Thiên nhiên "chảy nước mắt" - con người cũng khóc ròng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đất nhiễm mặn, lũ lụt, rừng trọc, núi đồi bị lở, cá chết trắng sông… là những sự cố gây nên nỗi khốn khổ cho con người. Thoạt nhìn, đấy có vẻ là những tai họa thiên nhiên mang đến, nhưng đào sâu vào gốc rễ, đó có hoàn toàn là “thiên tai”?
Tình trạng phá rừng, hủy hoại thiên nhiên đã gây nên những trận thiên tai cực đoan.
Tình trạng phá rừng, hủy hoại thiên nhiên đã gây nên những trận thiên tai cực đoan.

Nước mắt người dân trước thiên tai cực đoan

Năm 2020 có thể nói là một năm nhiều biến cố của người dân Việt. Ngoài sự hoành hành của Covid làm xáo trộn toàn bộ đời sống thì nhiều thiên tai ập đến càng khiến người dân khốn khó hơn.

Trận lũ kéo dài hàng tháng trời ở miền Trung năm ngoái có thể coi là trận lũ lịch sử bởi thời gian kéo dài, quy mô rộng và bởi hậu quả khốc liệt mà nó gây ra cho người dân. Trận lũ diễn ra từ đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7 tháng 10/2020 đến đầu tháng 12/2020 với 4 đợt lũ quét, diễn ra trên diện rộng khiến hàng chục tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.

Những đợt lũ này đã làm gần 300 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế khoảng 30.000 tỷ đồng. Cơn lũ đã phá hủy, trì hoãn, kéo trì nền kinh tế – xã hội của miền Trung nói riêng và ảnh hưởng đến cả nước nói chung.

Cũng trong năm 2020, người dân miền Tây cũng hứng chịu “nạn” do hạn mặn đem đến. Tình trạng hạn mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất khốc liệt, khiến cho cây trái, hoa màu héo úa, cuộc sống người dân rơi vào cảnh khốn khổ vì thiếu nước ngọt. Hàng loạt vườn cây ăn trái của người nông dân “chết đứng” vì mất nước, khô héo, suy kiệt.

Để cứu vườn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, người dân đã phải mua nước với chi phí đắt đỏ. Các đợt hạn mặn trong năm 2020 khiến người dân Đồng bằng sông Cửu Long kiệt quệ, kêu cứu, suy giảm kinh tế. Sau kỳ hạn mặn giữa năm 2020, có hơn 66 ngàn ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.

Giữa năm 2020, người dân Đà Lạt bị một phen kinh hoàng khi núi rác Cam Ly bỗng nhiên đổ ập xuống. Hàng nghìn tấn rác đã đổ xuống vườn nhà dân bên dưới thung lũng. Tại vị trí núi rác sạt lở, nhiều dòng chảy có màu nước đen kịt bốc mùi hôi khó chịu, dòng nước đen ô nhiễm này đã bắt đầu chảy vào khu vực nhà, vườn dân dưới thung lũng. Lượng rác sạt lở cùng nước thải phát sinh áp sát vào khu vực người dân sống và canh tác nông nghiệp khiến đời sống người dân ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đây không phải là lần đầu núi rác Cam Ly ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân chung quanh. Trước đó, núi rác đã một lần đổ sụp xuống cũng ở vị trí cũ. Núi rác này cũng từng bốc cháy ngùn ngụt nhiều ngày, khói độc hại hôi thối tràn cả vào nội ô thành phố.

Năm 2020 đã ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử và hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển xảy ra trên diện rộng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm từng cho biết, nhìn vào diễn biến trong năm 2020 cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. Ngay trong ngày đầu năm mới, chúng ta đã chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng.

Nét rõ ràng nhất của biến đổi thời tiết là từ đầu tháng 5, hoa sữa đã nở rộ cùng với bằng lăng, phượng vĩ trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội. Sau đó xuất hiện nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn, mưa lớn cục bộ, lũ lụt cũng sâu, diện rộng, kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Có thể thấy, năm 2020 vừa qua là một năm mà nhiều đợt thiên tai đã ghi “kỉ lục”, đã trở thành “lịch sử”.

