Cú sốc sau sắc lệnh của ông Donald Trump
Sắc lệnh hạn chế người tị nạn từ 7 nước Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thế giới lo ngại, nhiều chuyên gia nhận định chính sách này có nhiều điểm khác thường và khó hiểu. New York Times có bài xã luận gọi lệnh cấm của ông Donald Trump là “nguy hiểm” và quyết định “tàn nhẫn” này đã gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ.
Người ta có thể cảm nhận sự đau khổ và tuyệt vọng của họ tại các sân bay Mỹ chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh được ban hành. Sự hỗn loạn đã lộ rõ với hàng loạt người mắc kẹt tại các sân bay khắp thế giới, nước mắt và sự hoảng sợ trong nhiều gia đình, biểu tình, kiện tụng… Tờ Le Monde nhận định, sắc lệnh chống nhập cư của ông Donald Trump đã làm gia tăng lo ngại trên toàn cầu.
Dưới áp lực, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố “không đồng tình” với chính sách hạn chế nhập cư do ông Trump áp đặt. Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố việc áp đặt lệnh cấm nhập cư dựa trên nguồn gốc và tôn giáo là “bất hợp lý” ngay cả trong bối cảnh cần thiết phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Mỹ thoái lui, sẽ cứng rắn với Trung Quốc
Theo Stratfor, trải qua những cuộc chiến triền miên ở Trung Đông, Mỹ giờ đây đã quá mệt mỏi với công cuộc lấn sâu vào thế giới Hồi giáo nên muốn thoái lui để cải thiện tình hình trong nước. Ý tưởng trên càng được khẳng định sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần cảnh báo ông sẽ rút Mỹ khỏi các nghĩa vụ quốc tế và nhường lại một phần gánh nặng an ninh cho các đối tác và đồng minh như NATO. Ông cũng tuyên bố sẽ rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương để tập trung phát triển kinh tế của nước Mỹ.
Với việc ông Trump trong chiến dịch tranh cử cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ”, đồng thời không ít lần chỉ trích các chính sách kinh tế Trung Quốc, Mỹ năm 2017 có thể áp đặt thêm các rào cản thương mại đối với Trung Quốc. Từ đây, sự chia cắt về thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ được cảm nhận rõ nét hơn trên phạm vi toàn cầu.
Những ảnh vệ tinh mới nhất của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục quân sự hóa trên Biển Đông, sẵn sàng đối đầu với hải quân Mỹ nhằm làm suy yếu vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương. Những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ trong khu vực như Singapore, Indonesia... sẽ có thể mất lòng tin nếu Washington không ủng hộ quan điểm của các nước này về Biển Đông.
Trung Quốc bận rộn
Năm 2017, Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình, không chỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm kiếm cơ hội ở Moscow, đặc biệt trong các dự án năng lượng, hợp tác quân sự cũng như công nghệ mạng.
Stratfor cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chủ động hơn trong việc thúc đẩy kinh tế trong nước, tập trung tự sản xuất các mặt hàng mà họ từng phải nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu.
Stratfor dự đoán Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược bành trướng nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông nhưng với một cách tiếp cận thận trọng hơn, nhằm dò xét phản ứng quốc tế, đặc biệt là từ chính quyền Mỹ mới. Trung Quốc “đang thay thế chiến lược mở rộng hung hăng bằng chiến lược tạo không gian cho hợp tác, đi kèm với gây sức ép”.
Châu Âu vật lộn
Giới quan sát nhận định 2017 sẽ là một năm đầy chông gai đối với các quốc gia châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) vốn đang phải vật lộn giữa muôn trùng khó khăn bởi làn sóng nhập cư ồ ạt cùng khủng hoảng kinh tế, sẽ trải qua hàng loạt thời khắc thử thách. Các cuộc bầu cử ở những nền kinh tế lớn nhất khu vực, gồm Đức, Pháp và Italia dường như sẽ tác động lẫn nhau và đe dọa đến sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Stratfor suy đoán EU sẽ giải thể nhưng không phải ngay lập tức. Câu hỏi đặt ra trong năm 2017 là những cuộc bầu cử này ảnh hưởng tới tiến trình giải thể ở mức độ như thế nào. Dù những người ôn hòa hay cực đoan chiến thắng, châu Âu vẫn rơi vào tình cảnh tan vỡ thành những khối khu vực. Trong khi đó, các quốc gia ở Đông Âu có lẽ lại đoàn kết hơn trước bối cảnh Nga ngày càng mở rộng ảnh hưởng và chính sách Mỹ dưới thời ông Donald Trump chưa thực sự rõ ràng.
Nga tăng cường ảnh hưởng
Giới chuyên gia nhận định một châu Âu chia rẽ là lợi thế đối với Nga, tạo ra nhiều không gian hơn cho Matxcơva củng cố ảnh hưởng tại những khu vực giáp ranh với NATO. Chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể sẽ giảm nhẹ những lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga và phối hợp chặt chẽ hơn với Matxcơva nhằm xử lý các xung đột ở Syria.
Nhiều ý kiến nhận định cuộc “Chiến tranh lạnh” mang dáng dấp của gia tăng quân sự có thể tiếp tục trong năm 2017. Liệu Nga sẽ phải lùi bước hay được đề xuất những chính sách hòa giải mới? Tình hình khó dự đoán hơn khi ông Donald Trump khi trở thành Tổng thống Mỹ đã công khai ủng hộ Tổng thống Putin.
Căng thẳng Trung Đông gia tăng
Dù phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được dự báo tiếp tục suy yếu và dần lâm vào cảnh bị tiêu diệt, đây vẫn là một lực lượng đáng gờm ở khu vực và các hoạt động quân sự chống IS có khả năng đem đến những hệ quả không thể đoán trước. Mặt khác, IS suy yếu cũng là cơ hội để tổ chức khủng bố al-Qaeda trỗi dậy và hoạt động tích cực hơn vào năm 2017.