Những con số kỷ lục
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5, chỉ số Vn-Index liên tục lập đỉnh mới với 1.328,05 điểm, giá trị khớp lệnh trên cả ba sàn cùng lập kỷ lục. Số lượng người tham gia chứng khoán và thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).
Nếu như giai đoạn mới bắt đầu Covid-19, thanh khoản thị trường chưa được mạnh mẽ, dòng tiền chỉ đạt từ 3.000-4.000 tỷ đồng thì đến phiên cuối tháng 5/2021 đã chạm đến 24.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5 - 6 lần so với đầu năm 2020.
Theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn từ 2020 đến nay là thời kỳ tỏa sáng rực rỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường có điểm tối xen vào đó là việc khối ngoại tiếp tục bán rất mạnh trên sàn HoSE. Theo số liệu từ HoSE, lượng bán ròng của khối ngoại trong 5 tháng đầu năm 2021 tương đương với mức bán ròng trong cả năm 2016 và 2020 cộng lại.
Cùng với nhà đầu tư , công ty đại chúng là chủ thể có vị trí trung tâm của thị trường chứng khoán. Hiện nay, dòng tiền đang tập trung vào mảng chứng khoán và đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp đại chúng niêm yết. Thị trường cũng đang định giá lại các doanh nghiệp niêm yết và giá được đẩy lên ở một mức khá cao. Trong thời gian qua cũng chứng kiến một làn sóng lên sàn của rất nhiều doanh nghiệp bất chấp việc sàn HoSE từ đầu năm 2021 bị nghẽn mạng mang tính hệ thống.
VN-Index có thể tăng trưởng 30- 40%?
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán, các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng trong khảo sát của mới đây của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) lạc quan về thị trường chứng khoán trong năm 2021 với 72,73% cho rằng thị trường tiếp tục sôi động, diễn biến khá tích cực, theo đó có 52,38% phản hồi nhận định chỉ số Vn-Index có thể tăng trưởng từ 20-30% và 9,52% nhận định chỉ số này có thể đạt mức tăng trưởng từ 30-40%.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, trong một năm bình thường, chỉ số Vn-Index đã tăng từ 10-20%, nhưng năm nay là một năm “hơi lạ”, nên sẽ tăng nhanh hơn với tốc độ tăng sẽ cao hơn bình thường.
Nghiên cứu của Vietnam Report phân ra hai nhóm tạo động lực cho thị trường, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn; trong đó phải kể đến là: Sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư F0; Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và các app đầu tư chứng khoán; Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi ở (mức từ 6,5 – 6,8% trong năm 2021 và có thể tăng lên 7% trong năm 2022); Làn sóng lên sàn, chuyển sàn của các ngân hàng…
Tuy nhiên, 5 rào cản lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, được xét trong ngắn hạn và dài hạn, được kể đến, đó là: Triển vọng phục hồi kinh tế còn nhiều rủi ro (khi vắc xin Covid-19 chưa được triển khai rộng rãi, nguy cơ lạm phát gia tăng..); Hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường chưa đáp ứng (HoSE đã phải ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 khi giá trị giao dịch vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng); Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ (do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm); Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu đi nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư (như bán khống, T0, quyền chọn…); Việc minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cao (còn nhiều đội lái khiến giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp...).
“Đây là những hạn chế cần khắc phục để thị trường chứng khoán phát triển nhanh nhưng phải thực sự bền vững...” - Chuyên gia Vietnam Report khuyến cáo.
Để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 6 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm:
- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán (85,71%).
- Hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới (80,95%).
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường, thực hiện thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định tạo sự phát triển bền vững cho thị trường (52,38%).
- Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán (47,37%).
- Đa dạng hơn các công cụ phái sinh trên thị trường (38,10%).
- Nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường (38,10%).