Cơ quan THADS đã ấn định thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành án mà tìm cách trì hoãn, trốn tránh việc thi hành án. Trong trường hợp này, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án để giao lại tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
Đơn cử như câu chuyện giữa Ngân hàng TMCP A và Công ty TNHH B. Theo đó, Công ty B đã vay Ngân hàng A tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị V. Khi đến hạn, Công ty B đã không thanh toán tiền gốc và lãi phát sinh cho Ngân hàng; Ngân hàng đã khởi kiện ra TAND TP Hà Nội. Sau đó, hai bên đã thỏa thuận việc trả nợ với nhau và được Tòa án công nhận bằng Quyết định số 104/2008/QĐST-KDTM.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng A, Cục THADS TP Hà Nội đã ra quyết định thi hành án. Quá trình xác minh thi hành án Công ty B không có điều kiện thi hành án, người có tài sản thế chấp là hộ gia đình bà V đã được vận động, thuyết phục giải thích quyền và nghĩa vụ nhưng không tự nguyện thi hành án. Vì hộ gia đình bà V có 11 người sinh sống thực tế trên diện tích đất nên trước khi thực hiện việc kê biên chấp hành viên đã có văn bản đề nghị Ngân hàng A xem xét tạo điều kiện chỗ ở cho hộ gia đình bà V.
Sau khi tiến hành kê biên và qua nhiều lần bán đấu giá không có người đăng ký mua, tại phiên đấu giá thứ 7, Công ty Đấu giá Hoàng Gia đã bán đấu giá thành tài sản nêu trên. Chấp hành viên đã thông báo kết quả trúng đấu giá, vận động, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án nhưng vẫn không tự nguyện giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Để đảm bảo việc giao tài sản cho người mua theo đúng như hợp đồng đã ký, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trình Lãnh đạo Cục phê duyệt và gửi cho các cơ quan liên quan để phối hợp trong quá trình cưỡng chế.
Trước khi tổ chức cưỡng chế, chấp hành viên đã có tài liệu tuyên truyền gửi UBND xã phát trên loa truyền thanh của xã 2 lần/ngày. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế, chấp hành viên chú trọng vận động, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, giải thích để không có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Nhờ vậy, ngày 17/5 vừa qua đã tổ chức cưỡng chế thành công, đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật, thi hành dứt điểm quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Thi hành án là một quá trình gồm nhiều thủ tục pháp lý liên quan chặt chẽ với nhau. Chấp hành viên, công chức THADS phải mềm mỏng và khôn khéo để thuyết phục, vận động người dân chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, cũng phải cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án và đã được động viên, thuyết phục mà vẫn không tự nguyện thi hành án. Có như vậy mới tổ chức thi hành dứt điểm bản án đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm quyền lợi của bên được thi hành án.