Thêm nhiều dự án khí đốt mới ở châu Âu khi nguồn cung từ Nga đang giảm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các cơ quan quản lý ở Vương quốc Anh đã đưa ra sự chấp thuận cuối cùng để phát triển một mỏ khí đốt mới ở Biển Bắc khi nguồn cung cấp từ Nga đang cạn kiệt.
Sẽ có thêm các giàn khoan khí đốt khi nguồn cung từ Nga đang giảm. Ảnh: AFP
Sẽ có thêm các giàn khoan khí đốt khi nguồn cung từ Nga đang giảm. Ảnh: AFP

Bộ trưởng kinh doanh và năng lượng của Anh, Kwasi Kwarteng cho biết hôm 1/6 rằng,các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh đã phê duyệt mỏ khí Jackdaw do Shell phát triển.

“Chúng ta đang tăng cường năng lượng tái tạo và hạt nhân, nhưng chúng ta cũng cần đáp ứng nhu cầu năng lượng bây giờ,” ông Kwarteng viết trên Twitter. “Hãy cung cấp thêm nguồn khí đốt mà chúng ta cần từ các vùng biển của Anh để bảo vệ an ninh năng lượng”, Bộ trưởng kêu gọi.

Tương tự, Chính phủ Hà Lan cũng thông báo đã cấp giấy phép cho một dự án thăm dò khí đốt chung với Đức.

Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Gazprom của Nga tuyên bố sẽ tạm ngừng cung cấp cho GasTerra do nhà cung cấp Hà Lan từ chối thanh toán tiền giao hàng bằng đồng rúp.

Dự án chung mới sẽ khoan khí đốt cách bờ biển hai nước khoảng 19 km, gần đảo Schiermonnikoog của Hà Lan và đảo Borkum của Đức.

Năm ngoái, chính quyền bang Lower Saxony của Đức đã quyết định không cấp giấy phép cho dự án này. Nếu bây giờ được các nhà chức trách Đức chấp thuận, loại khí đốt đầu tiên có thể được sản xuất vào cuối năm 2024.

Các nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích các Chính phủ châu Âu quyết định đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch hơn là năng lượng tái tạo. Tổ chức Hòa bình xanh đã phản ứng bằng cách cáo buộc chính phủ Anh có hành động "tuyệt vọng và phá hoại" mà thay vào đó sẽ "làm tăng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 1/6 cho biết cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ làm chuyển hướng sự chú ý khỏi nhu cầu chống lại sự nóng lên toàn cầu. Ông đã nhiều lần kêu gọi các nước ngừng khoan cho các dự án khí đốt, dầu và than mới, đồng thời cảnh báo rằng chúng có hại cho môi trường và không khả thi về mặt kinh tế.

Đọc thêm