngôn không chỉ gây sửng sốt với công chúng mà còn khiến những người nghe được phẫn nộ vì sự thiếu ý tứ, thậm chí là thiếu văn hóa. 
Ở các nước, một khi người làm nghệ thuật phát ngôn thiếu thận trọng, ứng xử vô văn hóa sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc từ cơ quan quản lý lẫn công chúng. Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện dường như đảo lộn. Những thí sinh có phát ngôn sốc, có hành động phản cảm chẳng những không bị “tuýt còi” mà còn được “tung hô”, đoạt giải. Một điều lạ là, tất cả những việc “chướng tai, gai mắt ấy” vẫn được lên sóng đều đều và không bị trở ngại nào từ các cơ quan quản lý. Lẽ đó, nhà sản xuất không ngần ngại biến gameshow thành… “chợ giời”, các thí sinh biến mình thành kẻ thiếu hụt văn hóa ứng xử. 
Và phải chăng, gameshow Việt đang thừa mứa các sản phẩm giải trí vô bổ, nhạt nhẽo, giá trị nghệ thuật bị méo mó, bát nháo đầy thị phi?