Thị trường vàng, quản chứ… không cấm?

Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sửa lại Nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xoá bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do khiến một bộ phận người dân lo lắng. Việc đưa thị trường vàng vào khuôn khổ sẽ được làm thế nào, liệu cơ quan quản lý sẽ quản hay là cấm?.


Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sửa lại Nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xoá bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do khiến một bộ phận người dân lo lắng. Việc đưa thị trường vàng vào khuôn khổ sẽ được làm thế nào, liệu cơ quan quản lý sẽ quản hay là cấm?.

Tích trữ ít, đầu cơ nhiều

Mới đây, trong hội thảo “Thị trường vàng- Những vấn đề đặt ra”, ông Nguyễn Thanh Trúc - Giám đốc Cty kinh doanh vàng bạc, Ngân hàng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn Việt Nam (AAA) kể: Người nông dân ở vùng ĐBSCL mỗi khi xong vụ thu hoạch, để dành được chút đỉnh họ lại đem tiền đó mua vàng để dành. Có người cả đời tích trữ không được nhiều, thế mà khi nghe rộ lên tin đồn về việc không được giữ vàng miếng, họ mang cả đến nằng nặc đòi đổi sang vàng trang sức.

“So sánh, tuổi và giá trị vàng trang sức không bằng vàng miếng,  chưa  kể còn bị tính thêm công đánh, lúc bán sẽ rất thiệt. Dù chúng tôi đã khuyên, nhưng do sợ không được giữ vàng miếng, họ nhất định đòi đổi”. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Cty vàng bạc đá quý SJC, “đại gia” có thị phần tới 90%  trên thị trường vàng miếng, cũng vừa cho hay: Ngay sau khi có Nghị quyết 11/NQ-CP,với những thông tin liên quan đến “siết” lại thị trường kinh doanh vàng miếng tự do, lượng mua bán giao dịch của SJC đã giảm 30%-40% so với trước.

vang.jpg

Câu chuyện mua - bán vàng nếu chỉ dừng ở việc người dân coi như một tài sản để dành thì có lẽ chẳng có gì đáng bàn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế mổ xẻ: Dăm năm trở lại đây, kể từ khi thị trường Việt Nam liên thông với nước ngoài, thị trường tài chính trong nước phát triển, chiếc bình thông đáy vàng, ngoại tệ - chứng khoán- bất động sản đã được một bộ phận người Việt “thức thời” nhanh chóng biến thành cơ hội kiếm tiền.

Hãy hình dung, họ quay vòng rất nhanh. Hôm nay, các đại gia sở hữu một dự án đất, mai đã chuyển hoá thành tiền vào tài khoản, rồi “biến” sang cổ phiếu hô “dâng” sóng trên thị trường; sau khi rút được một mớ, họ lập tức chuyển hoá thành ngoại tệ hoặc thành vàng. Nếu gọi họ là những nhà “lướt sóng” thế hệ F1 thì những bộ phận nhà đầu tư ăn theo sau đó là thế hệ F2, F3, F4... cho đến những người dân “vét” thông tin cuối cùng là thế hệ Fn.

Một "đại gia" trong giới kinh doanh vàng Hà Thành chia sẻ, ông có những khách hàng ruột, mỗi lần gọi điện đến thường lấy vài trăm lượng, "quân" của ông toàn xách cả va li đi đưa vàng. Có khách quen còn cho người mang tiền tỷ đến mua cả trăm cây xong cũng không thèm lấy vàng thật về mà cứ để đấy đợi thị trường có “sóng”, họ lại “lướt” thu lời. “Không chỉ nhà đầu tư lớn mà cả những nhà đầu tư nhỏ chỉ sở hữu vài cây vàng cũng tính chuyện lướt sóng”, ông bật mí.

Cùng xu hướng tăng giá của vàng trong những năm gần đây,  nhu cầu mua vàng tích trữ vàng trong nước tăng lên đột biến. Vì sao dân Việt đẩy mạnh xu hướng tích trữ vàng? Ngoài thói quen tập quán, theo ông Nguyễn Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - cần lưu ý thêm trong bối cảnh trong 10 năm từ 2000-2010, đồng đô la mất giá 37,5% trong khi giá vàng lên giá 464%. Chỉ số vàng dự trữ của các nước đều tăng, cả thế giới đang sốt vì vàng và nhu cầu đang tiếp tục tăng lên. Nhưng sâu xa, nhà kinh doanh này  thừa  nhận: “Trong những đợt sốt bất thường hai năm trở lại đây, đã có những lần thị trường vàng chứa  nhân tố đầu cơ và bị làm giá.”

