Thi hành án dân sự Hậu Giang tăng cường đối thoại với các ngân hàng để thu hồi nợ xấu

(PLVN) -Năm 2019, bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc chủ động, tăng cường đối thoại với các ngân hàng mà Thi hành án dân sự (THADS) Hậu Giang đã vượt nhiều chỉ tiêu được giao, đặc biệt là chỉ tiêu về việc và tiền. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Cục trưởng THADS Hậu Giang Nguyễn Đức Biên.

-Thưa ông, năm 2019 Hậu Giang đã thực hiện những giải pháp đột phá nào để hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra?

Năm 2019 là một năm có khá nhiều khó khăn với công tác THADS tỉnh Hậu Giang, do những tồn tại khách quan nói chung của công việc THADS và thực tế của địa phương, số việc thụ lý, giải quyết tăng 21,72%, số tiền tăng 12,57% so với năm 2018 cùng với đó là biên chế rất khiêm tốn. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục THADS, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đoàn kết, nỗ lực của tất cả công chức, người lao động các cơ quan THADS tỉnh Hậu Giang nên kết thúc năm công tác đã đạt một số kết quả: Về việc đạt tỷ lệ 74,38% (so với chỉ tiêu được Tổng cục giao, vượt 1,38%), về tiền, đạt tỷ lệ 51,25% (so với chỉ tiêu Tổng cục giao, vượt 18,25%); các chỉ tiêu về thi hành án đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước, thi hành phần dân sự trong bản án hình sự, xét miễn giảm… đều tăng so với năm 2018. 

Cục trưởng Nguyễn Đức Biên
 Cục trưởng Nguyễn Đức Biên

Để đạt những kết quả này, thời gian qua Hậu Giang đã có một số giải pháp chủ yếu, quan trọng: Trước hết là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề đối với đội ngũ công chức, người lao động các cơ quan THADS tỉnh nhà; hai là, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, phát huy vai trò của Hội đồng Chấp hành viên, tự kiểm tra và kiểm tra, rà soát án của Chấp hành viên, công tác quản trị nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin…; ba là, tăng cường làm việc với cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Trưởng ban chỉ đạo THADS cấp huyện để chỉ đạo công tác THADS và giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp.

- Án tín dụng ngân hàng là loại án rất khó thi hành, vấn đề này ở Hậu Giang ra sao thưa Cục trưởng?

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, đời sống người dân dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn, cùng với đó là trong những năm qua việc sản xuất và kinh doanh nông sản chậm khởi sắc đã ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng ngân hàng. Người phải thi hành án khi vay ngân hàng đã dùng tài sản của mình hoặc của người bảo lãnh để có vốn sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên mất khả năng thanh toán. Tài sản bảo đảm, nhất là quyền sử dụng đất nông nghiệp rất khó xử lý (rất ít có người mua tài sản này mặc dù đã giảm giá nhiều lần), là tài sản duy nhất của gia đình, thân tộc, người có tài sản bị thi hành án chống đối hoạt động kê biên, xử lý tài sản, bao chiếm lại tài sản đã thi hành án, tổ chức các vụ việc tranh chấp giả tạo để kéo dài việc phải thi hành án tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng ngân hàng khó khăn trong việc nhận tài sản là đất trồng lúa để trừ nợ, việc hỗ trợ giảm lãi suất nợ quá hạn cho người phải thi hành án khi xử lý tài sản chưa được áp dụng thống nhất…, đây cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ. 

Một buổi đối thoại với Ngân hàng trên địa bàn do Cục THADS tổ chức
 Một buổi đối thoại với Ngân hàng trên địa bàn do Cục THADS tổ chức

- Được biết gần đây, Hậu Giang đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các Ngân hàng trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS. Giải pháp này có những ưu điểm gì? 

Xác định việc thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng, quyết định rất lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu về tiền, góp phần đưa dòng tiền vào lưu thông cho nền kinh tế, góp phần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, năm 2019, số việc phải giải quyết loại này chỉ chiếm 3,50% về việc nhưng đã chiếm đến 47,13% về tiền so với tổng số tiền phải giải quyết. Bên cạnh sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tổng cục THADS thì địa phương cũng rất quan tâm, Ban Chỉ đạo đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chuẩn bị chủ trì Tọa đàm về giải quyết án tín dụng ngân hàng trên địa bàn...