Những năm gần đây, cư dân các đô thị lớn cũng nhiều lần chứng kiến những đợt ngập cục bộ, ngập toàn phần, nước ngập đến nửa bánh xe, có lần còn cuốn trôi mất người giữa thành phố lớn.

Lũ lụt miền Trung gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Lũ lụt miền Trung gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thiên tai hay nhân tai?

Một điều dễ nhận thấy, đó là thiên tai, hạn hán, ngập mặn, sạt lở… càng về sau diễn ra ngày càng nghiêm trọng với quy mô lớn hơn, nhiều tỉnh, thành ảnh hưởng, thiệt hại cũng nặng nề hơn.

Các nhà khoa học đã gọi đây là những trường hợp thiên tai bất thường, cực đoan. Nhưng có thật, đó là do bàn tay của thiên nhiên đang đe dọa đời sống con người?

Nếu nhìn nhận một cách thực tế, sâu rõ vào những tai họa từ thiên tai mang đến cho con người trong những năm vừa qua, có thể thấy, đa phần trong số đó có nguyên nhân bắt nguồn từ cách mà con người hành xử với thiên nhiên.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,... ngày càng nghiêm trọng là do tình trạng rừng bị tàn phá.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng, một con số đáng sợ.

Những cánh rừng mất đi đều do lòng tham của con người. Đi ngang qua những rừng cây bát ngát ở Tây Nguyên, bên trong đã trở thành rừng thưa, bị đốt trụi cho mục đích làm nương rẫy của người dân. Những cánh rừng thông Lâm Đồng, nhiều nơi bên ngoài rậm rạp, nhưng bên trong đã thành đồi chè, đồi cà phê. Những cây thông bị lén lút đổ thuốc độc cho chết khô, bị hạ lén lút trong đêm. Những cánh rừng ngã xuống cho dự án khu du lịch, nhà xưởng mọc lên…

Sự mất rừng đã dẫn đến mất đi lực lượng chắn gió, chắn nước lũ từ thượng nguồn, chắn đập mặn. Và kết quả là bão, lũ, hạn hán, ngập mặn gây khổ cho con người.

Rồi, núi rác ập xuống, đó cũng đâu phải chuyện từ trên trời giáng xuống? Bãi rác Cam Ly cả trăm nghìn tấn rác nhưng không được xử lý mà chỉ được chôn lấp tạm bợ, lại nằm ở khu vực cách nội ô TP Đà Lạt khoảng 2km đường chim bay và cách khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm chỉ khoảng 1km. Sự cẩu thả ấy cộng với cận kề khu dân cư, núi rác đã trở thành mối nguy tiềm ẩn, sẵn sàng đe dọa đời sống người dân bất cứ lúc nào, chỉ cần tác nhân là một cơn mưa to.

Rồi cả tình hình ngập nước tại các thành phố lớn nữa. Chẳng phải đó cũng từ biến đổi khí hậu do con người phá rừng, do lượng rác thải gây nghẽn các đường ống dẫn nước hay sao?

Những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân bảo vệ môi trường đã lên tiếng thức tỉnh con người. Những người trẻ ra bãi biển nhặt rác. Những cuộc triển lãm, những bộ ảnh cho thấy thiên nhiên đang “khóc”, đang “rên xiết” trước sự tàn phá của con người, vì những mối lợi lộc trước mắt.

“Nước mắt” của thiên nhiên đổ ra bao nhiêu, con người sẽ bị gánh lấy gấp nhiều lần. Sự tác động xấu của con người vào thiên nhiên khiến con người phải nhận lại đúng như những gì mình đã gây ra.

Hãy thức tỉnh, đó là thông điệp mà những người yêu thiên nhiên, bảo vệ mội trường đưa ra. Chỉ cần vài hành động nhỏ như trồng thêm cây xanh, hạn chế rác thải nhựa, không ủng hộ sản phẩm từ gỗ quý thiên nhiên, đó đã là góp phần vào bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Hành tinh của chúng ta vẫn là một hành tinh xanh. Nếu con người sống có trách nhiệm, bớt đi sự tham lam và vô ơn đối với thiên nhiên thì may ra đến các thế hệ sau, sau này nữa, hành tinh ấy vẫn còn xanh.

Đọc thêm