Trong chiến tranh biên giới, ông Nông Văn Niêm (81 tuổi) là một trong những dân quân anh dũng ở thôn Nà Sác, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã cầm súng trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội.
Ký ức của người thương binh già
Nhà ông Niêm nằm tựa lưng vào chân núi đá, nơi mà trước kia bộ đội ta đã trực tiếp chiến đấu với giặc Tàu. Vợ chồng ông Niêm sinh được 7 người con, hiện cả 7 người con đã ra ở riêng. Ngôi nhà này chỉ con hai vợ chồng già cùng chung sống. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới năm 1979, ông Niêm là một trong những người cùng cầm súng, trực tiếp chiến đấu với bộ đội. Trong các trận đánh, ông Niêm đã có rất nhiều sáng tạo trong quá trình chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ đất nước.
Ông Niêm tâm sự: “Vào tháng 2 năm 1979 khi chiến tranh biên giới bùng nổ, cả thôn Nà Sác này đi sơ tán hết. Mọi người đi, chứ tôi nhất quyết ở lại để giữ làng, giữ cột mốc biên giới. Khi đó tôi là tiểu đội trưởng dân quân, được trực tiếp cầm súng chiến đấu ở trên đồi...”. Vừa nói chuyện ông Niêm vừa hồi tưởng lại những ký ức trong cuộc đấu tranh. Dù tuổi đã cao nhưng khi kể lại quá trình bảo vệ Tổ quốc, ông Niêm vẫn còn nhớ như in những ngày đầu phải cầm súng, đối mặt với kẻ thù.
Ông Niêm dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, và cho biết đây đều là nơi tập kết pháo binh, xe tăng và bộ binh của giặc. Để tái hiện lại quá trình chiến đấu, ông Niêm còn dẫn chúng tôi trèo lên hầm chốt ở trên đỉnh núi.
Ông bảo: “Tôi tuy già rồi nhưng vẫn còn khỏe lắm, không sợ leo núi đâu nhà báo à”. Ông Niêm có dáng người nhỏ nhắn nhưng bước chân vẫn nhanh thoăn thoắt, thoắt ẩn thoắt hiện, lắt léo trên những viên đá tai mèo mà không hề tỏ ra mệt nhọc. Có lẽ ký ức chiến đấu năm xưa đã ùa về nên bước chân ông khỏe khoắn, nhanh nhẹn hơn lên.
Ông Niêm đứng trên điểm chốt và chỉ về phía Cửa khẩu Sóc Giang |
Theo chân vị cựu binh già lên núi, chúng tôi mới thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ngọn núi nơi mà ông Niêm chỉ huy có hướng nhìn thẳng về phía cửa khẩu Sóc Giang và bao quát toàn bộ khu vực thôn Nà Sác. Chốt của ông Niêm trực chiến là một cái hầm, phía ngoài được bao bọc bằng đá hộc, có lỗ để thò nòng súng thượng liên ra ngoài. Đứng ở đỉnh chốt ông Niêm bảo: “Lúc đó có một đồng chí trực chiến ở chốt này. Khi quân Tàu họ bắn đạn lên, đồng chí này kiên cường bám chốt nên bị trúng đạn và hy sinh”.
Qua rất nhiều lần va chạm với quân Tàu, ngày 29/2/2005 ông Niêm bị thương ở ngực. Hôm đó ông Niêm nhận nhiệm vụ tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ Nà Khum. Do lính của Trung Quốc đông, chúng lại ném gạch đá tới tấp nên ông né tránh không kịp. Ông Niêm bảo: “Sau khi bị thương, tôi đi giám định bị thương tật 21% và được công nhận thương binh. Thương binh như tôi, ở vùng biên giới Sóc Hà này nhiều lắm. Đất của Tổ quốc, của Bác Hồ dù có chết chúng tôi cũng phải giữ bằng được”.
Cuộc chiến giữ mốc biên giới nơi “họng súng”
Sau rất nhiều lần đụng độ, các cột mốc 112 ở xã Nà Sát, cột mốc 113, 114 ở cửa khẩu, 115 ở trên đồi cho đến cột mốt 117 đều được ông Niêm cùng bà con bảo vệ.
Ngày 7/6/1997, Nhà nước ta bắt đầu khởi công xây dựng Cửa khẩu Sóc Giang. Thấy vậy quân đội Trung Quốc liền điều 10 binh sĩ mang súng AK vượt qua cột mốc 114, chĩa súng vào các chiến sĩ Biên phòng nhằm phải đối việc xây dựng cửa khẩu.
