Khát nhân lực
Sau đại dịch COVID-19, thông báo tuyển dụng từ các nhà điều hành khách sạn và nhà nghỉ tại Nhật tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tổng chi tiêu của du khách nước ngoài năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục là 5.292 tỷ yên (35,7 tỷ USD), nhưng các cơ sở lưu trú có thể mất đi lượng khách tiềm năng do khan hiếm lao động.
Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như chăm sóc điều dưỡng và xây dựng đang gặp khó khăn. Trong khi đó, Liên đoàn các Hiệp hội cho thuê taxi Nhật Bản và Hiệp hội xe buýt Nihon đang nỗ lực tuyển dụng công dân nước ngoài.
Theo kết quả khảo sát do Teikoku Databank công bố mới đây, tỷ lệ các công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân viên toàn thời gian đã đạt 51%, gần đạt mức cao nhất mọi thời đại là 54% được ghi nhận vào tháng 11/2018. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng về việc chính phủ nới lỏng hơn nữa các quy định nhập cảnh để tháo gỡ khó khăn về thị trường lao động.
Theo Reuters, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng do dân số già hóa và lực lượng lao động sụt giảm. Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản dự báo cho dân số nước này vào năm 2070 sẽ giảm gần 1/3, còn khoảng 86,9 triệu người, trong đó, người từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 40%.
Đáng lo là trong khi số người cao tuổi ngày càng tăng, số trẻ em được sinh ra lại ngày càng giảm. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh (TFR, số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời) của Nhật là 1,26. Với việc số người tử vong vượt qua số ca sinh trong một thập kỷ qua, dân số nước này đến nay đã giảm liên tục 14 năm.
Qua những con số này có thể thấy, thị trường lao động Nhật Bản khả năng suy thoái khi thiếu hụt hàng triệu công nhân và đội ngũ nhân sự các công ty ngày càng già. Bên cạnh mở cửa thu hút thị trường lao động nước ngoài, gần đây, Nhật Bản bắt đầu xem xét nới lỏng các quy định về thị thực dài hạn. Theo Japan Times, chính phủ thông qua kế hoạch tạo ra hệ thống mới được thiết kế để đào tạo lao động nước ngoài không có kỹ năng và tạo điều kiện cho họ có cơ hội việc làm trung hạn và dài hạn tại Nhật Bản.
Thủ tướng Kisida Fumio quyết tâm thu hút nhiều lao động hơn thông qua cải cách chương trình lao động nước ngoài. Đề cập đến các chương trình thực tập sinh và lao động tay nghề cao, ông nói: “Điều quan trọng là phải giải quyết các vấn đề khác nhau đã được chỉ ra và làm cho quốc tế hiểu những vấn đề đó, đồng thời cân nhắc đến quyền con người của công dân nước ngoài, để Nhật Bản sẽ được chọn là điểm đến hấp dẫn để làm việc”.
Cơ hội với lao động Việt Nam
Hơn 30 năm qua, Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc trong nhiều lĩnh vực từ 3 đến 5 năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Năm 2023, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với 518.364 người, tăng 63,6% trong 5 năm.
Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực để cải thiện cơ chế tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Kể từ năm 2019, các lĩnh vực mà người Việt Nam được tiếp nhận làm việc tại Nhật Bản đã được mở rộng hơn.
Ngày 27/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.
Đại diện 2 nước ký kết hợp tác triển khai Sáng kiến chung, giai đoạn 1. |
Trong khuôn khổ sáng kiến này, các cơ quan chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng như doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội ngồi lại, trao đổi ý kiến và thảo luận nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Đánh giá về thị trường lao động Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Land cho biết, dù các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước khai thác đã lâu nhưng vẫn còn nhiều triển vọng. Ông Vũ đánh giá, Nhật Bản đang thiếu hụt lao động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp như Cen “chinh chiến” thêm vùng đất mới trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu.
“Cen đánh giá thị trường Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước khai thác hết. Với kinh nghiệm và lợi thế của mình, Cen tự tin ở thị trường mới này”, ông Vũ nói.
Theo vị lãnh đạo, đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp chính thức tham gia vào thị trường này. Cen đã có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị từ nhiều năm trước, xây dựng mạng lưới và có mối quan hệ với nhiều đối tác bên Nhật.
Cen Land sẽ chính thức bước vào thị trường Nhật Bản qua sự kiện “Đi Nhật cùng Cen”, được tổ chức vào ngày 08/07 tới tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Đây sẽ là mốc quan trọng trong hành trình của Cen Land đưa tri thức Việt ra thế giới. |
Lợi thế của Cen là cơ sở vật chất đầu tư bài bản, quy mô, hệ thống văn phòng tại nhiều địa phương. Đặc biệt, Cen tập trung làm mảng nhân sự có kĩ năng và tay nghề, chú trọng vào nhân sự có tiếng Nhật và đào tạo nghề bài bản tại Việt Nam trước khi sang Nhật. Tại Nhật, công ty của Cen hoạt động theo mô hình outsourcing (quản lý, cho thuê nhân sự..).
Người lao động sẽ được ký hợp đồng trực tiếp với Cen Nhật để đảm bảo quyền lợi cho nhân sự khi làm việc ở các công ty Nhật, bên cạnh đó Cen cũng sẽ hỗ trợ người lao động thuê nhà, làm các thủ tục hành chính, y tế, xã hội,…
Hiện, Cen đang tập trung vào một số ngành nghề đang thiếu nguồn nhân lực như Logistics, nhà hàng khách sạn, sửa chữa, cơ khí, điều dưỡng,…
Với lợi thế công nghệ, Cen đang triển khai tích hợp các giải pháp công nghệ trong tuyển dụng online kết hợp với AI, tiếp cận tới lực lượng nhân lực trẻ có nhu cầu, trực tiếp ký hợp đồng, giảm các chi phí qua trung gian.