Theresa May – “Bà đầm thép” phiên bản mới

(PLO) -Nữ thủ lĩnh đảng Bảo thủ cầm quyền Theresa May đã chính thức được Nữ hoàng Anh bổ nhiệm vị trí Thủ tướng Anh thay ông David Cameron. Kết quả người được Đảng Bảo thủ cầm quyền chọn để thay thế ông David Cameron đã được công bố sớm 2 tháng so với thời điểm 9/9 như dự kiến mà không cần đến vòng bỏ phiếu cuối cùng của các đảng viên toàn quốc. Điều gì đặc biệt ở người phụ  nữ này? 
 
 
Theresa May tuyên thệ nhậm chức.
Theresa May tuyên thệ nhậm chức.

“Bất chiến tự nhiên thành”

Ngày 11/7, bà Leadsom, đối thủ nặng ký cho ghế Thủ tướng Anh- nữ Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu 53 tuổi Andrea Leadsom cũng là một “ngôi sao” trong Đảng Bảo thủ, bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc sau khi bị mất điểm do phát ngôn thiếu tế nhị khi có ý giễu cợt chuyện người cạnh tranh với mình không có con. 

Số là, khi trả lời phỏng vấn tờ “Times”, bà đã “lỡ lời” khi nói rằng: “Là một người mẹ, tôi thích hợp để làm Thủ tướng hơn một người không có con nên không hiểu hết chuyện tương lai nước Anh”. Câu nói đó đã khiến dư luận dậy sóng, Leadsom phải đưa ra lời xin lỗi và tuyên bố tự rút lui khỏi cuộc đua.

 Chính vì vậy, kết quả người được Đảng Bảo thủ cầm quyền chọn để thay thế ông David Cameron đã được công bố sớm 2 tháng so với thời điểm 9/9 như dự kiến mà không cần đến vòng bỏ phiếu cuối cùng của các đảng viên toàn quốc. 

Theresa May luôn ăn mặc hợp mốt
Theresa May luôn ăn mặc hợp mốt

Báo chí gọi sự kiện bà Theresa May trở thành chủ nhân của nhà Số 10 phố Dawning là “bất chiến tự nhiên thành” (không đánh mà thắng) và trở thành vị nữ thủ tướng thứ 2 của Anh trong lịch sử, sau bà Magaret Thatcher – người làm Thủ tướng từ 1979 đến 1990.

Có người nhận xét việc Theresa May trở thành Thủ tướng Anh là “thời thế tạo anh hùng, việc trưng cầu dân ý về đi hay ở EU đã thay đổi vận mệnh chính trị của bà, nếu không giấc mộng Thủ tướng của Theresa May phải đợi ít nhất 4 năm nữa ông Cameron với kết thúc nhiệm kỳ”.

Nữ Thủ tướng xuất thân trung lưu

Theresa Mary May sinh ngày 1/10/1956, ở vùng Eastbourne, Nam nước Anh là con gái duy nhất của một mục sư Anh giáo; có ông nội là hạ sỹ quan quân đội Hoàng gia và cả hai bà nội và ngoại chỉ là người nội trợ bình thường, bà May chỉ thuộc giới trung lưu.

Bà theo học cả trường công Wheatley Park lẫn trường tư trước khi tới Oxford, và tốt nghiệp khoa Địa lý trường St Hugh's College Oxford năm 1977. Sau đó bà làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đầu quân cho Ngân hàng Anh. 

Năm 1986, bà bắt đầu hoạt động chính trị và năm 1997 được bầu làm nghị sỹ Hạ viện của đảng Bảo thủ tại Maidenhead.  Năm 2010 bà được ông Cameron bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ Khi đứng đầu Bộ Nội vụ, bà được tín nhiệm và được đánh giá rất cao, kể cả từ những nhà phê bình khó tính nhất.

Trong 6 năm điều hành, nữ Bộ trưởng đã tạo dựng được danh tiếng là một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề như nhập cư lậu, tội phạm và tuyên truyền Hồi giáo. Năm 1980, bà kết hôn với Philip May, một giám đốc ngân hàng.

Vợ chồng bà đều có sở thích nhảy cricket và họ gặp nhau tại một bữa tiệc khiêu vũ của đảng Bảo thủ hồi năm 1976. Ông là bạn học cùng trường Havard, hai người rất hạnh phúc tuy không có con.

