Các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình... tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 67/2015/NĐ-CP nhưng hiện phát sinh một số vấn đề bất cập trên thực tế. Trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều Luật, quy định mới ban hành thì việc sửa đổi xử phạt VPHC cho phù hợp càng trở nên cần thiết và điều này cũng đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu.
Khó phạt hành chính với kẻ ngoại tình
Thực tiễn thi hành Nghị định 110 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67) cho thấy, một số quy định không khả thi, việc mô tả một số hành vi không cụ thể dẫn đến không xử phạt được hoặc một số hành vi đã được quy định song chưa từng xử phạt được trường hợp nào. Một dẫn chứng rõ nhất là việc xử phạt hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng khi chuyện ngoại tình đã không còn xa lạ trong xã hội. Pháp luật vẫn có những quy định về chế tài hành chính, thậm chí cả chế tài hình sự, đối với các hành vi ngoại tình.
Cụ thể, Điều 182 BLHS năm 2015 có quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Còn Điều 48 Nghị định 110 cũng có quy định phạt tiền đối với một số hành vi ngoại tình. Nghị định 67 tuy có sửa đổi, bổ sung nhưng về cơ bản, rất ít trường hợp ngoại tình bị xử phạt hành chính chứ chưa nói đến việc bị xử lý hình sự, dẫn tới hậu quả là chế tài của pháp luật không đủ sức răn đe.
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tư pháp thấy rằng tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự ngày càng gia tăng cả về tính chất, mức độ phức tạp. Nhận định các nguyên nhân của thực trạng này, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Hồng Diện cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức chưa cao, một số bộ phận đơn vị, tổ chức, cá nhân vì chạy theo lợi ích của mình đã cố ý vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ quy định pháp luật về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự chưa rõ ràng, chế tài xử phạt VPHC đối với các lĩnh vực trên chưa nghiêm, mức xử phạt VPHC quá thấp, các chế tài về thu hồi giấy phép hoạt động, cấm hoạt động, tạm dừng, tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị được thanh tra còn ít, chưa áp dụng được nhiều. Không ít hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự không có chế tài xử phạt hoặc biện pháp xử phạt chưa tương xứng.
Xem xét 3 căn cứ để quyết có tăng mức phạt hay không
Cũng theo ông Diện, vừa qua có một số đạo luật, quy định mới liên quan đến công tác tư pháp đã được ban hành và tới đây sẽ có rất nhiều luật, quy định mới tiếp tục được ban hành. Đáng chú ý là Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 năm 2016. Trong năm 2017, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua các luật sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý và có thể cả Luật Lý lịch tư pháp.
Chính phủ cũng đang xem xét nhiều Nghị định có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Nghị định 110 như Nghị định thay thế các Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, số 135/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư…
Vì vậy, tại cuộc họp diễn ra hôm 23/5 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thanh tra Bộ đề xuất Lãnh đạo Bộ giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 110 và Nghị định 67 nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định mới và xử lý những bất cập trong thực tiễn. Trong đó, có 3 lĩnh vực cần có quy định thay thế là công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản; 1 lĩnh vực cần xây dựng mới là thừa phát lại.
Đối với 13 lĩnh vực còn lại, hầu hết chưa có hoặc ít thanh tra, kiểm tra nhưng có những lĩnh vực ảnh hưởng, tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, hôn nhân và gia đình…
Đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ đều tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị định thay thế và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bổ sung những lĩnh vực quản lý nhà nước khác mà Bộ Tư pháp được giao. Bà Nguyễn Thanh Hà (Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật) cho biết, đó là mảng thi hành án hành chính, hiện đã được giao cho Bộ Tư pháp nhưng chưa được điều chỉnh trong văn bản nào.
Trước một số ý kiến cho rằng nên tăng mức phạt, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan bày tỏ, việc nâng mức phạt cần xem xét, cân nhắc trên cơ sở đánh giá tần suất vi phạm, mức độ vi phạm và quy mô vi phạm.