Từ yêu cầu nhiệm vụ và thực tế, việc tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, cả về khách quan, chủ quan và quy định của pháp luật nên Cục THADS tỉnh Hậu Giang đã chủ động tổ chức đối thoại với các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh có số lượng việc và tiền phải thi hành nhiều nhất để đề ra các giải pháp cho các cơ quan THADS, các Chấp hành viên và các ngân hàng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, đồng thời có những đề xuất để địa phương có thể xem xét, giải quyết phù hợp với tình hình chung. 

Cục trưởng Nguyễn Đức Biên cho biết, đối thoại là giải pháp tương tác hai chiều, cùng tháo gỡ khó khăn
Cục trưởng Nguyễn Đức Biên cho biết, đối thoại là giải pháp tương tác hai chiều, cùng tháo gỡ khó khăn 

Giải pháp đối thoại này là tương tác hai chiều, cùng tháo gỡ khó khăn, kịp thời điều chỉnh, có ý kiến đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong giải quyết án để thu hồi các khoản nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ hơn công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, là tiền đề để tập trung giải quyết án trong thời gian tới và sẽ được duy trì thường niên vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Kết quả kết thúc năm công tác 2019, về việc đã giải quyết tăng 10,94% về việc so với cùng kỳ năm 2018, đạt tỷ lệ 17,53% về việc và 29,77% về tiền trong số có điều kiện giải quyết. 

- Năm 2020, Hậu Giang tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp nào để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao?

Năm 2020 tiếp tục là năm công tác cùng với thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành Tư pháp và đặc thù của công tác THADS với nhiều thuận lợi và thách thức, chỉ tiêu giao sẽ cao hơn, tính chất công việc thi hành án phức tạp hơn, kỷ cương, kỷ luật hành chính tiếp tục được tăng cường, biên chế không tăng… nên Cục THADS tỉnh Hậu Giang tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo phòng, Chi cục trưởng triển khai đến toàn thể công chức, người lao động thực hiện chủ đề công tác năm 2020 của các cơ quan THADS tỉnh Hậu Giang “Đoàn kết, kỷ cương, liêm chính, tích cực, chất lượng, hiệu quả”. 

Hai là, tăng cường công tác quản trị nội bộ, rà soát, đánh giá thuận lợi, khó khăn của toàn hệ thống THADS trong tỉnh, trong từng đơn vị, nguyên nhân của thành tích đạt được, những hạn chế tồn tại để xác định việc nào trước, việc nào sau, tập trung chỉ đạo nhiệm vụ nào, đơn vị nào, thay đổi lề lối làm việc, chủ động hơn, chắc chắn hơn, tăng cường kiểm tra, quản lý Chi cục, công chức, người lao động; cấp dưới phải báo cáo kịp thời với cấp trên để có chỉ đạo toàn diện. 

Ba là, tích cực triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngay từ đầu năm công tác, không xả hơi; chủ động tự rà soát án có điều kiện thi hành, án tín dụng ngân hàng, án nhiều năm để tích cực thi hành; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin, tự chấn chỉnh các hoạt động của Cục và Chi cục; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm, tự học, tự rèn cho công chức, người lao động để nâng cao bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp; nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong THADS, chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, xây dựng hình ảnh công chức Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang trong tình hình mới.

Bốn là, Trưởng các phòng chuyên môn, Chi cục trưởng chủ động, quyết liệt các công việc thuộc phạm vi phụ trách, nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục THADS, của Lãnh đạo Cục về các mặt công tác, thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ giải quyết án của Chấp hành viên, đảm bảo thủ tục xác minh, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, chỉ đạo Chấp hành viên tăng cường vận động, thuyết phục trong giải quyết hồ sơ thi hành án.

Chi cục trưởng phải tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phải đối thoại, kịp thời và báo cáo về Cục theo quy định. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo THADS địa phương và phát huy vai trò tham mưu của Chi cục, các phòng với Lãnh đạo Cục, của Cục, Chi cục với cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo THADS cùng cấp. Chú ý công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cải cách hành chính, chuyên nghiệp./.

-Xin cám ơn ông! 

Đọc thêm