Người phụ nữ Hà Nội nặng lòng với đồ chơi trung thu truyền thống

(PLO) - Đó là cô Nguyễn Thị Tuyến (ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. Những ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sao, các con vật... mà cô Tuyến và gia đình làm ra là những món quà vô giá mang ý nghĩa văn hóa dân gian sâu sắc dành cho trẻ nhỏ mỗi độ thu về.
Gia đình cô Tuyến cắt dán miệt mài bên những món đồ chơi truyền thống.
Gia đình cô Tuyến cắt dán miệt mài bên những món đồ chơi truyền thống.

Tiếp nối “lửa nghề” của gia đình

Có mặt ở nhà cô Tuyến vào những ngày này, phóng viên thấy ngổn ngang những nan tre vót dở, những khung tre đã được dựng thành hình hay những tấm giấy màu bắt mắt, ai ai cũng cảm nhận được không khí hối hả, nhộn nhịp của công việc làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Những công đoạn cuối cùng đang được hoàn tất để đưa những sản phẩm đẹp mắt đến với tất cả mọi người, đặc biệt là các em thiếu nhi vào đêm Rằm tháng Tám sắp tới. 

Cô Tuyến chia sẻ: “Gia đình tôi đã ba đời làm đồ chơi Trung thu, lên 8 tuổi, tôi đã biết nghề. Nhưng tôi làm nghề này chủ yếu vì tình yêu trẻ nhỏ, vì mỗi độ Trung thu về, bà con trong xóm, ngoài làng, đâu đâu ai cũng hỏi “đã làm chưa?”, “bao giờ bán?”, từ đó giúp mình yêu nghề hơn chứ thu nhập chẳng đáng là bao”. Vừa nói, cô vừa cắt dán, nhìn cô tỉ mỉ, khéo léo dán từng chi tiết của ông Tiến sĩ giấy có thể nhận thấy được phần nào sự tâm huyết của cô với mong muốn lưu giữ lại nghề truyền thống bao đời của gia đình cũng như “hồn vía” của món đồ chơi dân gian mang nét văn hóa Việt. 

Được biết, để làm được những đồ chơi trung thu dân gian, cô Tuyến khá chật vật trong quá trình tìm nguyên vật liệu. Cô phải đi hàng chục cây số để tìm mua tre, nứa rồi lại kỳ công tự đan vót, tự nấu hồ. “Để làm đồ chơi Trung thu đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ, cẩn thận, vì các nan tre rất bé buộc không chặt, không cân đối là tuột ra ngay”, cô Tuyến bộc bạch.

Đồ chơi Trung thu nhà cô rất đa dạng, mỗi món đồ chơi lại mang một ý nghĩa và gắn với một câu chuyện riêng. Kể như, đèn ông sao năm cánh tượng trưng cho đất nước Việt Nam hòa bình, đèn con thỏ gắn với sự tích Thỏ Ngọc cứu bạn trên cung trăng. Đặc biệt hơn cả, ông Tiến sĩ giấy là món đồ chơi dân gian không thể nào thiếu được vào dịp Trung thu.

Vào đúng hôm trăng tròn, ông Tiến sĩ ngồi ghế cao được đặt trước mâm ngũ quả, hai bên là 2 ông “vệ sĩ” được gọi là “ông đánh gậy”. Sau màn rước đèn quanh làng đầy vui nhộn, các em nhỏ sẽ về nhà phá cỗ Trung thu. Lúc ấy ông tiến sĩ sẽ được phụ huynh đưa vào bàn học của con mình với tâm nguyện các cháu sẽ học hành giỏi giang, đỗ đạt.

Phía trên đầu mỗi “ông đánh gậy” còn treo một “mặt trăng vàng” bằng giấy, khi có gió thổi qua, mặt trăng đung đưa khiến cho 2 cánh tay vốn nhiều màu sắc của hai ông lúc lắc theo, trông rất ngộ nghĩnh. “Trong lúc học, nhìn thấy những hình ảnh vui mắt như thế, các cháu sẽ thấy thư giãn hơn”, cô Tuyến nói.

