Thí sinh Hà Nội vui vẻ rời phòng thi vì đề Ngữ văn 'vừa sức'

Từng nhiều lần ôn tác phẩm "Sang thu", nhiều sĩ tử vui ra mặt, tự tin đạt 7-8 điểm môn Ngữ văn thi vào lớp 10.

10h05 ngày 2/6, sau khi hết giờ làm bài được 5 phút, thí sinh tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) ùa ra ngoài cổng trường với gương mặt rạng rỡ. Nhiều em tươi cười chạy tới ôm chầm lấy bố mẹ. Những câu nói như "Con làm được hết mẹ ơi", "Đề dễ ạ", "Con trúng tủ rồi" vang lên khắp khu vực thi.

Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Dương Tâm

Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh:Dương Tâm

Không bỏ bất kỳ câu nào trong hai phần của đề Ngữ văn, Nguyễn Hạnh, cựu học sinh trường THCS Cầu Giấy, nhận định đề thi môn đầu tiên vào lớp 10 công lập của Hà Nội rất vừa sức với cách ra đề cơ bản. "Em không bất ngờ khi đề ra bài Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh bởi đây là bài quen thuộc, dễ nhớ và được các thầy cô cho ôn luyện nhiều", Hạnh nói.

Với phần nghị luận xã hội, tuy không phải thế mạnh của mình nhưng Hạnh cho rằng vấn đề "Hoàn cảnh khó khăn là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình" được đặt ra trong đề bài giúp học sinh dễ liên hệ. "Em quay cuồng với môn Ngữ văn suốt một năm qua, học không bỏ tác phẩm nào vì môn này nhân hệ số 2 khi xét vào các trường THPT công lập. Vì vậy, em khá tự tin vào bài làm hôm nay", Hạnh chia sẻ.

Trần Ngọc Trúc, cựu học sinh trường THCS Xuân La, cho biết đã rất vui khi cầm tờ đề và nhìn thấy hai chữ Sang thu bởi em đã luyện bài này rất nhiều. Đây cũng là tác phẩm "dễ học, dễ phân tích".

Với phần hai, Trúc cho biết đoạn trích được đưa ra nằm trong sách giáo khoa nhưng hầu hết thí sinh không để ý nên có một chút bất ngờ. Tuy nhiên, cách ra đề cơ bản, vấn đề đặt ra được chứng minh nhiều trong thực tế nên em không gặp khó khăn gì dù chưa từng làm đề với nội dung tương tự. "Em đã dành khoảng ba ngày mỗi tuần để ôn luyện môn Ngữ văn nên mạnh dạn dự đoán được trên 7 điểm", Trúc nói.

Tự nhận không học giỏi Văn nhưng Nguyễn Thị Hải Đông (cựu học sinh trường THCS Giảng Võ) chỉ gặp một chút khó khăn với câu cuối của phần hai. Đây là câu nghị luận xã hội, trong đó học sinh phải nêu quan điểm của cá nhân về một vấn đề và liên hệ thực tế để bảo vệ quan điểm đó. "Em đã liên hệ với chính mình để hoàn thành câu này", Đông nói.

Với bài "Sang thu", nữ sinh cho rằng đã "trúng tủ" do tác phẩm của Hữu Thỉnh có nằm trong một đề thi thử ở trường.

Thí sinh tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn sau buổi thi sáng 2/6. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn sau buổi thi sáng 2/6. Ảnh:Giang Huy

Tại điểm thi THCS Dịch Vọng, nhiều thí sinh tươi cười rời phòng thi. Đỗ Mạnh Hùng, cựu học sinh trường THCS Cầu Giấy, khẳng định các dạng bài đều quen thuộc, được giáo viên ôn tập kỹ trên lớp. "Em nghĩ mình được khoảng 8 điểm, những bạn học tốt môn Văn thậm chí có thể đạt từ 8,5 trở lên", Hùng nói.

Trong bảy câu của hai phần, Hùng thích nhất câu bốn phần I, bàn về khổ ba của bài thơ Sang thu. Thời tiết Hà Nội mấy ngày nay se lạnh như những ngày đầu thu khiến em cảm thấy có một sự trùng hợp nho nhỏ ở đây.

Học thiên về khoa học xã hội, đề thi sáng nay không làm khó Minh Phương (cựu học sinh THCS Lê Quý Đôn). Em bất ngờ với câu nghị luận xã hội vì nghĩ rằng đề sẽ hướng đến những vấn đề thời sự xã hội.

"Câu nghị luận xã hội không mới nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh vì những bạn học giỏi sẽ có cơ hội thể hiện khả năng lập luận, dẫn chứng độc đáo", Phương nói và cho biết đã lấy dẫn chứng về Nick Vujicic - người đàn ông không có tứ chi nhưng đã vượt qua số phận khó khăn, khám phá ra khả năng diễn thuyết hấp dẫn, thu hút người nghe. Em tự tin sẽ được trên 8 điểm.

Thí sinh Quang Tùng, cựu học sinh trường THCS Dịch Vọng cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã qua được môn mà em lo lắng nhất. Khả năng cảm thụ văn không tốt nhưng đề vào tác phẩm quen thuộc nên nam sinh hoàn thành tốt bài thi với dự đoán được từ 7,5 điểm trở lên.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn (Hệ thống giáo dục HOCMAI) nhận định đề thi năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.

Điểm mới trong đề nằm ở phần hai. Thay vì một đoạn văn được trích trong tác phẩm văn học, đề bài lại đưa ra một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ lúc gặp hoàn cảnh khó khăn.

"Đây có thể là bất ngờ với thí sinh nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu được lấy trong sách giáo khoa Ngữ văn 9, các câu hỏi kiểm tra kiến thức tiếng Việt, kỹ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc nên các em sẽ không gặp khó", thầy Hùng nói và khẳng định đề Văn này có thể phân loại học sinh.

Đọc thêm