Thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ không còn thí sinh đạt điểm 30+?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến, năm 2023 Bộ GD&ĐT cơ bản giữ ổn định Quy chế tuyển sinh cũ nhưng sẽ chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.
 Bộ GD&ĐT dự kiến cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp. ( Ảnh minh họa)
Bộ GD&ĐT dự kiến cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp. ( Ảnh minh họa)

Phòng tránh tối đa gian lận công nghệ cao

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 20 phương án tuyển sinh vào đại học. Tuy nhiên, năm 2022 có tới 52,38% học sinh dùng điểm thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT có vị trí rất lớn và luôn nhận được sự quan tâm của học sinh, gia đình các em và toàn xã hội.

Dự kiến, Quy chế tuyển sinh sẽ có một số điểm mới đáng lưu ý như: bãi bỏ quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ.

Sở dĩ những năm qua có quy định thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi là một biện pháp giám sát và tố cáo gian lận trong phòng thi của thí sinh. Tuy nhiên, việc phát triển các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông quá nhanh chóng theo từng ngày và ứng dụng vào thực tế. Do đó, việc sửa đổi quy định này là tích cực, nhằm ngăn ngừa những tiêu cực dễ xảy ra mà giám thị và người coi thi chưa thể biết và từ đó không thể quản lý được thí sinh trong quá trình làm bài thi.

Một điểm mới nữa, thí sinh không rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian tự luận, phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Các em vẫn phải nộp lại bài kèm đề thi và giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng và di chuyển đến phòng chờ.

Theo quy định cũ, thí sinh được rời phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận. Quy định này rất dễ xảy ra thí sinh đưa thông tin về đề thi ra ngoài rồi đưa lên mạng xã hội, gây hoang mang hay hiểu lầm về tính bảo mật và quản lý đề thi.

Đáng chú ý, dự thảo quy định, thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12 (quy định hiện hành là đăng ký tại trường phổ thông nơi học lớp 12).

Giảm điểm ưu tiên sẽ công bằng hơn cho thí sinh

Cùng với đó, dự thảo sửa đổi cũng đưa ra việc bổ sung thí sinh thuộc diện ưu tiên 0,25 và 0,5 điểm so với quy chế cũ. Thời gian qua, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ GD&ĐT đã đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên. Điều chỉnh này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà với tất cả phương thức xét tuyển. Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển, cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.

Theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thay đổi cách tính điểm ưu tiên được Bộ GD&ĐT dự kiến từ Quy chế tuyển sinh năm 2022. Qua đó, thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn về tâm thế. Mặt khác, các trường chủ động phương án tuyển sinh. Ngoài ra, quy định trên tạo sự công bằng về cơ hội cho các em trong việc lựa chọn phương án học tập và lựa chọn trường đại học/cao đẳng phù hợp nhất.

Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao. Thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm. Thống kê cho thấy, nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên. Với thực tế nêu trên, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi chính là nhóm ở khu vực 3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.

Để khắc phục bất hợp lý nêu trên, bảo đảm công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), dự kiến Quy chế tuyển sinh quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0). Như vậy, sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30; các ngành điểm đầu vào cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn…

Đọc thêm