Thêm góc nhìn toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 22/04, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Thị trường tài chính 2024 và Triển vọng 2025" .
Phó Tổng Giám đốc Trần Phương phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phó Tổng Giám đốc Trần Phương phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Hội thảo quy tụ các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu đến từ Fiingroup, IMF, Học viện Ngân hàng cùng đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế (ADB, IMF, JICA, JBIC...), các định chế tài chính, hiệp hội nghề nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết: “Tiếp nối thành công từ 3 lần tổ chức trước, BIDV - với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của ADB - đã thực hiện Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”. Là chuỗi báo cáo đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư, đây là diễn đàn cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam.

Đồng thời, Báo cáo cũng nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững”.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại Hội thảo
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại Hội thảo

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô dự báo còn có nhiều biến động, Hội thảo đã tập trung làm rõ các tác động của kinh tế thế giới, trong nước đến thị trường tài chính Việt Nam năm 2025, dự báo xu hướng và các kịch bản thị trường về tăng trưởng tín dụng, tỷ giá, lãi suất, chất lượng tài sản, chỉ số chứng khoán, pháp lý, công nghệ, tài chính xanh,…

Cụ thể, các chuyên gia nhận định năm 2024 là giai đoạn ổn định của thị trường tài chính, nhưng năm 2025 dự báo sẽ có nhiều biến động, chủ yếu đến từ ảnh hưởng của môi trường kinh tế quốc tế, đặc biệt là các thay đổi về chính sách thuế quan từ Mỹ.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2025 được dự báo đạt 14-15%, tỷ giá USD/VND có thể tăng 3-4% và lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng dự kiến tăng khoảng 15% - mức thấp hơn so với năm trước.

Các chuyên gia cũng làm rõ thực trạng thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) và chỉ ra một số điều kiện thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của thị trường này, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, cùng với việc hoàn thiện hạ tầng thị trường và khung pháp lý.

Các khuyến nghị chính sách cũng được thảo luận sôi nổi trong Hội thảo. Nhóm kiến nghị chung chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ và đẩy nhanh đàm phán, giải quyết kịp thời các vướng mắc mà phía Mỹ đang quan tâm (đặc biệt là 24 vấn đề trong 14 nhóm rào cản được đề cập trong Báo cáo rào cản thương mại công bố ngày 31/3/2025).

Ủy viên HĐQT Nguyễn Văn Thạnh - Ủy viên HĐQT Trần Xuân Hoàng và PTGĐ Trần Phương theo dõi Hội thảo
Ủy viên HĐQT Nguyễn Văn Thạnh - Ủy viên HĐQT Trần Xuân Hoàng và PTGĐ Trần Phương theo dõi Hội thảo

Nhóm kiến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường tài chính bao gồm:(i) Phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn trung - dài hạn lên hệ thống ngân hàng; (ii) Thúc đẩy sự phát triển và sớm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK); (iii) Gia tăng khả năng cung ứng và hấp thụ vốn của nền kinh tế; (iv) Thúc đẩy phát triển bền vững, tài chính xanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số, quản trị dữ liệu theo tinh thần Nghị quyết 57/2024/NQ-TW; (v) Tăng cường cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính và phát triển bền vững.

Trong khi đó, nhóm kiến nghị phát triển thị trường TPDN gồm giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, cần giải quyết: (i) Tình trạng TPDN chậm trả và đáo hạn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư; (ii) Cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian phát hành ra công chúng; (iii) Bổ sung chính sách khuyến khích và công bố thông tin tín nhiệm.

Trong dài hạn, đề xuất tập trung vào các vấn đề sau: (i) Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường Trái phiếu Chính phủ nhằm tạo chuẩn (benchmark) về lãi suất; (ii) Hoàn thiện hạ tầng cho thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo, (iii) Hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường; (iv) Đa dạng hóa và cải thiện chất lượng nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp; (v) Gắn chặt việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Hội thảo đã gợi mở những thảo luận chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đem đến cái nhìn rõ nét về toàn cảnh thị trường kinh tế, từ đó hỗ trợ các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong định hình chính sách điều hành phù hợp. Hội thảo cũng thể hiện được vai trò tiên phong của BIDV trong nỗ lực thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.

Đọc thêm