Thêm cơ hội bình đẳng cho phụ nữ dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, nhiều phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với những hủ tục, quan niệm lạc hậu, gây ảnh hưởng đến việc thụ hưởng một số quyền con người và để lại nhiều hệ lụy. Thực tế này đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan, ban ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và phụ nữ dân tộc thiểu số.
Em Má Thị Di và mẹ chia sẻ trong buổi tọa đàm. (Nguồn ảnh: BTPNVN)
Em Má Thị Di và mẹ chia sẻ trong buổi tọa đàm. (Nguồn ảnh: BTPNVN)

“Ra khỏi màn sương”

“Ra khỏi màn sương” là tên buổi tọa đàm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì thực hiện.

Nhân vật chính của tọa đàm là hai mẹ con người Mông, chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Má Thị Di sinh năm 2004. Năm 15 tuổi, chống lại tục lệ “kéo vợ” của dân tộc mình, nhờ sự ủng hộ của mẹ, Di đã tránh được cuộc sống làm vợ, làm mẹ khi còn “ăn chưa no, lo chưa tới”. Câu chuyện của Di đã được phản ánh thú vị, sinh động và chân thực trong bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn trẻ người Tày - Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới. Phim cũng lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất; năm 2023 bộ phim đạt giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất trong hạng mục Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á.

Chị Châu Thị Say (SN 1982), là mẹ đẻ của Má Thị Di. Giống như những phụ nữ Mông khác, chị Say cũng đã trải qua hôn nhân theo truyền thống của dân tộc mình. Trong câu chuyện của Di, với vai trò một người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, chị đã trải qua sự đấu tranh tâm lý, giằng xé về nội tâm giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc mình hay tôn trọng quyết định và hạnh phúc của con trẻ.

Trước đó, tại sự kiện Diễn đàn Nữ Sinh Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam) kết hợp cùng Tổ chức Saigon Children's Charity tổ chức để giúp các em gái nhận thức và phát triển tiềm năng của mình, Má Thị Di đã kể về biến cố lần đầu bị “kéo đi” (bị bắt về làm vợ) một cách không mong muốn của bản thân mình. Biến cố này khiến cuộc sống em hoàn toàn thay đổi.

“Với người dân tộc Mông, nếu con gái không đi theo người đầu tiên kéo mình thì cô gái ấy như thể bị mất đi một phần giá trị của một người phụ nữ. Định kiến giới không chỉ đến từ những người xa lạ, định kiến giới có thể đến từ chính những người thân quen, những người gần gũi, tưởng chừng như hiểu chúng ta nhất trong cuộc sống. Em thấy sợ, nhưng không mất hy vọng. Đặt niềm tin vào bản thân, em quyết tâm rằng sẽ tự giành lại tự do cho chính mình. Em đã vượt lên tất cả các định kiến giới truyền thống để đứng lên mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào của thôn làng. Hiện tại, em vẫn là một người vợ, một người mẹ, nhưng cuộc sống của em không phải do một tập tục truyền thống quyết định, mà là cho chính em đưa ra lựa chọn của bản thân mình” - Di chia sẻ.

Được biết, sau khi từ chối bị kéo về làm vợ, Má Thị Di tiếp tục học và trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao. Di mơ ước sẽ mở Homestay tại quê hương Sa Pa, tạo nhiều việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao để họ có thu nhập, chủ động cuộc sống, không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Hủ tục tác động tiêu cực đến phụ nữ, trẻ em

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Năm 2018, con số này là 27,5%; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 22,4%. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%. Những hủ tục lạc hậu đã tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em. Đây còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản.

Cùng với đó, phụ nữ DTTS kết hôn sớm thường ít có cơ hội tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề. Phụ nữ và trẻ em gái kết hôn sớm, thường bỏ dở việc học hành, hạn chế việc tiếp thu những tri thức tiên tiến, hiện đại, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, tài năng; phải lao động từ sớm để trang trải cho cuộc sống gia đình, gây khó khăn trong bảo đảm các quyền của trẻ em; là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lừa lao động, hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn bán người. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2013 - 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), đa số là người DTTS.

Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến đời sống, văn hóa đồng bào DTTS, như Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam được giao thực hiện Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Theo thông tin từ Hội LHPN Việt Nam, một số kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Dự án thành phần số 8 trong năm 2023 (tính đến ngày 31/5/2023): đã thành lập 2.854 Tổ truyền thông cộng đồng; 366 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 20 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý; 388 địa chỉ tin cậy; 154 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; 283 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ thôn bản; 96 cuộc tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ huyện xã; 192 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp thôn, bản.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi một quá trình “mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động cũng như sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và phụ nữ DTTS.

Vì thế, câu chuyện như Má Thị Di thực sự là tấm gương quý để công tác truyền thông hiệu quả hơn. Qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.

Đọc thêm