Thị trường bán lẻ tiếp tục chịu tác động của Covid-19

(PLVN) - Trong một khảo sát mới đây của các tập đoàn nghiên cứu về thị trường cho thấy, tác động của dịch Covid- 19 đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ không chỉ trong giai đoạn hiện tại, mà sẽ kéo dài cho cả năm 2020.
Thị trường bán lẻ tiếp tục chịu tác động của Covid-19

Kết quả khảo sát nhanh với 200 khách thuê và khách hàng của CBRE vào giữa tháng 4 vừa qua cho thấy, số lượng doanh thu dự kiến trong tháng 4 sẽ sụt giảm 90 -100% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 60 -70% so với tháng 3.

Có tới 79% khách thuê lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn; 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10% đến 30% trong năm 2020; 61% khách thuê chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% khách thuê mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn.

Lý giải nguyên nhân, bà Võ Thị Phương Mai - Phó Giám Đốc, Trưởng Bộ phận dịch vụ mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam - cho rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống, nên mặc dù giãn cách xã hội đã được nới lỏng vào cuối tháng 4, nhưng phần lớn các ngành hàng vẫn chưa được phép đi vào kinh doanh như bình thường. Điều này tác động mạnh đến kết quả doanh thu, cũng như quyết định của các khách thuê.

Tuy nhiên, bà Phương Mai cũng cho rằng, các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực. Theo đó, TMĐT sẽ là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, khảo sát của CBRE cũng chỉ ra rằng, đối với mặt bằng tại các TTTM và nhất là mặt bằng nhà phố bán lẻ, mặc dù khách thuê cũng đã nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội nhưng hầu hết các ngành hàng buộc phải đóng cửa, ngoại trừ ngành hàng thiết yếu. 

Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê không chịu nổi sức ép tiền thuê và dẫn đến việc trả mặt bằng trước thời hạn, để duy trì mức “tồn tại” đối với các doanh nghiệp nói chung. Sự việc này diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club…, chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại.

Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

“Sẽ có nhiều xu hướng mới được phát sinh và chú trọng trong thời gian tới nhằm đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục. Trong đó, việc đánh giá và xây dựng chiến lược sử dụng hay phân bổ văn phòng hiệu quả cũng đang nằm trong chiến lược của nhiều khách thuê. Trong đó, có hơn một nửa số người trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng xem xét việc chia tách các bộ phận ra nhiều tòa nhà khác nhau”, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc của CBRE Việt Nam - nhận định.

Bán lẻ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ Covid -19 và việc trì hoãn quyết định thuê sẽ có tác động lâu dài đến những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, khảo sát của CBRE cũng cho thấy, có 24% người tham gia khảo sát vẫn kỳ vọng doanh thu tăng trưởng trong năm 2020, trong đó nhóm ngành công nghệ thông tin là lạc quan nhất. 

Đọc thêm