Cụ thể, bệnh nhân là anh Hoàng M. C. (48 tuổi, trú tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) được chuyển từ Trung tậm y tế huyện Hải Hà đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng ý thức lơ mơ, yếu tứ chi, phổi hai bên thông khí kém.
Trước đó, bệnh nhân bị ngất khi cố gắng giật cầu giao điện, ngăn đám cháy và được gia đình đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã nhanh chóng thăm khám, khai thác bệnh sử và tiến hành các phương pháp điều trị hồi sức tích cực.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí CO, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định điều trị oxy cao áp để phân giải, đào thải nhanh chóng khí CO ra khỏi cơ thể. Sau liệu trình điều trị oxy cao áp đầu tiên, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, cơ lực chân tay cải thiện, chưa ghi nhận di chứng sau ngộ độc khí CO.
Đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị bằng oxy cao áp đối các trường hợp ngộ độc khí CO, bác sĩ CKI Phan Minh Hải – Khoa Thần kinh – phục hồi chức năng cho biết: “Trong môi trường bình thường, khí CO có ái lực với Hemoglobin của hồng cầu trong máu – chất vận chuyển oxy từ phổi đi nuôi dưỡng cơ thể gấp 200 lần so với oxy. Tuy nhiên khi bệnh nhân được điều trị trong môi trường áp suất cao, Oxy áp lực cao sẽ đánh bật khí CO khỏi Hemoglobin, trả lại chức năng vận chuyển oxy cho nó, làm tăng nhả oxy cho các mô của cơ thể bị thiếu oxy”.
CO là khí không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất khả năng vận chuyển Oxy của máu, nạn nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực.
“Với ngộ độc khí CO nặng, tế bào não bị tổn thương nặng do thiếu Oxy dẫn đến phù não. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí mất não và tử vong. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO được cứu sống để lại các di chứng như: suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…”, bác sĩ CKI. Nguyễn Ngọc Tuyền – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.
Khí CO thường sinh ra từ những nơi có nguồn khói, khí độc như khu đốt rừng, nương rẫy, gara khép kín có máy móc vận hành; địa điểm có cháy nổ, phòng kín, ít thoáng khí có đốt bếp than tổ ong, lò sưởi… Do đó để phòng tránh ngộ độc khí CO, người dân cần tránh xa các khu vực này, thường xuyên kiểm tra và bảo trì các thiết bị chạy bằng gas, dầu trong nhà như bình nóng lạnh, bếp gas, lò sưởi…Tuyệt đối không sử dụng bếp than tổ ong, bếp củi để sưởi ấm mùa lạnh trong phòng kín vì chúng có thể sinh ra hàm lượng khí CO rất lớn làm tăng nguy cơ ngộ độc nhất là với người già và trẻ nhỏ.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như: buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ…, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà; đồng thời đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.