Không chỉ những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ CMT kiểu mới như trường hợp của bạn đọc Nguyễn Lan Ph., nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn, quản lý các cấp chính quyền cũng đã có ý kiến lo ngại về những vấn đề tế nhị xung quanh chuyện CMT kiểu mới có thông tin về cha mẹ.
[links()]Không chỉ những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ CMT kiểu mới như trường hợp của bạn đọc Nguyễn Lan Ph., nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn, quản lý các cấp chính quyền cũng đã có ý kiến lo ngại về những vấn đề tế nhị xung quanh chuyện CMT kiểu mới có thông tin về cha mẹ.
• PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Chủ nhiệm Bộ môn Mô - Phôi học (Đại học Y Hà Nội):
Thụ tinh nhân tạo sẽ khuyết danh cha
Ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mỗi năm có khoảng hơn 700 ca thụ tinh nhân tạo và khoảng 180 ca thụ tinh trong ống nghiệm. Phần lớn những đứa trẻ sinh ra đều từ tế bào sinh sản của chính cặp vợ chồng thực hiện theo phương pháp này; số ca còn lại (khoảng từ 5 - 10%) được thực hiện thông qua việc xin tinh trùng. Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ này (nếu thụ tinh thành công) sẽ bị khuyết danh cha.
Đây thực sự là một vấn đề hết sức tế nhị mà người ta muốn giấu đi để đứa trẻ lớn lên không mặc cảm, gia đình đảm bảo hạnh phúc, trong khi đó, quy định mới thì lại bắt buộc trên tấm CMND phải điền đủ cả tên cha, tên mẹ của người được cấp. Điều này, theo tôi là không nên.
|
Có rất nhiều trẻ khuyết tên cha chịu thiệt thòi với kiểu CMT mới. Ảnh minh họa |
• Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa (Cầu Giấy- Hà Nội):
Không nên “phô” thân phận
Việc bắt buộc phải ghi họ tên cha, mẹ vào mặt sau CMND đã khiến nhiều người không đồng tình. Chẳng hạn người làm CMND lúc mới sinh đã bị bỏ rơi, không biết tên cha mẹ đẻ mà chỉ có cha mẹ nuôi thì sao?. Ngay việc một đứa trẻ đi học mà không có cha đã thấy tủi thân và khổ tâm lắm rồi, nay lại “phô” điều này lên CMND thì họ sẽ thấy tự ti và mặc cảm.
Mặt khác, nếu cha, mẹ của họ có nhiều tên thì sẽ lấy tên nào. Ví dụ như tên cha, mẹ trong giấy khai sinh khác với tên vẫn gọi hàng ngày thì phải ghi theo tên nào?. Những vướng mắc này đã được các cơ quan chức năng giải thích và hướng dẫn chưa?. Để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống được thông suốt, lẽ ra trước khi ban hành văn bản pháp luật chính thức, Bộ Công an nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân thì sẽ có sự đồng thuận cao hơn.
• Ông Dương Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp (Hà Nội):
Nếu trước “quản” được, thì nay không nên đổi
Tôi nghĩ, quy định mới này nhằm để cơ quan chức năng khi xác minh nhân thân một ai đó nhanh hơn vì thực tế trùng họ tên, trùng ngày tháng năm sinh đã xảy ra. Nhưng, quy định mới cũng có mặt trái của nó là gây phiền hà cho dân đối với những đối tượng là không có cha, bắt buộc phải để trống phần tên cha trên CMND. Nếu trước đây không có phần tên cha mẹ, ngành công an vẫn “quản” được thì không cần thiết phải đưa vào ở mẫu mới thông tin này.
• Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hà Nội:
Chỉ thêm phiền
Việc đưa thêm tên cha, mẹ vào CMND chỉ là đặt thêm quy định để gây phiền hà cho người dân. CMND là của cá nhân, vậy thì ngành Công an cứ quản những thông tin của riêng cá nhân đó là được rồi, chứ việc gì phải đưa thêm tên cha, mẹ của họ vào làm gì. Những người già, cha, mẹ đã chết rồi thì đưa thông tin cha, mẹ họ giải quyết được gì?. Quy định thế không phù hợp với quyền công dân. Vì thế, tôi đề nghị không áp dụng quy định này.
Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: “CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”. Như vậy, mục đích quan trọng nhất của tấm CMND là để tiện lợi cho dân. Nhưng thời gian gầy đây, qua tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của nhiều người dân thì thấy rằng, đại đa số những người được hỏi bên cạnh việc cho rằng, quy định đưa tên cha, mẹ vào CMND là phiền hà còn băn khoăn không hiểu vì sao lại có sự thay đổi này? Một số ý kiến cho rằng, trước đến nay, với CMND hiện hành, nhân dân trên cả nước vẫn làm việc, giao dịch, đi lại… bình thường, thuận tiện chẳng có lý do gì phải thay đổi. Giả sử, nếu vì mục đích phục vụ sự tiện ích trong quản lý của ngành Công an thì rõ ràng đã đi ngược lại qui định hiện hành như đã trích dẫn, đồng thời vi phạm cả quyền công dân. Báo PLVN đề nghị Bộ Công an cần có sự giải thích, trả lời thỏa đáng trước công luận để nhân dân hiểu, đồng thuận trước khi thực hiện chủ trương này. Mọi ý kiến phản hồi của bạn đọc về chủ đề này xin gửi tới địa chỉ: bandoc@phapluatvn.vn. |
Nhóm phóng viên