Thị trường Anh có còn hấp dẫn nhà đầu tư Châu Á?

(PLO) - Việc Anh rời khỏi liên minh Châu Âu (Brexit) đã ít nhiều gây quan ngại cho các nhà đầu tư Châu Á, tuy nhiên vẫn có một số lượng các giao dịch lớn thuộc phân khúc tư nhân từ các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đổ vào Anh, do họ vẫn nhận thấy tiềm năng tại quốc gia này.
Thị trường Anh có còn hấp dẫn nhà đầu tư Châu Á?

Đã có ít nhất ba giao dịch lớn được công bố kể từ cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/ 06 đều có một đặc điểm chung là các giao dịch này được ký kết dựa theo niềm tin của một cá nhân thuộc bên mua. Thương vụ thâu tóm công ty thiết kế vi mạch Arm có trụ sở tại Cambridge trị giá 24.3 tỷ Bảng Anh bởi tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank là thương vụ đầu tư vào Anh lớn nhất từ trước đến nay của các nhà đầu tư Châu Á.

Thương vụ này đã được thúc đẩy bởi niềm tin của nhà sáng lập cũng như giám đốc điều hành SoftBank, Masayoshi Son, rằng công nghệ Arm sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển mạng lưới các thiết bị kết nối Internet (Internet of Things). Ông cho biết thêm: "Mọi thứ sẽ được kết nối và chúng sẽ có điểm chung là gì? Đó chính là Arm".

Tương tự, gói đầu tư trị giá 220 triệu Bảng Anh vào TP Sheffield trong ba năm tới của tập đoàn xây dựng Sichuan Guodong – là một phần của gói đầu tư có trị giá lên đến 1 tỷ Bảng Anh trong 60 năm – được xem là thương vụ lớn nhất vào một TP khác tại Anh ngoại trừ London bởi một nhà đầu tư Trung Quốc.

Đây là quyết định của ông Wang Chunming - chủ tịch tập đoàn Sichuan Guodong – sau khi ông đến thăm con gái lúc cô theo học một trường đại học tại đây. Trong quá trình đàm phán, ông Wang cho biết: “Hợp đồng này thể hiện niềm tin của chúng tôi đối với TP Sheffield sẽ ngày một phát triển với tiềm năng tăng trưởng thực sự."

Sự hấp dẫn của một đồng tiền mất giá

William Cheng Kai Man - ông trùm bất động sản tại Hồng Kông đã chi khoảng 70.3 triệu Bảng Anh để thâu tóm khách sạn Travelodge Royal Scot từ quỹ đầu tư Magnificent Hotel Investments tại khu vực nhà ga King’s Cross, London.

Ông cho biết hợp đồng này “đã đem lại cho chúng tôi cơ hội lý tưởng để thâm nhập vào thị trường khách sạn tại London, và việc đồng bảng Anh mất giá đã khiến giao dịch này trở nên hấp dẫn hơn".

Robert Stassen, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường vốn của JLL tại Châu Âu cho biết, việc đồng bảng Anh giảm đi 10% giá trị kể từ sau sự kiện Brexit là lợi thế quan trọng đối với các nhà đầu tư tiềm năng châu Á.

Ông cho biết thêm: "Giá cả tại thị trường Anh đang hấp dẫn hơn so với thời điểm trước Brexit. Nhưng yếu tố giá cả tích cực đó có bù đắp lại được những bất ổn vẫn còn tồn tại hay không? Các nhà đầu tư có lẽ sẽ cần thêm thời gian để xem xét về vấn đề này”.

Quả thực, vẫn còn quá sớm để có thể xác định chính xác mức độ ảnh hưởng lên thị trường đầu tư bất động sản thương mại tại Anh, dựa theo bản tin cập nhật về Brexit của JLL trong tháng 8. Chỉ có một lượng vốn rất nhỏ bị thu hồi sau khi xảy ra Brexit đối với hầu hết các giao dịch còn trong giai đoan thương thảo trên khắp nước Anh, đồng thời tác động của sự kiện này lên giá cả cũng khá mơ hồ.

Một số nhà điều hành DN cũng đang chờ đợi cho mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn tại Anh, khi mà có rất ít bằng chứng hiện tại cho rằng Brexit đang tái định hình các quyết định về địa điểm đầu tư. Trong bối cảnh các thỏa thuận hậu Brexit sẽ diễn ra trong vòng ít nhất sáu tháng tới, các nhà đầu tư sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi quyết định địa điểm đầu tư.

