Thị trường chứng khoán nhìn từ sai phạm của công ty SME

Trong lúc thị trường chứng khoán vẫn còn vô cùng ảm đạm và chưa có lối thoát, vụ việc diễn ra ở Công ty (cty) chứng khoán (CTCK) SME đã gây “sốc” cho thị trường, vì đây là một trong những cty chứng khoán từng được xếp ở tốp trên.

Trong lúc thị trường chứng khoán vẫn còn vô cùng ảm đạm và chưa có lối thoát, vụ việc diễn ra ở Công ty chứng khoán (CTCK) SME đã gây “sốc” cho thị trường, vì đây là một trong những cty chứng khoán từng được xếp ở tốp trên.
“Cú sốc” trên thị trường chứng khoán
Không phải là công ty gây ra scandal đầu tiên trên thị trường chứng khoán, nhưng CTCK doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thực sự tạo cú sốc trên thị trường do chính chiêu trò mà do thế, lãnh đạo công ty này bị bắt.
Trước đó, vào đầu tháng 8, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SME, cũng đã bị bắt tạm giam. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trường hợp SME gây bất ngờ không ít bởi SME từng là một công ty có vốn điều lệ lớn, có công nghệ hiện đại, hệ thống giao dịch S-Pro rất thuận lợi cho nhà đầu tư. Thời điểm 2009-2010, để thu hút khách hàng, SME đã mạnh tay cho nhà đầu tư sử dụng margin với tỉ lệ rất lớn, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản tăng chóng mặt, SME nhanh chóng đứng vào tốp 15 công ty chứng khoán có thị phần tốt….
Nguyên nhân khiến lãnh đạo SME bị tạm giam cũng khiến nhiều người “ngã ngửa”. Theo cơ quan điều tra, tháng 4/2010, Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với ông Hoàng Ngọc Anh và SME có giá trị hơn 168 tỉ đồng.
Theo hợp đồng, PVI góp 40%, ông Hoàng Ngọc Anh góp 60% bằng số dư chứng khoán trong tài khoản của ông (mở tại SME) và PVI được hưởng lợi nhuận 13%/năm. Ngoài ra, PVI cũng ký một hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tư vấn Anh và SME với giá trị hợp đồng trên 198 tỉ đồng, trong đó PVI góp 40% và được hưởng lợi nhuận 13%/năm. Số tiền PVI chuyển vào SME gần 108 tỉ đồng.
Mấu chốt của vấn đề là SME đã không trung thực trong cung cấp thông tin và ông Hoàng Ngọc Anh là một “ai đó” – vì người này đã không đầu tư chứng khoán, và chữ ký trên hợp đồng cùng các giấy tờ liên quan là giả mạo. Còn Công ty CP Tư vấn Anh thực chất là thành viên của SME. Đến lúc tất toán hợp đồng thì SME đã không có đủ tiền để trả…
Hệ quả của chuỗi sai phạm
Theo dõi hoạt động và diễn biến tại CTCK SME hơn hai năm nay cho thấy, những sai phạm của SME là một quá trình dài.
Ngay từ tháng 8/2010, khi kiểm tra toàn diện hoạt động của SME, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu SME không được phép sử dụng những hợp đồng hợp tác đầu tư và phải tất toán hết. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với SME và yêu cầu công ty ngừng ký mới các hợp đồng cung cấp các sản phẩm tài chính hỗ trợ giao dịch chứng khoán khi chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tháng 10/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại tiếp tục kiểm tra toàn diện hoạt động của SME và đã có công văn yêu cầu SME bổ sung thuyết minh chi tiết có xác nhận của kiểm toán về các khoản phải thu, phải trả, tình trạng hiện tại của các khoản nợ quá hạn và khoản phải thu quá hạn trong phần thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2011.
Đồng thời, UBCKNN đã đề nghị 2 sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán tăng cường quản lý, giám sát hoạt động với SME, nhằm bảo vệ nhà đầu tư và khách hàng tại cty chứng khoán này.
Sau đó, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã đình chỉ tạm thời lưu ký chứng khoán của SME từ 7/11/2011 đến 7/1/2012 do SME thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thành viên lưu ký và để xảy ra tình trạng mất thanh khoản giao dịch chứng khoán. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã thông báo đưa cổ phiếu của SME vào diện kiểm soát.
Trước tình hình tài chính của SME có vấn đề, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cảnh báo và thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký lưu ký chứng khoán cũng như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của công ty. 
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có nhiều nguyên nhân khiến SME liên tục có những hành vi vi phạm. Ngoài nguyên nhân khách quan là sự khó khăn của thị trường chứng khoán trong một thời gian dài còn phải kể đến các nguyên nhân chủ quan như: sự yếu kém trong quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ không được thực thi đầy đủ và sự dễ dãi trong việc thẩm định các khoản vay và cho vay của các đối tác liên quan tới SME...
Bài học từ SME
Một nguyên nhân quan trọng dễ nhận thấy nhất chính là do cơ quan quản lý không thể nhìn thấu hết mọi ngóc ngách trong các nghiệp vụ vốn đã phức tạp và có nhiều kẽ hở của CTCK là điều kiện thuận lợi làm phát sinh các hành vi vi phạm. Giám đốc đầu tư của một CTCK cho rằng, nếu muốn tạo một bên thứ 3 giả mạo như SME đã làm, các CTCK đều có thể làm được. 
Vụ việc cũng khiến nhiều người ngạc nhiên về độ “cả tin” của người bị hại. Nếu trước khi chuyển số tiền nhiều tỷ đồng đến tài khoản của SME, PVI thận trọng kiểm tra danh mục chứng khoán của bên vay tại Trung tâm Lưu ký thì đã phát hiện ra sự giả mạo ngay từ đầu. 
Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Quang Vinh – chuyên gia tài chính độc lập – nhận định, là một khi mức phạt còn “không thấm gì so với lợi nhuận từ các phi vụ trót lọt”, và việc phát hiện xử lý sai phạm của CTCK còn khá nhiêu khê, thì có nguy cơ còn những vụ SME khác.
Trong lúc thị trường chứng khoán vẫn còn vô cùng ảm đạm và chưa có lối thoát, vụ việc diễn ra ở Công ty chứng khoán (CTCK) SME đã gây “sốc” cho thị trường, vì đây là một trong những cty chứng khoán từng được xếp ở tốp trên.
Hoàng Anh

Đọc thêm