Thị trường Tết ở Đà Nẵng: Hàng ngoại “qua mặt” hàng nội

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, người dân đã bắt đầu đi sắm tết, chủ yếu là các mặt hàng bánh kẹo, mứt, bia rượu... Dù với hàng trăm chủng loại, đa dạng về kiểu dáng và nguồn gốc…nhưng tại Đà Nẵng, năm nay, sản phẩm ngoại nhập vẫn gần như chiếm lĩnh thị trường…

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, người dân đã bắt đầu đi sắm tết, chủ yếu là các mặt hàng bánh kẹo, mứt, bia rượu... Dù với hàng trăm chủng loại, đa dạng về kiểu dáng và nguồn gốc…nhưng tại Đà Nẵng, năm nay, sản phẩm ngoại nhập vẫn gần như chiếm lĩnh thị trường…

Bánh, mứt, kẹo ngoại đang được khách hàng chọn mua nhiều  trong năm nay (ảnh chụp tại chợ Hàn)
Bánh, mứt, kẹo ngoại đang được khách hàng chọn mua nhiều trong năm nay (ảnh chụp tại chợ Hàn)

70% bánh kẹo, mứt…là ngoại nhập

Cũng giống như mọi năm, vào thời điểm này, thị trường mua sắm Tết đã bắt đầu nhộn nhịp, nhiều bà nội trợ đã biết “lo sớm” với các mặt hàng chủ lực như: hạt dưa, lạp xưởng, bò khô, bánh kẹo… Theo chị Hoàng- chủ shop Hoàng Trà tại chợ Hàn - người tiêu dùng Đà Nẵng bắt đầu e dè trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc sản xuất trong nước; bên cạnh đó, giá cả bánh  kẹo ngoại nhập không cao lắm nên người đi sắm Tết vẫn quan tâm đến những mặt hàng ngoại nhập nhiều hơn.

Mặt khác, hàng sản xuất trong nước bao nhiêu năm nay cũng chỉ có vài loại được xem như truyền thống: Bánh quy, bánh xốp, sô-cô-la... trong khi đó, hàng ngoại nhập rất phong phú về chủng loại và hương vị.

Tương tự, chị Mai, chủ shop chuyên kinh doanh bánh kẹo, mứt ở chợ Hàn cho biết, vào thời điểm này, các loại bánh kẹo được sản xuất ở Biên Hòa, Quảng Ngãi, Hà Nội nhập về có giá chừng 70.000 đồng/thùng, song song, bánh đóng thùng có xuất xứ từ Malaysia, Indonesia giá cũng chỉ nhỉnh hơn từ 15 đến 20 ngàn đồng.

Còn những nhãn hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Đan Mạch, Bỉ, Hàn Quốc, có cao hơn chút xíu, nhưng xem ra cũng nằm trong sự chấp nhận được của người tiêu dùng Đà Nẵng. “Ví như hạt dẻ, loại thường không rõ nguồn gốc hay hàng nội nhập thì 200.000/ký, nhưng nếu hàng Thái Lan, có “hét” đến 260 đến 300.000/ ký cũng rất nhiều khách chọn. Chính vì vậy, sản phẩm mứt bánh kẹo ngoại luôn chiếm khoảng 70% trong shop hàng của chị và nhiều người” - chị Mai nói

Hàng Trung Quốc mặc dù nhiều người ngại mua, nhưng giá cả lại rẻ, hương vị và màu sắc phong phú, vì thế, nó vẫn có mặt trên trường Tết. Theo chị Lê (Hòa Vang) tiểu thương bán hàng tại chợ Cồn, nhiều người vẫn nghe thông tin về các mặt hàng Trung Quốc rất nguy hiểm, tuy nhiên, nếu biết chọn lựa, chắc cũng “không hề hấn gì”. “Vả lại, hàng vẫn thấy nhiều nơi bày bán tràn lan, giá lại giá rẻ nên tui cũng mua để “pha” thêm với các loại bánh khác bán cùng” - chị Lê nói.

Bia, rượu ngoại “lên ngôi”!

Theo nhận định của nhiều cửa hàng bia rượu trên địa bàn Đà Nẵng, năm nay, rượu, bia ngoại nhập được ưa chuộng nhiều hơn, đặc biệt là rượu. Dạo các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh rượu, bia trên đường Phan Chu Trinh, Trần Bình Trọng (Hải Châu), Tôn Đức Thắng (Liên Chiểu) rượu, bia nhập ngoại chiếm lĩnh gần như 2/3 số lượng rượu bia Tết, thậm chí, cả trên quầy kệ của các quán tạp hóa nhỏ lẻ, các chợ.

Chỉ một đoạn ngắn trên đường Trần Bình Trọng (ngã 5 quận Hải Châu) nhiều gian hàng bày bán các loại rượu nhập khẩu với nhiều đơn đặt hàng giỏ quà tết dồn dập được gửi tới. Mỗi giỏ quà đều được yêu cầu kèm một chai rượu vang nhập khẩu từ Úc hoặc Pháp. Anh Mai Hoàng, chủ quầy tại đây cho biết, rượu vang đang được tiêu thụ mạnh. Mức giá phổ biến 450.000-500.000 đồng/chai. Một số loại rượu có giá khá cao như  W, H... bán khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/chai cũng được nhiều đơn vị, cá nhân mua.. Thậm chí, rượu J giá trên 10 triệu đồng/chai cũng có khách đặt hàng.

Tại các siêu thị, rượu ngoại cũng đang hút hàng, trong khi giá cả cao ngất ngưởng. Tại siêu thị Big C, Co.op Mart… loại rượu mạnh R đựng trong hộp giấy sang trọng, bắt mắt được tìm mua rất nhiều với giá khoảng 750.000 đồng/chai 750ml. Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng - cho biết, các thương hiệu rượu như C, J, R... được chọn mua nhiều với đủ mức giá khác nhau, từ vài trăm ngàn/chai đến 4-5 triệu đồng/chai. Các loại rượu này được các nhà nhập khẩu cung ứng số lượng không hạn chế. Trong khi đó, kệ rượu tại hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng rất phong phú, giá từ 200.000 đồng/chai đến 7 triệu đồng/chai.

Tương tự thị trường rượu, bia nhập khẩu mặc dù được dùng cho thị phần tiêu dùng cao cấp vì có giá từ 20-70 ngàn đồng/chai (thay vì 7.000-8.000 đồng/chai hoặc lon của bia sản xuất trong nước) nhưng vẫn được tiêu thụ với số lượng lớn. Một số đại lý chuyên về bia, nước giải khát cho biết các thương hiệu như Leffe, Corona, Asahi, Bitburger... đã trở nên phổ biến trên thị trường. Bia Leffe giá tới 65.000 đồng/chai với hai loại bia vàng và bia nâu, bia Royal Dutch của Hà Lan giá 21.500 đồng/lon 500ml, thương hiệu bia Đức OEI Stinger giá 30.000 đồng/lon 330ml... được nhiều người tiêu dùng chọn mua để thưởng thức vì có hương vị lạ. Trong khi đó, theo các chủ đại lý, giá bia rượu bán lẻ trên thị trường mùa tết này đã tăng 10-15% so với tết trước, nguyên nhân chủ yếu do tác động từ giá USD tăng…

Vũ Vân Anh

Đọc thêm