Thêm một nền tảng để doanh nghiệp Việt “tấn công” thị trường toàn cầu

(PLVN) - Rất nhiều chương trình phối hợp đưa hàng hóa Việt lên các sàn thương mại điện tử  lớn của toàn cầu đã được tổ chức. Sau Amazon, giờ đây, doanh nghiệp Việt lại tiếp tục “tấn công” ra thị trường toàn thế giới qua sàn Alibaba.com.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) - cho biết, để hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực về thương mại điện tử (TMĐT), đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com thành công, từ cuối năm 2020, Cục XTTM và Công ty Alibaba.com đã phối hợp, triển khai chương trình gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho DN nhằm kết nối DN với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình.

Hoạt động đã thu hút được hơn 1.000 DN đăng ký tham gia đào tạo, hơn 300 DN tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực TMĐT và hơn 50 DN tiềm năng đã và sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói. 

Được biết, Cục XTTM và Alibaba đã chọn 5 tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp quan trọng và nhiều công ty xuất khẩu tiềm năng (gồm Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh) để tổ chức các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các lớp đào tạo tiếp theo sẽ diễn ra tại Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương, Sơn La, Quy Nhơn và Buôn Mê Thuột. 

Đại diện Alibaba.com cho biết, qua nghiên cứu, Alibaba.com nhận thấy rằng, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất ngày càng cải thiện về chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành hàng của Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, bao gồm thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn và xây dựng.

Theo đại diện Cục XTTM, việc kết nối các tổ chức, DN tham gia các hoạt động mang tính chiến lược nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng về TMĐT, tham gia nền tảng Alibaba.com thông qua các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số và đào tạo trực tuyến về TMĐT là một hình thức đẩy mạnh hoạt động XTTM cho hàng hóa Việt Nam.

Tham gia vào các chương trình này, DNNVV Việt Nam không chỉ có thêm kênh bán hàng mà còn nâng cao kỹ năng vận hành, năng lực kỹ thuật số, đẩy nhanh chuyển đổi số thông qua các dịch vụ và tư vấn sau khi tham gia nền tảng.

Ông Stephen Kuo, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của Alibaba cho rằng, thế mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam, các FTA được ký kết gần đây và tình hình khó lường của đại dịch là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các DNNVV. Số hóa không chỉ phục vụ tốt cho các DN bán hàng mà còn cho phép họ tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn. Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cao, tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trên tất cả các ngành và lĩnh vực kinh doanh.

Đọc thêm