Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, các đơn hàng này được kết nối thành công cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ. Các lô vải được chuyển tới các kênh nhập khẩu mới của Nhật Bản này đều có gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại, giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản hiểu rõ hơn về hành trình của quả vải Việt Nam qua từng công đoạn, từ vun trồng, thu hoạch cho đến cung ứng. Ngoài trái vải, khách nhập khẩu Nhật Bản còn có nhu cầu nhập từ Việt Nam mía, xoài xanh, dừa, củ sả tươi...
Sau một năm thâm nhập thị trường Nhật Bản, quả vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang ở xứ sở mặt trời mọc. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận.
Do 2020 là năm đầu tiên nên số lượng vải thiều nhập khẩu vào Nhật Bản không lớn và thời gian bán không được dài, vì vậy có rất nhiều người Việt Nam cũng như người Nhật bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa được thưởng thức quả vải trong vụ mùa năm ngoái.
Năm nay, theo thông tin tổng hợp từ các đầu mối xuất nhập khẩu của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. |
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết, Việt Nam đã mất hơn 5 năm để trao đổi đàm phán, thực hiện nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn khắt khe từ lựa chọn giống vải, đăng ký vùng trồng, chăm bón, diệt sâu bệnh, thu hoạch rồi tìm kiếm đối tác xuất khẩu, đàm phán giá cả… mới có thể thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Tuy vậy kể cả khi thâm nhập thành công rồi nhưng để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc vô cùng khó. Thị trường Nhật Bản là thị trường nổi tiếng là khó tính, nếu để chất lượng quả vải xuất sang Nhật vì bất cứ lý do gì không được tốt, dù từ phía người nông dân hay doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ cần một lô quả vải không đảm bảo tươi ngon, không đạt chất lượng thì bao nhiêu công sức của bà con nông dân trồng ra được quả vải ngon sẽ không còn ý nghĩa.
Do đó, để phát triển bền vững thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh khuyên cáo cần có sự liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả vải thiều tươi giữ được độ tươi ngon, từ đó giữ vững được thương hiệu và thị trường.
Bên cạnh đó, khâu giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng tại thị trường Nhật Bản cũng rất quan trọng. Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan ở trong nước cũng như các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối của Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này, giúp cho quả vải thiều Việt Nam được nhiều người Nhật biết tới hơn nữa.
Theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên thâm nhập thị trường, vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật, xếp vị trí thứ 3, sau vải Trung Quốc và Đài Loan. Do năm ngoái là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu quả vải Việt Nam còn dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Tuy nhiên do quả vải Việt Nam đã gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật có kế hoạch tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam lên gấp nhiều lần trong năm nay, vì vậy vải thiều Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh thị phần tại Nhật Bản.