Lượn Hà Lều - sợi tơ hồng se duyên

(PLO) - Trước đây, những chàng trai, cô gái dân tộc Tày, Nùng, ai có tài đối đáp hát lượn thì càng “có giá”, cơ hội lựa chọn người chung sống nhiều hơn so với người còn lại. Bởi vậy, lần lượt các lớp thế hệ khi đến tuổi trưởng thành đều thi nhau học hát lượn để thể hiện tài năng, tìm kiếm bạn đời như ý. 
Nam nữ đối đáp nhau bằng lượn Hà Lều
Nam nữ đối đáp nhau bằng lượn Hà Lều

Những ngày giữa thu, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu làn điệu dân ca Hà Lều độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc Tày, Nùng ở miền biên viễn Cao Bằng.

Trong kho tàng văn hoá của người Tày, Nùng, những làn điệu dân ca giao duyên chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tinh thần vô cùng đặc sắc, làm say đắm lòng người. Trong đó không thể không kể đến làn điệu dân ca Hà Lều ở Cao Bằng dành riêng cho các chàng trai, cô gái Tày, Nùng đối đáp, kết mối lương duyên.

Giống như “Hát đối” của người Kinh, lượn Hà Lều không hề có bài bản sẵn, hoàn toàn ứng tác tại chỗ. Vì vậy đòi hỏi cả hai bên đều phải xem đối phương lượn câu gì, ẩn ý ra sao để lựa lời mà đáp lại. Bất kể khi ra câu lượn hay đáp lại, tất cả phải tuân theo cách gieo vần, vừa bảo đảm hợp tình hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh.

Ông Lưu Văn Sú ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết: “Học hát Hà Lều cũng không khó khăn lắm, chỉ cần nghe vài lần là có thể hát được. Nhưng những người học chỉ là thanh niên trai gái thôi. Hồi còn trẻ tôi cũng được học và đối đáp tại các dịp lễ tết, đám cưới hay hội làng. Người vợ bây giờ cùng chung sống vài chục năm cũng là do hát lượn rồi mến nhau.

Thời tôi còn trẻ chủ yếu yêu nhau, lấy nhau thông qua những câu hát lượn Hà Lều nên hầu như ai ai cũng biết hát. Thế nhưng để hát hay thì không dễ chút nào. Thường thì người hát hay là người ứng tác rất giỏi. Tức là lời hát phải vừa nhanh, vừa sắc dồn đối phương vào thế bí để họ phải chào thua. Nếu muốn tiếp diễn cuộc hát thì bên thua phải có lời hát “xin lại” để cho bên thắng gỡ cho. Đó cũng là nét đặc thù rất riêng của lượn Hà Lều so với nhiều làn điệu dân ca khác.

Lượn Hà Lều thường là câu thơ song thất, âm tiết thứ năm của câu thứ hai được gieo vần vào âm tiết cuối của câu đầu. Cách gieo vần này tạo nên đặc trưng của lượn Hà Lều là hát song ca mà tạo hai bè cao thấp trong câu hát, nhưng vẫn bảo đảm ăn nhập với nhau, nếu đạt đến đỉnh cao thì cả hai sẽ như hòa chung một tâm hồn, cảm xúc. Khi đó, cả người hát sẽ không biết mệt mỏi, người nghe cả đêm không biết chán”. 

Một điểm có thể phân biệt giữa lượn Hà Lều và các loại lượn khác là khi nghe âm điệu “ì ì... à lều... à lới” tức là lượn Hà Lều, còn “hứ hừ... hứ hợi...” là lượn Cọi và “nàng lé ới... nàng à nỏ...” là âm điệu của lượn Nàng ới. Tuy nhiên, đây chỉ là cách để nhập tâm, lấy cảm xúc để đưa người hát và người nghe vào nội dung của câu hát.

Để có thể lôi cuốn, hấp dẫn đối phương thì cần phải có chất giọng trong trẻo, luyến láy sao cho diễn tả được cái tình tứ của câu lượn, đồng thời ý nghĩa của câu lượn phải có hàm ý sâu xa, sắc sảo và lay động đến tận tâm can con người, khiến người nghe dù bận công việc cũng nán lại ngồi nghe, mê mẩn thức cả đêm để thưởng thức.