Kéo “thời xa xưa” trở về với hiện tại

Khoảng vài chục năm về trước, ở thôn Hậu Ái người người làm nghề, nhà nhà làm nghề. Vào dịp Tết Trung thu, khắp làng trên, xóm dưới nhộn nhịp người xe ra vào để lấy hàng. Người dân trong thôn nhộn nhịp với những món đồ chơi truyền thống phục vụ dịp Trung thu về, tiến sĩ giấy thôn Hậu Ái đã vang xa đến khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc.

Nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống đã giúp nhiều người dân trong làng thoát nghèo. Theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng đã thay đổi khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, làng nghề bị biến động, số người nặng lòng với nghề đã vơi đi nhiều. Hơn 40 năm qua, để trụ lại với nghề, gia đình cô Tuyến đã tích cực tìm kiếm thị trường, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để tìm hướng sản xuất mới.

Cô Tuyến cho biết để làm hoàn thành một bộ ông Tiến sĩ giấy phải mất khoảng hai ngày, tính từ khi tìm nguyên liệu đến lúc hoàn thành ông Tiến sĩ phải qua 25 công đoạn còn để làm hai ông đánh gậy trông trăng đi kèm phải qua 36 công đoạn. Trong đó, công đoạn làm khung và mặt nạ là hai công đoạn mà người làm phải hết sức tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm. Tùy vào kích cỡ khách hàng đặt mà ông Tiến sĩ có thể cao từ 80cm đến 150cm, người thợ phải biết cách tạo bố cục hài hòa mới có được những sản phẩm đẹp mắt, đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc. 

Không đành lòng để nghề truyền thống bị thất truyền, cô Tuyến cố gắng kéo “thời xa xưa” trở về với hiện tại. Vợ chồng cô đang tìm cách đa dạng thêm mẫu mã các mặt hàng đồ chơi. Không chỉ có đèn con thỏ, đèn ông sao mà còn có thêm đèn con tôm, con cá, con công được trang trí màu sắc đẹp hơn tuy nhiên vẫn đòi hỏi phải giữ được cái cốt nguyên bản, mang bản sắc theo lối cũ xưa. 

Quy luật cạnh tranh khắc nghiệt là thế song khi được hỏi về tương lai làng nghề, nghệ nhân như cô vẫn giữ một niềm tin tưởng mãnh liệt bởi lẽ rằng: “Chừng nào còn Trung thu, chừng đó cô vẫn còn làm nghề”. Những năm gần đây, nhà nước đã quan tâm đến trò chơi dân gian Việt Nam với mong muốn cho các cháu nhỏ biết đến ký ức tuổi thơ ngày xưa từ thời ông bà tổ tiên, cô đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà cổ ở phố Mã Mây và Hàng Đào mời đến để truyền đạt ý nghĩa và cách làm ông Tiến sĩ giấy, đèn ông sao cho các du khách và trẻ nhỏ trong mỗi dịp Trung thu.

Dịp Tết Trung thu 2016 này, ngoài một số cơ quan quen thuộc, có gần 10 trường học đã mời cô đến dạy cách làm đèn ông sao, ông Tiến sĩ, hay đến kể chuyện về ý nghĩa của những trò chơi này trong buổi phá cỗ. Những việc làm như thế chính là cách khơi thêm giá trị về những món đồ chơi truyền thống và văn hóa dân tộc mà các nghệ nhân vẫn đang miệt mài cố gắng thực hiện. Hiện nay, rất nhiều người đã tìm đến tận nhà để đặt hàng nhưng với cô Tuyến đây không phải là nghề làm kinh tế mà là niềm vui mỗi ngày để gìn giữ nét văn hóa truyền thống gia đình, vừa là cách làm gương, dạy dỗ con trẻ nên người.

Đọc thêm