Thị trường bánh Trung thu: Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng

(PLO) - Đã thành thông lệ, hàng năm gần dịp Trung thu, nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm bánh trung thu tăng cao. Nhưng cùng với những thương hiệu bánh nổi tiếng thì trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu giá rẻ, kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Loại bánh mini và quảng cáo là “bánh nội địa Đài Loan” được rao bán trên facebook. Ảnh: Diệu Anh
Loại bánh mini và quảng cáo là “bánh nội địa Đài Loan” được rao bán trên facebook. Ảnh: Diệu Anh

Dạo quanh các trang mạng xã hội, dễ bắt gặp những người bán hàng online đăng bán loại bánh mini và quảng cáo là “bánh nội địa Đài Loan” hoặc “nội địa Trung Quốc” với những mức rất khác nhau, giá cả thì “siêu rẻ” nhưng không có thông tin về hạn sử dụng. Trong khi đó, hiện các thương hiệu bánh trung thu truyền thống cũng đã công bố giá bán năm 2018 cao gấp hàng chục lần so với bánh trung thu nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).

Cụ thể, bánh trung thu Đồng Khánh có mức giá cao nhất là hộp 6 bánh 1,95 triệu đồng, hộp 4 bánh Phú Quý Cát Tường 1,2 triệu đồng. Bánh nướng có giá từ 51.000 - 445.000 đồng/cái. Bánh trung thu Mondelez Kinh Đô cũng đưa sản phẩm ra thị trường từ đầu tháng 8 với mức giá bánh nướng từ 50.000 - 480.000 đồng/cái. Các sản phẩm biếu tặng cao cấp có giá 600.000 - 3.500.000 đồng/hộp.

Thực tế cho thấy, mặc dù được quảng cáo là bánh Đài Loan (Trung Quốc) nhưng đại đa số người tiêu dùng chỉ biết nghe thông tin chung chung từ người bán hàng, khó có thể tìm hiểu chất lượng cụ thể, tiêu chuẩn, hạn sử dụng.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Chi cục QLTT Hà Nội) khi kiểm tra cơ sở chế biến nông sản Huyền Trang (xã La Phù, huyện Hoài Đức) đã thu 14.000 chiếc bánh trung thu không giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và không hạn sử dụng. Theo khai nhận của chủ hàng, bánh được nhập khẩu từ Trung Quốc về qua cửa khẩu Lào Cai với giá từ 2.000-3.000 đồng/chiếc và được rao bán trên mạng xã hội để kiếm lời.

Theo Đội trưởng Đội QLTT số 24 Nguyễn Huy Cường, khi lực lượng của Đội đi trinh sát, nhiều cửa hàng số lượng bánh bày bán rất ít, do chủ hàng quảng cáo bán trên mạng. Việc xử lý cũng rất khó khăn bởi theo quy định với những trường hợp buôn bán kinh doanh hàng thực phẩm nhập lậu này, chỉ có thể xử phạt hành chính, mức xử phạt theo quy định sẽ không đủ sức răn đe.

“Cơ sở chế biến nông sản Huyền Trang (xã La Phù, huyện Hoài Đức) quảng bá bán hàng trên mạng nhưng khi lực lượng chức năng tới kiểm tra thì hàng còn rất ít, vì chủ hàng chủ yếu vận chuyển về đêm, lực lượng chức năng không thể kiểm tra hành chính được”, ông Cường cho biết.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những chiếc bánh trung thu mini giá rẻ nếu nhìn bằng mắt thường sẽ thấy lớp dầu mỡ dày bám dính trên bao bì, điều này gây ra lo ngại về chuyển hóa chất béo quá mức cho phép trong việc bảo quản, ngoài ra còn có chức năng tạo mùi tạo vị cho bánh, dễ gây ra bệnh lý về tim mạch.

Bên cạnh đó, với những chiếc bánh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Mối nguy cơ này có thể gây ngộ độc ngay lập tức hoặc tích tụ lâu dài, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm soát bánh trung thu “siêu rẻ”

Để tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng bánh trung thu năm nay, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP Tết Trung thu năm 2018, lần lượt do đại diện Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn.

Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra của 3 đoàn này tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt chú trọng vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát cũng như nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu... Thời gian kiểm tra kéo dài đến hết ngày 28/9, tại 30 quận, huyện, thị xã.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu năm nay, các cơ quan chức năng của thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tiến hành các đợt kiểm tra chất lượng bánh kẹo, bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống như: Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), La Phù (huyện Hoài Đức) và các cơ sở sản xuất, các nhà hàng, khách sạn có sản xuất bánh trung thu…

Mục tiêu đầu tiên của công tác thanh tra, kiểm tra là ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời kết hợp truyền thông trực tiếp cho chủ cơ sở và người sản xuất bánh trung thu. Đối với những lỗi nguyên liệu phụ gia không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thì dù là nguyên liệu và phụ gia đó nằm trong danh mục cũng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định…

Trong quá trình kiểm tra tại cơ sở, các đoàn kiểm tra cũng tiến hành lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh như lạp xưởng, bột, hạt sen… để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, ông Chung cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên có ý thức trong việc chọn mua bánh trung thu của các hãng có uy tín, đừng ham rẻ mà mua những loại bánh kém chất lượng, để rồi “rước họa vào thân”. 

Đọc thêm