Cái tinh tuý, chắt lọc làm mê hồn người nghe của Hà Lều chính là nằm ở lối nói tượng trưng và ví von bằng hình ảnh. Khi chàng trai hay cô gái muốn nói điều gì đó lại không hề nói thẳng mà lại thông qua một đồ vật hay hình ảnh cụ thể. Ngày nay các cụ cao niên ở Cao Bằng khi nói về Hà Lều thường hay nói rằng, nếu lượn Hà Lều mà được một cặp hát có chất giọng ngọt ngào, trong trẻo thể hiện thì khác nào như một thứ mật ngọt rót vào tim khiến người nghe mê mẩn, xốn xang tâm hồn. 

Lượn Hà Lều đa dạng, phong phú đến nỗi nhiều cụ cao niên ở huyện Trùng Khánh cho rằng, có thể nói mấy ngày đêm cũng không hết. Đối với họ, chỉ cần nghe thấy tiếng hát lượn Hà Lều vang lên cũng đã làm lay động, xuyến xao bởi nó chính là hơi thở cuộc sống, là những thông điệp truyền tải ước mong, khát khao của cuộc đời mỗi người.

Lượn Hà Lều không chỉ là những khúc hát giao duyên đặc sắc dành riêng cho thanh niên trai gái, mà nó còn được hát ở các đám cưới, lễ mừng thọ, mừng nhà mới... Ngoài ra, lượn Hà Lều còn có không ít câu lượn lên án về những cái xấu xa trong cuộc sống, xã hội như thói cờ bạc, nghiện hút, giao tiếp ứng xử…

Theo nghệ nhân Nông Thanh Phong ở xóm Cốc Lại, xã Cảnh Tiên, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) kể: “Từ thuở nhỏ tôi đã đam mê hát làn điệu dân ca Hà Lều khi thấy các bậc đàn anh hát giao duyên vào các ngày lễ hội hàng năm. Khi nghe những làn điệu êm ái, đậm chất miền núi ấy đã lôi cuốn tôi rất mãnh liệt.

Vì vậy, vào năm 1980 khi được 16 tuổi, tôi đã tìm đến hai nghệ nhân là Mã Thị Hành, Lương Thị Sau ở cùng làng để học lượn Hà Lều. Đây là hai nghệ nhân nổi tiếng trong huyện về hát Hà Lều và có thể sáng tác các điệu hát. Sau bao năm học hỏi, luyện tập với hai người nghệ nhân đó, tôi đã học được nhuần nhuyễn  từng câu chữ và may mắn đoạt giải Nhì Tiếng hát các trường trung học chuyên nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên năm 1988 khi đi học chuyên nghiệp ở Thái Nguyên.

Thời gian về sau, mặc dù không theo ngành nghệ thuật, nhưng những câu hát giao duyên của các chàng trai, cô gái vẫn làm tôi xao xuyến, không thể nào quên được. Chính bởi vậy, tôi đã dành thời gian nghiên cứu và học hát tất cả thể loại dân ca của quê hương mình như lượn Hà Lều, Lượn then, Pựt lằn, Phong slư…

Sau đó, tôi nghĩ phải tìm cách bảo tồn các thể loại dân ca quý báu này cho thế hệ sau nên đã trực tiếp tổ chức đạo diễn, truyền dạy cho các đội văn nghệ của các ban, ngành trong huyện, tỉnh rồi đi tham gia các cuộc thi hát, liên hoan dân ca, các hoạt động lễ hội ở địa phương”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng như việc các nghệ nhân dân gian dần vắng bóng do tuổi tác, sự thờ ơ của các lớp trẻ đối với các thể loại hát dân ca truyền thống thì các làn điệu dân ca như Hà Lều đang dần bị mai một, lãng quên.

Vì vậy, hiện nay về việc truyền dạy, bồi dưỡng vốn văn hoá, văn nghệ dân gian cho lớp trẻ giữ gìn là điều hết sức cấp thiết. Các ngành chức năng liên quan ở địa phương cần lập kế hoạch, xây dựng chương trình cụ thể ở từng vùng, từng miền, từng dân tộc để văn hoá dân tộc thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Đọc thêm