Thế nào là 'bí mật cá nhân', 'bí mật gia đình'?

(PLO) - Việc Điều 70 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ “gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ” đã tạo thuận lợi hơn cho đương sự trong việc tiếp cận, đánh giá các chứng cứ của vụ án. 
Bí mật cá nhân là chứng cứ không phải gửi bản sao cho đương sự khác
Bí mật cá nhân là chứng cứ không phải gửi bản sao cho đương sự khác

Tuy nhiên, đối với “tài liệu hoặc chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự” thì đương sự không phải thực hiện theo nghĩa vụ trên.

Trước quy định này, một số ý kiến lo ngại rằng, nếu không có hướng dẫn cụ thể để xác định như thế nào là “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình” thì rất dễ dẫn đến tình trạng các đương sự sẽ lạm dụng quyền này để từ chối thực hiện nghĩa vụ gửi tài liệu, chứng cứ cho bên kia.

Bảo vệ bí mật cá nhân là cần thiết

Có thể nói, quy định về nghĩa vụ của đương sự tại khoản 9 Điều 70 BLTTDS như trên là cần thiết và phù hợp với việc bảo vệ quyền nhân thân của công dân, phù hợp với các quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Bộ luật Hình sự 2015, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Ngoài ra, quy định tại Điều 70 này cũng phù hợp với các quy định khác tại BLTTDS. Đơn cử như Điều 13 quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”;

Điều 15 quy định: “Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín”;

Khoản 8 Điều 70 quy định về quyền của đương sự, được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này (tài liệu hoặc chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự).

Như vậy, việc xác định chứng cứ, tài liệu  như thế nào là “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình” của đương sự không chỉ giúp xác định rõ nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự mà còn có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm của Tòa trong việc cho đương sự được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu cũng như trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng người tiến hành tố tụng trong việc giữ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Theo một số chuyên gia, hiện nay rất khó để xác định như thế nào là “bí mật cá nhân” hay “bí mật gia đình” vì chưa có văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm này, đó là chưa kể việc trong mỗi vụ án khác nhau thì sẽ có những đánh giá, quan điểm khác nhau trong việc xác định thông tin dạng nào là “bí mật”, tức là cùng một chi tiết tương tự nhau nhưng đối với người này có thể là bí mật, nhưng đối với người khác thì đây chỉ là một thông tin bình thường, không cần phải giữ bí mật.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) thì tới đây, khi áp dụng các quy định trên của BLTTDS trên đây thì dễ dẫn đến tranh cãi, bất đồng giữa các đương sự, giữa đương sự với người tiến hành tố tụng về việc một tài liệu, chứng cứ nào đó có phải là bí mật hay không. Đương sự có thể lợi dụng việc pháp luật chưa quy định cụ thể như thế nào là bí mật cá nhân để lẩn tránh nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

Nhưng theo ý kiến của một số luật sư khác thì việc đương sự lẩn tránh nghĩa vụ gửi chứng cứ cho đương sự khác cũng không dễ bị lạm dụng bởi Tòa chỉ bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình “theo yêu cầu chính đáng của đương sự”, tức là nếu Tòa cho rằng yêu cầu của đương sự về việc bảo vệ bí mật của tài liệu nào đó là không chính đáng thì vẫn có thể công khai hoặc cho phép đương sự khác biết, ghi chép, sao chụp.

Còn để khắc phục việc hiện nay chưa có văn bản quy định thống nhất về khái niệm, nội hàm, nội dung, phạm vi… của “bí mật cá nhân” thì thẩm phán có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Báo chí, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Khám chữa bệnh, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin… để xác định đâu là bí mật đời tư để mà bảo vệ. 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác không đồng tình với quan điểm trên vì cho rằng, trong nhiều trường hợp có thể tài liệu này là bí mật nhưng để đảm bảo giải quyết vụ án được đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của các bên thì buộc phải công khai.

Như vậy, thẩm phán cũng không thể cứng nhắc để dựa vào các quy định của Luật chuyên ngành để xác định chứng cứ, tài liệu nào là bí mật cá nhân và cần căn cứ vào từng vụ việc, hoàn cảnh sự việc cụ thể để xác định một cách linh hoạt, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Còn về lâu dài, để quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của đương sự có tính khả thi và phát huy được hiệu quả trên thực tế và tránh việc áp dụng tùy tiện thì nhất thiết phải có một văn bản pháp luật hướng dẫn, quy định rõ về vấn đề này. 

Đọc thêm