Thêm động lực trong phòng, chống tham nhũng

Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Tổng Bí thư nhận định tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, hôm qua..

“Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền”, Tổng Bí thư nhận định tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, hôm qua.

9 nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 5 Phó Trưởng ban gồm các ông: Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bá Thanh- Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư.

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng có 9 nhiệm vụ, gồm: Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hàng năm và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.

Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp.

Chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

Chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng TANDTC, Ban cán sự Đảng VKSNDTC, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Công an T.Ư, Quân ủy T.Ư và các cơ quan có liên quan báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; việc xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Chống tham nhũng khó vì động đến người có chức, có quyền

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết; báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển”.

Tổng Bí thư yêu cầu tất cả 16  thành viên Ban Chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, bởi “tay đã nhúng chàm thì nói chẳng ai nghe, không thể làm gì khác được”.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban Nội chính T.Ư - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng - cần gương mẫu, đi đầu, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng chất lượng, hiệu quả.

Theo quyết định điều động, phân công cán bộ của Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính T.Ư là ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên T.Ư Đảng. Hai Phó Trưởng ban cũng là 2 Ủy viên T.Ư Đảng là ông Phan Đình Trạc- Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và ông Nguyễn Doãn Khánh- Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư là ông Vương Đình Huệ - Ủy viên T.Ư Đảng. 3 Ủy viên T.Ư Đảng giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư là các ông Phạm Xuân Đương- Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên; Nguyễn Xuân Cường- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; Đinh Văn Cương- Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Ban Bí thư cũng đã quyết định để ông Phạm Anh Tuấn thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng để giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư và ông Bùi Văn Thạch thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, để giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư.

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Nội chính T.Ư và Ban Kinh tế T.Ư chính thức hoạt động từ ngày 1/2/2013.

Lan Phương

Đọc thêm