Vĩnh Phúc xử lý 24 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu

(PLVN) - Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện, xử lý 24 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử phạt hành chính gần 103 triệu đồng, tiến hành tiêu hủy tổng số hàng hóa trị giá hơn 211,7 triệu đồng.
Vĩnh Phúc tăng cường xử lý các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Vĩnh Phúc tăng cường xử lý các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm “nhái” các thương hiệu nổi tiếng tràn lan trên thị trường ngày càng phổ biến.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 24 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: hàng hóa nhập lậu, không có nhãn mác đúng quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng không bảo đảm chất lượng, mỹ phẩm giả, không đúng công dụng. Đặc biệt, các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm thường phát hiện ở những địa bàn lớn như: thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Vĩnh Tường.

Qua thực tế, việc kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc thường gặp phải một số khó khăn như: thời gian kiểm định, giám định, thẩm định sản phẩm lâu, phức tạp; khó kiểm tra, thống kê hết toàn bộ các mặt hàng kinh doanh với các hộ kinh doanh ngay tại nơi cư trú; quy định xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Đặc biệt, các đối tượng vi phạm thường bán hàng qua các trang mạng xã hội; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh; sử dụng hoá đơn chứng từ thu mua hàng hóa của cư dân biên giới; chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa cùng nhiều mặt hàng khác. Với hình thức kinh doanh này, cơ quan quản lý rất khó xác định danh tính, địa chỉ cư trú thực của người bán hàng, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng.

Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc vi phạm.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tiếp tục vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, với Nghị định 98 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 sẽ tăng sức răn đe với các cơ sở, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tràn lan như hiện nay.

Trong thời gian tới, đặc biệt là các tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng tránh được những thiệt hại về vật chất, sức khỏe./.