Cửa khẩu Sóc Giang được xây dựng vào tháng 6 năm 1997 |
Nhớ lại những ngày đầu tháng 6/1997 khi xây dựng trạm Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng), ông Niêm kể lại: “Hôm đó tôi đang cuốc đất ở phía sau nhà thì thấy bà vợ hớt hải gọi với ra bảo: Quân Tàu chĩa súng vào Bộ đội Biên phòng rồi, ông về ngay. Nhanh như cắt, tôi vừa chạy vừa hô mọi người ra cửa khẩu chỗ cột mốc 114 (nay là mốc 647) ngay, lính Trung Quốc tràn sang rồi. Mọi người rầm rập kéo lên thì đã thấy chúng đang chĩa súng vào cán bộ huyện và Bộ đội Biên phòng ở cửa khẩu”.
Thấy sự việc xảy ra, ông Niêm cùng bà con bản làng đứng xếp thành hàng trật tự ở phía sau bộ đội, tuyệt đối không manh động. Lúc đó ai cũng nắm tay giơ lên bảo: “Đất này của Việt Nam! Lính Trung Quốc về đi!”. Chúng thấy hàng trăm người dân thuộc các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hòa kéo lên rùng rùng nên chỉ sau chừng 30 phút, lính Trung Quốc chùn chân và lui dần chứ không dám dọa nữa. Lúc đầu chúng cũng hung hăng lắm, định đánh đập công nhân xây dựng của khẩu. Nói thật với các anh, dân chúng tôi nghèo tiền bạc chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc thì giàu lắm”.
Theo ông Niêm, chúng thấy người dân chạy ra đông, phía biên giới Trung Quốc trên các ngôi nhà cao tầng, lính họ đã tràn ra hết, lăm le chĩa súng vào người dân của ta. Thấy vậy, ông Niêm lấy bình tĩnh và hô rằng: “Bà con đừng sợ, mình là con cháu Bác Hồ, phải quyết giữ lấy biên giới, đây không phải đất của giặc Tàu đâu. Thấy tôi nói vậy bà con ai cũng ào ào xông lên, miệng hô không được lấy đất của Bác Hồ, của Việt Nam, phản đối Trung Quốc. Tôi lao vào đẩy bật họng súng đang chĩa vào ngực. Chúng thấy người dân mình lao lên nhiều nên không ai dám làm gì”.
Ông Niêm cười khi kể lại việc lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực mình |
Nói về việc bảo vệ cột mốc biên giới, ông Lương Xuân Hóng (68 tuổi, thôn Nà Sác) cho biết: “Vấn đề tranh chấp, hoạch định biên giới từ chỗ làng đế Bò Sàn, Lũng Cát là rất khó. Hồi xưa tất cả tầng lớp đều phải đấu tranh để giữ cột mốc. Chúng tôi là giáo viên cấp hai, thời gian đó ai cũng phải đấu tranh để bảo vệ biên giới. Sau đó tôi lại về huyện làm Chủ tịch Công đoàn, nhưng đều dựa trên tinh thần là bảo vệ biên giới. Việc bảo vệ biên giới là sự đoàn kết dân tộc, nên không một kẻ thù nào xâm phạm được”.
Theo ông Niêm, trước đây bản làng chỉ có 10 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Việc canh tác, khai khẩn đất đai trên mảnh đất này không ít người phải bỏ mạng vì cuốc phải mìn. Tuy có sự khó khăn nhưng bản làng vẫn bám đất, và hiện nay thôn Nà Sác đã có 50 hộ dân. Cuộc sống của đồng bào giờ đã đổi thay từng ngày.
Trao đổi cũng Trưởng thôn Nà Sác, ông Nông Văn Nhân cho biết: “Thôn này không có ruộng. Ngoài nghề chính là chăn nuôi, thôn không có nghề riêng nên phải dựa vào việc bốc vác ở cửa khẩu để mưu sinh. Họ trả công phụ thuộc vào hàng hóa, nếu hàng về nhiều thì được nhiều, còn hàng về ít thì được ít. Thông thường hàng hóa chủ yếu là nông lâm sản của mình hạ ở cửa khẩu sau đó họ thuê mình bốc vác. Dân ở đây đa phần vẫn còn nghèo, đây lại là thôn đặc thù nên ai cũng giữ vững tinh thần yêu nước. Mất năm nay ở khu vực biên giới này an ninh trật tự vẫn tốt”.