Thị trường nội địa: 'Trụ đỡ' nền kinh tế khi thế giới giảm cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong khi các thị trường lớn trên thế giới đều giảm cầu thì tiêu dùng tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Thị trường nội địa đang được coi là “trụ đỡ” cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt.
Thị trường nội địa đang được coi là “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế.
Thị trường nội địa đang được coi là “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế.

Thị trường “màu mỡ”

Thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định là thị trường khá tiềm năng khi hầu hết các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đều xuất hiện và chinh phục thị trường này. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ trên thế giới đều nhận định Việt Nam là một “thị trường béo bở” với dân số hơn 100 triệu dân và sức mua của người dân nơi đây rất tốt.

Thống kê 4 tháng đầu năm cho biết, trong khi hầu hết các thị trường lớn đều giảm cầu, thì ở thị trường nội địa Việt Nam, sức mua vẫn có sự tăng trưởng. Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%. Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao ở một số địa phương như: Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; TP HCM tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,2%...

“Các số liệu thống kê trong 4 tháng đầu năm cho thấy thị trường hàng hóa khá sôi động. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng phát triển mạnh thị trường trong nước làm “trụ đỡ” khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn” - đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.

Quay lại thị trường nội địa là đúng đắn

Tập trung chinh phục thị trường nội địa cũng là chiến lược của nhiều ngành hàng, trong đó đặc biệt phải kể tới dệt may. Một lãnh đạo của Vinatex cho biết, thị trường Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư từ các “ông lớn” bán lẻ. Năm 2022 Uniqlo mở thêm 3 cửa hàng mới tại Hà Nội, nâng tổng số cửa hàng của Uniqlo tại Việt Nam lên con số 15 cửa hàng.

Cũng trong năm 2022, tập đoàn của Nhật (Aeon) lấn sân sang mảng thời trang bán lẻ, ra mắt thương hiệu thời trang giá rẻ “My Closet” nhằm mục tiêu cạnh tranh với các thương hiệu may mặc quốc tế khác đang có mặt trên thị trường với khoảng 400 mặt hàng. Điều này càng chứng tỏ việc quay lại chinh phục thị trường nội địa của các thương hiệu dệt may Việt Nam là đúng đắn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, trong khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm mạnh, mà khu vực dịch vụ, trong đó có bán buôn, bán lẻ vẫn có mức tăng trưởng, cụ thể lưu trú ăn uống tăng 15,98%, bán buôn bán lẻ tăng 8,09% trong 4 tháng đầu năm cho thấy, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, phải tiếp tục coi tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm.

“Thị trường Việt Nam có đầy tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Hệ thống phân phối hiện đại, thương mại online mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, tỷ trọng chiếm lĩnh chỉ từ 10 - 20%. Ngoài ra, đầu vào của thị trường bán lẻ để phục vụ tiêu dùng trong nước ngày nay rất dồi dào phong phú và có chất lượng đảm bảo, lại cộng thêm với điều kiện thu mua với cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp với điều kiện khai thác để tiêu thụ” - ông Phú cho biết.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, quay lại thị trường nội địa là đúng, bởi cơ cấu tiêu dùng của gần 100 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng đã có nhiều thay đổi. Do đó, đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thực hiện huấn luyện về kỹ năng xúc tiến thương mại, kỹ năng tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng để tăng thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Đọc thêm