Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Đảm bảo phát triển an toàn, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, an toàn, bền vững.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững hậu thuẫn cho thị trường BĐS. (Ảnh minh họa)
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững hậu thuẫn cho thị trường BĐS. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng vấn đề trước mắt cần rà soát những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý để các doanh nghiệp (DN) BĐS có thể triển khai được ngay các dự án còn dở dang, các dự án vì vướng pháp lý mà chưa triển khai được, qua đó sớm đưa các dự án vào hoạt động, bán được sản phẩm, giải quyết được các khó khăn về tài chính, nguồn vốn. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư (NĐT) yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu.

Thứ ba, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các NĐT chuyên nghiệp, NĐT dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.

Thứ tư, tiếp tục theo dõi, yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của NĐT. Yêu cầu các DN nếu có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các NĐT để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

Thứ năm, đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của DN phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin NĐT. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm nếu có…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông ổn định tâm lý, tạo dựng niềm tin của NĐT, giúp các DN, NĐT an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự tham gia của các định chế, NĐT chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển NĐT dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, DN bảo hiểm.

Thứ sáu, bên cạnh các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách để củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định, hỗ trợ thị trường nói chung bao gồm cả thị trường BĐS.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua, nhiều DN BĐS có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà. Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như rủi ro về dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu DN.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị việc rà soát, sửa đổi các vướng mắc chính sách tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định, minh bạch. Nghiên cứu xây dựng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS, bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS đảm bảo DN phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng và các địa phương giám sát việc tuân thủ các chỉ tiêu an toàn tài chính nêu trên. Cùng với chính sách tín dụng được điều hành hài hòa sẽ góp phần giúp lĩnh vực BĐS vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Đề xuất Chính phủ mua lại trái phiếu doanh nghiệp

Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh việc sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Chính phủ nên cho phép các DN phát hành thoả thuận với người mua TPDN để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các NĐT được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp. NĐT có thể chuyển nhượng TPDN cho nhau, người nắm giữ TPDN coi như người góp vốn đầu tư chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.

Với một số dự án BĐS quan trọng (về qui mô, tính chất loại hình BĐS và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các DN có nguy cơ sẽ bán lại cho các NĐT nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các TPDN (với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua TNDN); chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn. Trong trường hợp này, không nên hình sự hoá đối với DN mà để họ có cơ hội tiếp tục các hoạt động phục hồi dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nợ của Nhà nước.

Đọc thêm