Thi học sinh giỏi quốc gia: Tiêu cực ở địa phương chỉ là cá biệt?

Vừa qua, hơn 4000 thí sinh đã bước vào kì thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012. Tuy nhiên, trước thông tin một số địa phương chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay với sự căng thẳng và tốn kém, ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên PLVN xung quanh vấn đề này…

Vừa qua, hơn 4000 thí sinh đã bước vào kì thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012. Tuy nhiên, trước thông tin một số địa phương chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay với sự căng thẳng và tốn kém, ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên PLVN xung quanh vấn đề này…

Sau một thời gian bỏ chế độ tuyển thẳng vào ĐH với học sinh giỏi quốc gia bởi những tiêu cực như “chạy” học sinh giỏi. Tại sao năm nay Bộ lại khôi phục chế độ này, thưa ông?

- Năm nay, Bộ GD&ĐT quyết định khôi phục chế độ tuyển thẳng vào ĐH đối với học sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng không hoàn toàn giống như trước kia. Tức là, chỉ tuyển thẳng vào đúng ngành tương ứng, ví dụ HS giỏi toán thì phải vào thẳng ngành toán, giỏi văn thì phải vào văn... Làm như vậy để có thể tuyển được học sinh giỏi theo học các ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, nếu học sinh không muốn vào ngành tương ứng mà dự thi ĐH để vào được ngành học mình yêu thích hơn thì cũng sẽ vẫn được cộng điểm ưu tiên.

Tất nhiên, chính sách nào cũng khó có thể tránh khỏi tính hai mặt. Chúng tôi cũng lường trước được việc là khi khôi phục lại chế độ tuyển thẳng thì có thể nảy sinh tình trạng học lệch để tập trung vào môn thi, việc ôn luyện sẽ căng thẳng và quyết liệt hơn, tập trung đầu tư nhiều hơn.

Nhưng theo phản ánh, có những địa phương huy động đóng góp của thành viên trong đội tuyển đến hàng chục triệu đồng khiến cho có học sinh học giỏi nhưng vì nhà không có điều kiện đóng góp phải rút lui... Ý kiến của Bộ về điều này?

- Việc huy động sự đóng góp của phụ huynh của các tổ chức xã hội đầu tư cho đội tuyển học sinh giỏi của một địa phương là rất cần thiết. Mặc dù, các địa phương cũng có đầu tư từ nguồn ngân sách cho đội tuyển nhưng số kinh phí đó rất hạn chế. Tuy nhiên, đó là khoản đóng góp tự nguyện và đương nhiên địa phương nào thực hiện sai quy định về tự nguyện là không đúng với chủ trương xã hội hóa. Càng sai nghiêm trọng hơn nếu địa phương nào đó quy định học sinh giỏi mà không có tiền đóng góp thì bị loại khỏi đội tuyển. Nguyên tắc của kỳ thi này là chọn đúng người giỏi, chỉ có học sinh giỏi thực sự mới được vào đội tuyển.

Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu địa phương báo cáo và kiểm tra về hiện tượng này. Nếu đúng là như vậy thì chúng tôi sẽ nghiêm túc chấn chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng dù có thì đó cũng chỉ là những hiện tượng hết sức cá biệt. Nhiều năm qua đã chứng minh, có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế... có hoàn cảnh rất khó khăn. Tất nhiên, các em này không thể có hàng chục triệu đồng để đóng góp cho kỳ thi, ngược lại các địa phương phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ thêm cho các em.

Nhiều giáo viên tự nguyện bồi dưỡng đội tuyển mà không hề có thù lao...

Việc các địa phương đua nhau mời chuyên gia ở các địa phương khác hoặc các em phải lên TP.Hà Nội để ôn thi cấp tốc chính là nguyên nhân gây nên sự căng thẳng, tốn kém trong kỳ thi này. Trước đây, Bộ GD&ĐT có quy định không được mời chuyên gia ở địa phương khác tham gia ôn luyện cho đội tuyển của địa phương mình. Tại sao 2 năm gần đây Bộ lại bãi bỏ quy định này, thưa ông?

- Không phải vì sợ người ta tiêu cực mà mình cấm, làm như vậy là sai nguyên tắc quản lý. Trong vấn đề này thì không thể cấm một người giỏi được dạy cho nhiều người được. Một chuyên gia giỏi về bồi dưỡng cho đội tuyển ở địa phương thì không chỉ bồi dưỡng cho học sinh mà còn bồi dưỡng cho cả các thầy cô. Chính vì vậy nên Bộ quan điểm không nên duy trì quy định cấm như vậy.

Như một số địa phương phản ánh thì phải xếp lịch để có thể mời được chuyên gia của Bộ GD&ĐT, cụ thể là của Cục Khảo thí để về bồi dưỡng cho đội tuyển của địa phương mình vì đây là nơi chịu trách nhiệm về việc ra đề thi nên ôn thi sẽ sát hơn. Bộ GD&ĐT có biết việc này không?

- Bộ không thể cấm chuyên viên của mình đi bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ở các địa phương. Trên thực tế họ là những chuyên gia giỏi và họ làm việc đó với tư cách là chuyên gia. Miễn là họ hoàn thành công việc của mình ở Bộ, không vi phạm pháp luật cũng như vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu các địa phương cho rằng vì chuyên gia của cục khảo thí nên ôn luyện sẽ sát đề thi thì chỉ là cách đoán mò. Cục khảo thí chỉ là nơi tổ chức việc ra đề chứ không phải là những người trực tiếp ra đề. Những người ra đề là một lực lượng đông đảo các giáo viên phổ thông, giảng viên ĐH ở nhiều nơi nên sẽ hạn chế tối đa tiêu cực.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Khôi phục việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ

Trong quy chế thi học sinh giỏi quốc gia áp dụng cho năm 2007, Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định “tuyển thẳng học sinh đoạt giải vào các trường ĐH, CĐ”. Cũng năm 2007, Bộ GD-ĐT có quy định “các trường chuyên không được phép mời người ngoài trường ôn luyện, tập huấn cho giáo viên và học sinh để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào”.Năm 2010, theo kiến nghị của nhiều trường chuyên, Bộ GD-ĐT có quy định dỡ bỏ “lệnh cấm” người ngoài trường chuyên được tham gia ôn luyện, tập huấn cho giáo viên, học sinh chuyên dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ban hành ngày 25-11-2011 khôi phục quy định học sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo đúng nhóm ngành do bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cho từng môn thi.

Uyên Na (thực hiện)           

Đọc thêm