Cái nhìn dài hạn

Cũng giống như trước cuộc trưng cầu Brexit, các nhà đầu tư châu Á vẫn có xu hướng tìm kiếm những cơ hội đầu tư chiến lược hơn là những khoản lợi nhuận chớp nhoáng. Tiến sĩ Megan Walters, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường vốn Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore kỳ vọng các nhà đầu tư dài hạn vượt qua giai đoạn hiện tại.

Đánh giá về các giao dịch, bà cho biết: "Chúng tôi hy vọng mức lợi nhuận sẽ gia tăng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khách sạn và các loại tài sản bất động sản thay thế khác."

Quỹ đầu tư Temasek của Singapore đã đầu tư 417 triệu bảng Anh vào các ký túc xá sinh viên tại Edinburgh, Manchester và các địa điểm khác trước khi xảy ra Brexit, một lối đi mới mà bà Walters tin rằng các nhà đầu tư châu Á khác có thể tiếp bước.

Bà cho biết thêm: "Anh vẫn là nơi có một trong những nền giáo dục xuất sắc nhất trên thế giới, và nhiều người muốn đầu tư vào Anh do họ có những mối quan hệ gia đình tại đây".

Hiểu biết sâu rộng về thị trường Anh là một trong những cách mà các nhà đầu tư đang áp dụng để khắc phục những bất ổn kinh tế sau sự kiện Brexit. Bà Walters nhận định, việc Anh bị hạ định mức tín nhiệm nợ bởi Fitch và một số cơ quan xếp hạng tín dụng khác, sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức quản lý rủi ro nhiều hơn là những nhà đầu tư tư nhân đã quen thuộc với thị trường bất động sản Anh.

Nhu cầu đa dạng hóa bên ngoài châu Á

Mặc dù vẫn còn những bất ổn hậu Brexit, các nhà đầu tư châu Á vẫn rất quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư ngoài các khoản đầu tư trong nước. Ông Stuart Crow, Giám đốc thị trường vốn Châu Á Thái Bình Dương của JLL cho biết, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc, vốn đang trên đà tăng trưởng dài hạn, được mong đợi sẽ vẫn tiếp tục sôi động trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Và thậm chí các nhà đầu tư truyền thống và hay lo ngại rủi ro của Nhật Bản cũng đang "chạy theo lợi nhuận và đa dạng hóa đầu tư ra bên ngoài" khi họ phải đối mặt với mức lãi suất âm trong nước, theo bà Walters cho biết. Các thị trường nước ngoài được ưa chuộng là Mỹ, Vương quốc Anh và các nước còn lại khu vực Châu Âu.

Do vẫn chưa có một hiệp ước thương mại nào được ký kết giữa EU và Ấn Độ hay Trung Quốc, việc Anh rời khỏi liên minh Châu Âu không thực sự quá bất lợi cho nhà đầu tư đến từ những nước này. Thậm chí, chính sách nhập cư mới của Anh có thể còn có lợi cho những cá nhân có trình độ từ Châu Á có thể dễ dàng đến sống và làm việc tại Anh hơn.

Bà Walters vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của Vương quốc Anh khi là nơi tiếp nhận một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp từ châu Á. Thêm vào đó, Stassen cho rằng "những yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản Anh vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể tính đến thời điểm này".

Trong khi đó, những yếu tố bất ổn đang ngày một thu hẹp. Ông cho biết: "Chúng ta vẫn đang mong chờ kết quả của quá trình đàm phán hậu Brexit, và ít có khả năng những điều khoản được EU đưa ra sau quá trình này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. 

Chúng ta hiện vẫn còn sống trong những ngày đầu của một thế giới hậu Brexit, nhưng những dấu hiệu ban đầu đã cho thấy các nhà đầu tư châu Á đồng tình với bộ trưởng tài chính Philip Hammond khi ông nói rằng Anh luôn rộng mở với các DN.

Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư đã chấp nhận tham gia vào thị trường Anh hậu Brexit, họ cần theo dõi chặt chẽ xem tình hình thị trường sẽ chuyển biến như thế nào.