Vợ chồng bà Theresa May
 Vợ chồng bà Theresa May

“Bà đầm thép” thứ hai của nước Anh

Mặc dù sát cánh cùng Thủ tướng David Cameron vận động cho phe Ở lại EU, nhưng sự hoài nghi châu Âu cùng với bản tính điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường của Theresa May đã giúp bà gây được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối Brexit. Bà đã lên tiếng khẳng định tại một cuộc họp báo: “Brexit nghĩa là Brexit. Chiến dịch vận động đã diễn ra. Cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao. Dân chúng đã đưa ra quyết định. Không được phép có thêm nỗ lực nào để ở lại EU, để gia nhập EU bằng cửa sau hay một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nữa”. Theo giới quan sát, Theresa May là người duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái xung khắc trong nội bộ Đảng Bảo thủ.

Theresa May cũng nổi tiếng là người cứng rắn, khắt khe trong chính sách nhập cư, giảm trợ cấp thất nghiệp, tăng lính tới Iraq và Afghanistan, tăng phí trung học, giảm thành viên Hạ viện...và có chính sách “rất không hữu hảo với du học sinh nước ngoài. Báo chí Trung Quốc coi Theresa May là “hung thần của lưu học sinh” bởi trước khi bà là Bộ trưởng Nội vụ, chính phủ của Công Đảng đã có nhiều chính sách “thân dân” như cho phép lưu học sinh nước ngoài sau khi tốt nghiệp được ở lại 2 năm; khi đó nhiều du học sinh đã muốn ở lại Anh.

Thế nhưng, sau khi bà Theresa May lên làm Bộ trưởng đã ban hành nhiều chính sách khắt khe như hủy bỏ khả năng cho phép định cư đối với các lưu học sinh và những người lao động hợp đồng. Bà còn tuyên bố: từ năm 2016, những ai có mức lương 35 ngàn Bảng/năm mới được phép xin định cư – mức lương cao hơn 8 ngàn Bảng so với bình quân của người Anh.

Bà cũng cắt giảm 25% định mức lưu học sinh, có nghĩa là mỗi năm ít nhất 80 ngàn học sinh nước ngoài không được tới Anh học tập; sau đó còn cấm tổ chức thi TOEIC Tests trong nước Anh và nâng cao định mức người nước ngoài đầu tư vào Anh để di cư.

Ngược với các quan điểm chính trị, cách nhìn nhận xã hội của Theresa May lại khá “thoáng”. Bà ủng hộ hôn nhân đồng giới; năm 2012, bà lên tiếng kêu gọi nới lỏng lệnh cấm phá thai, hay cùng với nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ khác, bà đã bỏ phiếu chống lại lệnh cấm săn cáo.

Giống như “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990, bà Theresa May là một người cực kỳ ham mê công việc. “Tôi không phải là một chính trị gia màu mè. Tôi không đi hết đài truyền hình này tới đài truyền hình khác. Trong giờ ăn trưa, tôi không bàn tán về người khác. Tôi không đi uống ở các quán bar xung quanh Nghị viện. Tôi là Theresa May. Tôi nghĩ mình là người xuất sắc nhất để lãnh đạo đất nước này” - tờ Telegraph trích đăng lời của bà May.

Theresa May và Margaret Thatcher

Theresa May và Margaret Thatcher

Giống như Dennis Thatcher, ông Philip May cũng luôn ủng hộ vợ trong chiến dịch trưng cầu dân ý cũng như trong sự nghiệp chính trị. Vợ chồng tân Thủ tướng Anh gặp nhau trong một buổi khiêu vũ của Hiệp hội những người bảo thủ tại Đại học Oxford.

Khi đó, cả hai đang là sinh viên và bà May còn mang tên Brasier. Cặp đôi được bà Benazir Bhutto, người sau này là Thủ tướng Pakistan, làm cầu nối, giới thiệu với nhau.“Ông ấy rất đẹp trai và tôi bị thu hút ngay lập tức. Chúng tôi đã khiêu vũ với nhau, nhưng tôi không thể nhớ đó là bản nhạc gì” -  Theresa May kể lại với tờ “Sunday Telegraph”.

Khi mới bước vào chính trường, bà đã nổi tiếng về gout thời trang tinh tế, đặc biệt là cách lựa chọn giày dép. Tạp chí thời trang Vogue là ấn phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Tạp chí này từng nhận xét về Theresa May:

“Vừa chính trị lại vừa quyến rũ”. Báo chí Anh lâu nay bàn tán rất nhiều về bộ sưu tập các đôi giày cao gót của bà. Tại đại hội Đảng Bảo thủ năm 2002, Theresa May đã đi đôi giày cao gót với họa tiết da báo làm tốn không ít giấy mực của báo giới.

Còn tại lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 13/7 vừa qua, Theresa May đã khiến những người tham dự bất ngờ và “phân tâm” bởi trang phục khoe “bờ khe” khá gợi cảm và một mẫu giày mới trong bộ sưu tập giày cao gót mang họa tiết da báo đã khiến bà trở nên nổi tiếng.../.

Đọc thêm