“Bắc Việt có một lực lượng hải quân vô địch”
Năm 1965, “sự kiện Vũng Rô” là cụm từ chính quyền Sài Gòn nhắc đến rất nhiều trong các báo cáo. Và mãi tới gần chục năm sau đó vào những năm 1971, 1972 trong các nghiên cứu về lịch sử, quân sự của mình, người Mỹ vẫn nhắc đến “sự kiện Vũng Rô” với một sự khâm phục không giấu giếm.
Để có thể hiểu “lực lượng hải quân vô địch của Bắc Việt” đã khiến người Mỹ và chính quyền Sài Gòn khiếp sợ, cần phải nhìn lại cả một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc đã gắn liền với những cụm từ nghìn đời lưu danh: “tàu không số” và “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Cách đây hơn 50 năm, để đáp ứng việc cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Quân khu V và quân dân tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ đó tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang mở chiến dịch Đông Xuân 1964-1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã đề nghị Trung ương chi viện vũ khí qua đường biển.
Căn cứ từ địa thế Vũng Rô có địa hình phù hợp, được các dãy núi cao Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả 3 hướng Bắc, Đông, Tây, trong vịnh lại có nhiều bãi nhỏ như Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Hàng, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhãn, Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị bến bãi tiếp nhận hàng hoá, vũ khí để chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Đắk Lắk.
Ngày 28/11/1964 đã đi vào lịch sử bản hùng ca giữ nước với chuyến tàu không số đầu tiên do ông Hồ Đắc Thạnh - một người con ưu tú của tỉnh Phú Yên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - làm thuyền trưởng cập bến Vũng Rô bàn giao cho bến 63 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường khu V và Tây Nguyên…
|
Đài tưởng niệm di tích lịch sử Vũng Rô. |
Nắm đất nghĩa tình
Trong số những lần cập bến Vũng Rô của con tàu 41 anh hùng của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thì có một lần vào đúng vào đêm 30 Tết. Đó là lúc 23h50 ngày 31/1/1965 tàu 41 đã vào Vũng Rô đúng vào thời khắc giao thừa đón xuân Ất Tỵ (1965).
Kể lại với báo chí nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chuyến tàu không số đầu tiên cập bến Vũng Rô vào năm 2014 , thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh bồi hồi nhớ lại: “Tập thể tàu 41 hạ quyết tâm tạo yếu tố bất ngờ, bảo đảm chuyến tàu thứ ba cập bến Vũng Rô an toàn đúng vào thời khắc giao thừa. Xuất phát tại cảng Hải Phòng chiều 27 Tết, sau 3 ngày vượt sóng to, gió lớn, lách tránh các tàu địch tuần tiễu, 23h50 đêm 30 Tết, tàu 41 thả trôi giữa Vũng Rô, bắt liên lạc với bến”.
Đúng thời khắc giao thừa, bến và thuyền bắt liên lạc với nhau, một cuộc liên hoan đơn sơ mừng Tết Ất Tỵ được tổ chức trên nắp khoang hàng, dưới vòm lá ngụy trang. Tàu neo lại Bãi Chính ngày mùng 1 Tết cùng bến bốc dỡ hàng. Một lượng cát Vũng Rô được chuyển ngược xuống tàu để tàu đằm ổn định khi trở ra khơi đối mặt với sóng to, gió lớn.
Cũng tại thời điểm đó một sự kiện cảm động đã diễn ra và nay đã đi vào sử sách của tỉnh Phú Yên cũng như được nhiều người dân Phú Yên biết đến. Đó là, trong đêm tối, một cô gái cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và nói: “Bà con Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên trung, bất khuất một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Nay có vũ khí của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công”.
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh lặng người xúc động tiếp nhận nắm đất Vũng Rô như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt. Nắm đất thiêng Vũng Rô đã được các thủy thủ nâng niu, gìn giữ suốt chặng đường vượt biển, hiện đang đặt trang trọng trong Bảo tàng Quân chủng Hải quân.
Sau này khi chiến tranh kết thúc, ông Hồ Đắc Thạnh về công tác ở Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và có ý đi tìm cô giao liên đã trao cho mình nắm đất ngày ấy. Nhưng phải đến năm 2004 ông mới tìm thấy, đó chính là bà Nguyễn Thị Tản, vào năm 1965 bà là du kích xã Hòa Hiệp.
Điều thiêng liêng còn mãi
Ngày nay, ở Vũng Rô có một vị trí trên biển lúc nào cũng tung bay lá cờ Tổ quốc và mỗi khi đến đây, nhiều du khách, nhất là những người đã từng sống vào thời kỳ đất nước có chiến tranh, trầm tư mặc niệm. Đó là vị trí đánh dấu nơi con tàu không số mang ký hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thiêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy, đã chìm.
Lịch sử ghi lại, ngày 10/2/1965, con tàu mang ký hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thiêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy cùng 16 cán bộ chiến sĩ rời cảng K20, chở 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô. Tàu cập bến lúc 23h đêm 15/02/1965, lực lượng du kích xã Hòa Hiệp và cả Tiểu đoàn 83, bộ đội chủ lực Quân khu 5 đã tập trung bốc dỡ hàng vào các kho ở hang núi nên chỉ sau 4 tiếng đồng hồ số hàng trên tàu đã được bốc dỡ hết. 3h sáng, tàu nhổ neo ra biển, nhưng neo bị hỏng.