Quản, không để dân “đánh liều”

“Ai cũng biết, từ lâu mua trữ vàng trở thành thói quen tập quán của người Việt Nam. Bản thân tôi rất coi trọng việc vàng là tài sản chính đáng của dân; tuy nhiên,  2 năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng thị trường vàng và  ngoại tệ bị giới đầu cơ lấn bước, rồi  trong lưu thông, vàng miếng (trọng lượng tương đương 10 chỉ) thậm chí ở nhiều nơi nhiều chỗ đã trở thành phương tiện thanh toán. Nếu ai cũng biến vàng thành công cụ cất trữ hoặc đầu cơ thì làm sao tài sản đó có cơ hội chuyển hoá thành tiền và đưa vào lưu thông,  tạo ra của cải vật chất giúp xã hội tăng trưởng?”, trước áp lực của dư luận về thông tin cấm lưu trữ vàng miếng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu suy  tư .

Theo Thống đốc NHNN,  nói tiến tới xoá bỏ thị trường vàng thì người dân cần hình dung không có nghĩa là “đánh rụp” cắt hết các kênh kết nối ngay lập tức mà sẽ làm một cách bài bản. có lộ trình… “Nghị định nếu ban hành cho đến khi có hiệu lực thì vẫn có thời gian (độ trễ) để điều chỉnh. Giả sử giá vàng trong nước mà thấp hơn giá vàng thế giới có thể tính đến  phương án uỷ thác qua một số tổ chức mua để cân bằng thị trường hoặc cho phép xuất khẩu vàng nữ trang để thu ngoại tệ.”- ông nói.

Một quan chức NHNN gánh  trách nhiệm trong việc xây dựng đề án về thị trường vàng nói đến động cơ siết thị trường này: “Nhu cầu của người dân sử dụng và nữ trang là chính đáng nhưng trong khi giá vàng thế giới đang có nhiều bất ổn, nằm trong tay các quỹ đầu cơ, không thể để người dân cũng “đánh liều” với vàng như thế. NHNN sẽ có những bước tính toán cụ thể nhưng mục tiêu chính vẫn là tránh việc đầu cơ trên thị trường đẩy giá vàng trong nước cách xa thế giới cũng như làm giàu đáng kể cho một bộ phận đầu cơ vàng, ngoại tệ”.

Bất luận thế nào, không thể phủ nhận thực tế sự tồn tại từ lâu đời của thị trường vàng Việt Nam. Thống kê sơ bộ trên cả nước hiện có hơn 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc; gần chục thương hiệu vàng miếng (vàng SJC, Rồng vàng Bảo Tín- Minh Châu, 3 chữ A, vàng Sacombank, Vàng Đông Á....).  Khi cơ quan quản lý cấm sàn vàng hoạt động (vì có mặt trái như một hình thức đánh bạc, rất nhiều nhà đầu tư mất tiền), hay không cho phép các ngân hàng, DN được kinh doanh vàng trên tài khoản với quốc tế,  sự ảnh hưởng mới chỉ chạm tới một bộ phận đúng nghĩa là đầu tư và đầu cơ.

Còn hạn chế gửi tiết kiệm bằng vàng, cấm mua bán vàng miếng trên thị trường tự do, hay chỉ cho phép giao dịch theo một chiều bán ra (nghe nói Dự thảo Nghị định đang tính đến) câu chuyện đã “xoay” sang một hướng khác bởi đối tượng động chạm lớn nhất là đại bộ phận người dân.  Ví thị trường vàng như một sơ đồ chưa hoàn chỉnh do còn thiếu các điểm nối giữa vàng-  ngân hàng -  sàn giao dịch, bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - thừa nhận, nếu chỉ được mua bán vàng trang sức, người dân sẽ bị thiệt vì vàng không tiêu chuẩn, không gửi được tiết kiệm. “Chỉ nên thu hẹp các tổ chức kinh doanh vàng thay vì cấm.”- bà Hương đề xuất.

Sắp xếp lại thị trường theo hướng quản lý tốt hơn, có giải pháp sao cho người dân nhận thấy thay vì giữ vàng ở nhà nên chuyển vào gửi ngân hàng, cùng lúc sẽ có lợi  cho cả bản thân và cả nền kinh tế, đó là quan điểm chung của giới chuyên gia cho đến thời điểm này. Các DN thì mong muốn gì? Ông Nguyễn Thành Long -Tổng Giám đốc SJC đề xuất: NHNN làm đầu mối để nhập khẩu vàng, đồng thời với việc thành lập một Quỹ vàng của Nhà nước từ các nguồn như nhập vàng trực tiếp, mua vàng miếng trong dân và nguồn vàng của các ngân hàng huy động vàng trong dân để sẵn sàng can thiệp vào thị trường vàng trong nước khi có biến động; hoặc linh hoạt xuất - nhập khẩu vàng…

Thạch Thảo  

Đọc thêm