Theo AFP, trong kết luận được công bố ngày 27/3, bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang Mỹ ở San Francisco khẳng định Monsanto đã cẩu thả khi không cung cấp thông tin cảnh báo nguy cơ từ sản phẩm của mình tới các khách hàng.
Theo bồi thẩm đoàn trong vụ việc, việc 1/4 thế kỷ tiếp xúc với Roundup - với thành phần chính là chất hóa học glyphosate gây tranh cãi - là một “yếu tố quan trọng” trong việc gây ra bệnh ung thư hạch không Hodgkin ở ông Edwin Hardeman, 70 tuổi, sống tại bang California.
Theo bồi thẩm đoàn, phần nội dung thông tin trên bao bì sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup là không đầy đủ, thiếu thông tin cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn đối với người sử dụng. Với nhận định như vậy, bồi thẩm đoàn đã yêu cầu Monsanto phải cho ông Edwin Hardeman khoản bồi thường thiệt hại nghiêm trọng lên tới 75 triệu USD.
Ngoài ra, hãng này cũng phải bồi thường thêm hơn 5 triệu USD và thanh toán 200.000 USD chi phí khám chữa bệnh cho ông Hardeman. Ông Hardeman đã sử dụng các sản phẩm thuốc diệt cỏ của Monsanto trong giai đoạn 1980-2012. Một thời gian sau đó, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Monsanto hiện thuộc sở hữu Tập đoàn dược phẩm Bayer của Đức.
Luật sư của ông Hardeman cho biết thân chủ của họ hài lòng với phán quyết của tòa. “Rõ ràng những hành động của Monsanto cho thấy hãng không quan tâm liệu sản phẩm Roundup có gây ung thư hay không mà chỉ tập trung vào đánh lừa dư luận, tác động đến những cá nhân nêu quan ngại chính đáng về vấn đề này”, các luật sư Aimee Wagstaff và Jennifer Moore tuyên bố. Tập đoàn dược phẩm Bayer – công ty chủ quản của Monsanto - đã bày tỏ thất vọng với phán quyết của tòa đồng thời khẳng định sẽ kháng cáo.
Phán quyết nói trên là bản án nghiêm khắc thứ 2 đối với Monsanto trong thời gian gần đây. Trước đó, hồi tháng 8/2018, một bồi thẩm đoàn tại San Francisco cũng đã yêu cầu Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho người làm vườn Dewayne Johnson bị ung thư hạch không Hodgkin giai đoạn cuối sau khi ông này đệ đơn kiện Monsato.
Theo Johnson, ông đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto để chăm sóc vườn trong ngôi trường mà ông làm việc gần 30 năm. Sau đó, ông phát hiện mình bị ung thư. Bồi thẩm đoàn trong vụ việc cũng cho rằng Monsanto đã không cảnh báo đầy đủ tới khách hàng về rủi ro tiềm ẩn từ sản phẩm của hãng.
Bayer sau đó đã kháng cáo và mức bồi thường đã được giảm xuống còn 78,5 triệu USD. Ngoài ra, Monsanto hiện đang đối mặt với khoảng 11.200 vụ kiện tương tự tại Mỹ. Vì vậy, bản án mới nhất được cho là sẽ có ảnh hưởng tới hàng loạt những vụ kiện tương tự mà Monsanto đang đối mặt.
Roundup là sản phẩm hàng đầu của Monsanto. Hãng này khẳng định các nghiên cứu đã chứng minh rằng sản phẩm của họ không gây nguy hiểm nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 khẳng định thuốc diệt cỏ này có thể gây ung thư.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao chiều 28/3, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Toà án Mỹ mới đây ra phán quyết cho rằng thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty Monsanto có thể là yếu tố gây ung thư cho một công dân Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng đây là một chứng cứ nữa cho thấy thuốc diệt cỏ có tác hại trực tiếp lên cơ thể của con người.
“Là một quốc gia đã từng chịu hậu quả rất nặng nề của chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin, Việt Nam yêu cầu các công ty cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong chiến tranh phải có trách nhiệm giúp đỡ khắc phục hậu quả chất độc da cam dioxin gây ra cho con người và môi trường Việt Nam”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam hoan nghênh Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Đây cũng là việc làm nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân 2 nước. “Chúng tôi mong muốn những nỗ lực này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, với sự tham gia của các công ty, trong đó có Monsanto”, bà Hằng nói thêm.