Giống bơ “khổng lồ” trên đất Tây Nguyên

(PLO) -Thông thường, Tây Nguyên chỉ trồng được những cây bơ ra trái một mùa trong năm, với trọng lượng vài ba quả một kg. Thế nhưng có hai loại giống bơ “kỳ lạ” tại Đắk Lắk và Đắk Nông, một loại ra trái gần như quanh năm, loại kia cho quả khủng, mỗi quả nặng gần 2kg. 
 
Ông Thành hồ hởi khoe những quả bơ “khủng”
Ông Thành hồ hởi khoe những quả bơ “khủng”

Thời gian gần đây, nhà ông Trương Đức Thành (SN 1966, tổ dân phố 12, khối 12, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) liên tục đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả nông dân, thương lái lẫn những chuyên gia nông nghiệp tìm đến chiêm ngưỡng cây bơ sai trái, cho quả nặng từ 1,3- 1,8kg.

Ông Thành kể năm 1999 thấy cây bơ nhà bố vợ ở cùng thị trấn cho quả to, ăn có vị thơm béo đặc biệt nên ông mang về trồng ở vườn nhà. Vài năm sau, cây phát triển khỏe mạnh, vụ đầu tiên cây chỉ cho 3 quả vừa to vừa dài, nặng từ 1,5-1,8 kg, cơm vàng, thơm ngon như cây mẹ.

Các năm tiếp theo cây sai trĩu quả, năng suất tăng dần từ 1-3 tạ… đến nay đạt gần 7 tạ/năm và bán được với mức giá trung bình từ 40-55 ngàn/kg. 

“Tiếng lành đồn xa”, khi biết tin về giống bơ lạ này, người dân khắp các vùng tò mò tìm đến để chiêm ngưỡng, hỏi mua giống về trồng. Năm 2010, ông Trần Văn Đỉnh nhà ở huyện Đắk Mil mua 70 cây trồng xen vào vườn cà phê. Đến nay, vườn bơ cho thu hoạch 1,2 tấn, thu lời mỗi năm gần 50 triệu, cao hơn nhiều lần so với cà phê.

Nhận thấy nhu cầu mua giống bơ cao, ông Thành mày mò học cách ghép chồi, mỗi năm bán hàng nghìn cây giống. “Giống bơ kháng bệnh tốt, quả to, ngon, khi chín vẫn bảo quản được nhiều ngày.

Đặc biệt lợi thế ra quả muộn (trái mùa) sẽ giúp bán giá cao. Hiện tôi đã hoàn tất thủ tục gửi cơ quan chức năng, xin công nhận đây là loại bơ đầu dòng  để tiếp tục liên kết nhân giống cung ứng ra thị trường”, ông Thành nói. 

Quả bơ nặng gần 2kg vườn nhà ông Thành
Quả bơ nặng gần 2kg vườn nhà ông Thành 

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Đắk Mil, xác nhận: “Giống bơ cho quả to, thơm ngon như vườn ông Thành rất hiếm thấy. Cây bơ trên địa bàn chủ yếu trồng xen vào vườn cà phê, tiêu nhưng tạo thu nhập đáng kể cho nông dân nên phòng nông nghiệp đã đưa bơ vào diện cây ăn quả chủ lực của huyện để nhân rộng mô hình, cải thiện đời sống, thu nhập cho bà con”.

Liên quan đến giống bơ, tại Đắk Lắk, nhà anh Nguyễn Ngọc Đức (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kiun) cũng nổi tiếng về cây bơ cổ thụ tuổi đời 35 năm. Cây bơ nhà anh Đức cho trái muộn từ tháng 12 (âm lịch) đến gần hết tháng 10 năm sau, đem về thu nhập trên 40 triệu/năm.

Chủ vườn năm 1990 mua lại khu vườn cà phê già cỗi của một người dân cùng xã, khi đấy trong vườn có sẵn một hàng khoảng chục cây bơ đang đến kỳ cho quả. Lúc bấy giờ bơ trên thị trường giá rất thấp, cây lại ít quả, anh quyết định chặt bỏ gần hết để lấy đất canh tác, chỉ giữ lại một vài cây sai quả để ăn.

Trong số những cây còn lại, có một cây mãi vẫn không chịu ra trái, nhưng tươi tốt nên anh giữ lại làm bóng mát. Ba năm sau, cây bơ này bắt đầu cho quả, khi hái xuống ăn, thấy mùi vị thơm ngon đặc biệt, khác lạ.

Cho thu hoạch xong vụ đầu tiên, gần một tháng sau cây bơ lại tiếp tục trổ hoa kết trái. Rồi cứ thế, sau mỗi vụ, mật độ ra hoa của cây bơ càng dày thêm, dần dần ngày nào trên cây bơ này cũng có hoa, có trái… Đến nay cây bơ gốc to hai người ôm không xuể, tán rộng um tùm, vẫn cho trên 1 tấn quả/năm.

Anh Đức nhận định đây không phải là loại bơ nước, cũng không thể gọi là bơ sáp. Loại bơ này vỏ xanh đậm, lúc vừa chín tới ăn rất dẻo thơm, khi chín muồi lại bở, béo, ngọt thơm với mùi rất riêng biệt. 

Sợ giống bơ này “tuyệt chủng”, anh Đức đã tìm tòi ghép thử 10 cây, cho kết quả rất tốt, chất lượng của cây bơ ghép không khác gì cây mẹ. Trên cơ sở đó, anh quyết định nhân giống mở vườn ươm, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 2 vạn cây ghép.

Đọc thêm