Khi sửa xong neo thì trời đã sáng nên không thể quay tàu ra biển được. Phía trên bến Vũng Rô là quốc lộ, xe quân sự địch qua lại rất nhiều, đỉnh Đèo Cả có đồn địch đóng, phía biển có đồn Mũi Điện, tình thế rất nguy hiểm. Thuyền trưởng cho tàu ép sát vào vách núi, lợi dụng vách đá và tán cây để che giấu tàu. Các thủy thủ và du kích nhanh chóng chặt các cành cây để phủ lên ca-bin và boong tàu để ngụy trang.
Tuy nhiên, địch đã phát hiện ra. Một tài liệu lưu tại phòng quân báo Hải quân Mỹ cho biết, lúc đó khoảng 10 giờ ngày 16/2, một chiếc máy bay tải thương HU1B của Mỹ bay dọc quốc lộ 1 từ Quy Nhơn về Nha Trang. Khi bay qua Vũng Rô, viên phi công JS. Bowra phát hiện “mỏm đá” nhô ra khác thường, đã báo về Bộ chỉ huy khu vực duyên hải Nam Trung bộ ở Nha Trang của Mỹ. Sau đó địch điều một máy bay trinh sát bay tới Vũng Rô, ném xuống chỗ tàu một quả pháo mù chỉ điểm mục tiêu. Tiếp đến, một tốp máy bay khu trục A-1 Skyraiders lao đến bắn một loạt tên lửa làm cho lá ngụy trang trên tàu bốc cháy. Tàu 143 đã bị lộ.
Từ đó cuộc chiến đấu sinh tử đã xảy ra, kéo dài cả tuần lễ. Địch liên tục cho máy bay đến ném bom. Ngày 17/2/1965, địch cho tàu chiến, trực thăng đổ quân để bắt sống các thủy thủ, chiếm tàu. Đương đầu với mấy tiểu đoàn bộ binh, hàng chục chiếc máy bay của địch, bên ta chỉ có một trung đội du kích, 2 tiểu đội vũ trang địa phương và 18 anh em thủy thủ tàu 143, thế mà địch không tài nào vào được khu vực bến Vũng Rô.
Tối 17/2, một tổ công binh được phái đến dùng bộc phá hỗ trợ để hủy tàu, song vì bộc phá gài sẵn của tàu vẫn không nổ, nên tàu không phá hủy hoàn toàn được trước khi chìm. Gần một tuần đánh nhau với lực lượng địch đông gấp nhiều lần, sức lực anh em yếu dần, một số người bị thương và hy sinh, chỉ huy quyết định phá vòng vây rút lên rừng.
Vĩ thanh
Ghi nhận địa danh, dấu ấn lịch sử của bến Vũng Rô và tàu 41, năm 1986, Vũng Rô được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”. Đến với Vũng Rô hôm nay, bên cạnh những di tích lịch sử còn lưu danh, có thể cảm nhận sự chuyển mình của “mảnh đất kiên trung, bất khuất một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ” mà nữ du kích Nguyễn Thị Tản đã nói với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh năm xưa.
Vũng Rô hôm nay là một vùng đất có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh ở tỉnh Phú Yên. Khu vực này đã được tỉnh Phú Yên đưa vào quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm Đông Tác - Vũng Rô. Ngoài quốc lộ 1A, Vũng Rô đã được nối thông với Khu công nghiệp Hòa Hiệp, sân bay Đông Tác và thành phố Tuy Hòa bằng tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà với tổng số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Không chỉ tạo thành trục giao thông động lực cho vùng kinh tế trọng điểm này, đường Phước Tân - Bãi Ngà còn mở ra những tiềm năng du lịch với những bãi tắm rất đẹp như Bãi Tiên, Bãi Chùa, núi Đá Bia, Mũi Điện. Đòn bẩy phát triển của Vũng Rô là cảng biển nước sâu với một cầu cảng trọng tải hơn 3.000 tấn, cùng nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác. Cầu cảng Vũng Rô chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2004 và đã trở thành một nơi nhộn nhịp tàu bè ra vào giao nhận hàng…
Đi cùng tôi trong suốt chặng đường thăm lại bến Vũng Rô, thấy tôi trầm ngâm đứng đọc lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc trên phiến đá nhìn xuống bến Vũng Rô: “Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ; của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước; của sức mạnh tinh thần và trí tuệ của dân tộc Việt Nam đã đánh thắng sức mạnh vật chất hiện đại của đế quốc Mỹ”, ngư dân Nguyễn Văn Bên vốn tính ít nói, cục mịch của dân miền biển bỗng dưng trở nên nhiều lời.
Anh cất lời bằng chất giọng Phú Yên đặc sệt: “Tôi sinh ra khi đất nước đã bình yên rồi nhưng qua những lời kể của cha mẹ, sách, báo..., tôi cũng hình dung được về sự khôn khéo, thông minh, gan dạ, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh. Chúng tôi bây giờ luôn nhắc con cái mình chăm chỉ, chịu thương chịu khó lao động để làm giàu cho bản thân và xã hội. Nghề biển đi khơi đi lộng đầy hiểm nguy sóng gió, nhưng cứ về nhìn thấy lá cờ Tổ quốc ở Vũng Rô là thấy yên lòng”.