Thi tốt nghiệp THPT 2025: Sẽ giảm áp lực cho thí sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 6/11 kiến nghị, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn.
Phương án thi 2+2 được nhiều chuyên gia đánh giá cao. (Nguồn ảnh: Internet)
Phương án thi 2+2 được nhiều chuyên gia đánh giá cao. (Nguồn ảnh: Internet)

Ưu việt của phương án 2+2

Theo Bộ GD&ĐT, phương án 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho các gia đình và cả xã hội. Bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm 2, số buổi thi giảm 1. Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của 3 năm gần đây luôn khoảng 64 - 68%.

Bộ GD&ĐT cho rằng, với 9 môn học tự chọn, học sinh đã trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá, thể hiện điểm số trong học bạ. Việc lựa chọn 2 trong số 9 môn này tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích theo hướng tiếp tục học lên đại học, học nghề hay tham gia vào thị trường lao động ngay.

Tại cuộc họp ngày 14/11 vừa qua, các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (gọi tắt là Hội đồng) ủng hộ phương án 2+2 (phương án thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong các môn thi còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học. Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Các thành viên Hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: Đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; Không gây sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; Tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cần ngân hàng đề thi chất lượng

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT có tác động xã hội rất lớn, nếu chậm trễ sẽ tạo tâm lý bất an cho phụ huynh, học sinh. “Tôi chọn phương án 2+2 mà Bộ GD&ĐT đề xuất. Về lý luận, bản chất của giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức kỹ năng nền tảng. Kỳ thi một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu cho giáo dục đại học, nghề nghiệp. Về pháp lý, phương án 2+2 thực hiện đúng chủ trương giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đặc biệt sẽ không gò bó trong khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng trong tất cả các môn học”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.

Trao đổi liên quan đến băn khoăn “nếu môn Ngoại ngữ không thi bắt buộc sẽ dẫn tới học sinh không học, khó khăn trong hội nhập quốc tế”, GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nêu ví dụ từ tỉnh Nghệ An khi cách đây khoảng 5 năm, chất lượng dạy và học tiếng Anh ở mức thấp, sau khi tỉnh có những cơ chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã từng bước nâng lên. “Muốn dạy học tiếng Anh tốt cần có cơ chế tác động tới giáo viên, học sinh và có môi trường học tập chứ không phải thi là kết quả ngoại ngữ sẽ tốt lên”, ông Thành chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mục tiêu số một của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông. Do đó, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 phải theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

“Phương án nào cũng phải có ngân hàng đề thi chất lượng, được chuẩn hoá, quy chế bảo đảm thực hiện thống nhất”, Phó Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin hết sức khoa học, công khai, minh bạch để nhân dân biết được chủ trương, quá trình triển khai, cách thức thực hiện đổi mới thi cử so với mục tiêu đặt ra. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu kỹ tất cả các phương án, đề xuất về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, bao gồm cả yêu cầu về quản lý Nhà nước, điều kiện tổ chức thực hiện như ứng dụng hạ tầng chuyển đổi số, dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm cho phép một số địa phương tự ra đề, tự tổ chức kỳ thi theo định hướng tiêu chí của Bộ.

Khi Tiếng Anh và Lịch sử không còn là môn thi bắt buộc

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT chuyên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ủng hộ phương án 2+2. Theo thầy Công, việc đưa môn ngoại ngữ thành môn tự chọn sẽ giải phóng nhu cầu tự học ngoại ngữ của học sinh, đặc biệt là các học sinh ở khu vực biên giới, cửa khẩu sẽ tự do lựa chọn các môn ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu thay vì tập trung học môn Tiếng Anh. Với học sinh, cần học tập đầy đủ các môn học trong chương trình để có kiến thức cơ sở vững chắc, không coi môn nào là môn chính, môn nào là môn phụ…

Với môn Lịch sử, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu Vinh bày tỏ, môn Lịch sử thường đi những bước không ngờ và luôn là môn học thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội trong nhiều năm qua. Dù có là môn thi bắt buộc hay không, mỗi thầy, cô giáo dạy môn Lịch sử đều phải tâm huyết với nghề, tận tụy với trò và trách nhiệm với Sử. Học trò luôn là những người đánh giá chính xác nhất, thuyết phục nhất về trí tuệ và tâm huyết, tinh thần và thái độ của giáo viên trong từng tiết học.

Đọc thêm