Thiệt đơn thiệt kép vì “bẫy” cạnh tranh trên mạng

(PLVN) - Lập các website giả mạo, thậm chí đóng giả nhân viên để tư vấn sử dụng dịch vụ viễn thông cho khách hàng, người dùng bức xúc vì không được phục vụ như mong muốn, còn doanh nghiệp chân chính đang phải chịu thiệt hại vì các chiêu trò bẩn từ đối thủ cạnh tranh.
Một số website giả mạo.

Giả mạo thương hiệu, sử dụng trái phép hạ tầng

Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được một số phản ánh của bạn đọc tại Đà Nẵng về hiện tượng một số website tự ý khai thác sử dụng tên, logo và các hình ảnh nhận diện thương hiệu của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Hành vi mạo danh này đã gây nhầm lẫn cho nhiều khách hàng, kéo theo những rắc rối không đáng có khi sử dụng dịch vụ viễn thông.

Chị P.T.H.B (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bức xúc cho biết, sau khi tìm hiểu dịch vụ và gói cước của một số nhà mạng, chị đã liên hệ nhân viên VNPT để lắp mạng. Tuy nhiên, 2 nhân viên một hãng viễn thông khác đến nhà bảo với chị là VNPT không có hạ tầng và chuyển hợp đồng cho hãng này cũng như thông báo cho chị sẽ có người gọi xin lỗi, xác nhận không lắp được do không có hạ tầng. Chị B rất không hài lòng vì đã lừa thông tin với chị nhưng do đã thanh toán tiền nên tạm thời chưa hủy được dịch vụ.

Chị T.T.T (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lại phản ánh, gia đình chị tìm số điện thoại báo hỏng của VNPT thông báo về mạng internet và gọi vào số hotline 0911006064 trên mạng lapmangcapquangvnpt.com. Sau đó có người liên lạc với chị và nói rằng khu vực này VNPT đang thay cáp quang, 7 ngày nữa mới hoàn thiện.

Một tuần sau, chị tiếp tục gọi số hotline trên và yêu cầu VNPT không xử lý là sẽ cắt internet. Tiếp đó, một người liên hệ gặp chị tại nhà và khi đến nhân viên này mặc áomột hãng viễn thông khác, tư vấn chị chuyển mạng sang một hãng viễn thông khác và cũng giới thiệu thêm các dịch vụ của mạng này. Chị rất bất ngờ, muốn làm sáng tỏ tại sao hãng viễn thông đó biết địa chỉ và gói cước nhà chị đang sử dụng dù chị không liên hệ.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp khi tìm kiếm trang web của VNPT để phản ánh tình trạng mạng thì tìm được nhiều trang web có logo VNPT. Song khi liên lạc với số điện thoại trên website thì nhận được cuộc gọi phải chờ 15 ngày mới thay thế được đường dây hỏng, hoặc yêu cầu phải thay sang đường dây của... nhà mạng khác.

Hàng loạt trang web giả mạo VNPT đã được lập nên như vnptdanang24h.online - số Hotline giả mạo: 0961 580 510; www.lapmangvnpttelecom - số Hotline giả mạo: 0902 337196 ; banhangvnpt.com/lap-mang-wifi-vnpt-da-nang - số Hotline giả mạo: 0838 006633 ; vienthongvnpt.online - số hotline giả mạo: 0901 956 069

Đại diện VNPT cho biết, các website trên đã sử dụng trái phép bộ nhận diện thương hiệu, logo, giá cước công bố… của VNPT để quảng cáo bán hàng trái phép. Tình trạng giả mạo website đã kéo dài từ năm 2017 đến nay, nhưng riêng từ giữa năm 2021 đến đầu tháng 3/2022 đã có ít nhất 10 trường hợp khách hàng phản ánh vướng phải “bẫy lừa” từ các đối tượng này.

Đại diện VNPT Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố nhiều năm qua đã xảy ra nhiều vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, giả mạo thương hiệu VNPT để quảng cáo bán hàng trái phép. VNPT Đà Nẵng cũng đã áp dụng nhiều giải pháp ngăn chặn các thủ đoạn cạnh tranh bẩn cũng như phòng ngừa lộ lọt thông tin ra ngoài. Hiện đa số các website giả mạo VNPT đều đã được gỡ bỏ trên mạng.

Cẩn trọng để không sập bẫy

Để bảo vệ thương hiệu VNPT cũng như quyền lợi khách hàng, VNPT Đà Nẵng cũng đã có nhiều văn bản báo cáo cơ quan chức năng về việc bị đối thủ mạo danh thương hiệu, cạnh tranh không lành mạnh và sử dụng trái phép hạ tầng của VNPT Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn. Qua làm việc và đối chất giữa các bên cuối tháng 2/2022, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng đã khẳng định một doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm như sử dụng trái phép cơ sở hạ tầng của VNPT Đà Nẵng, giả mạo số điện thoại, tên miền, thương hiệu của VNPT Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Lê Sơn Phong cũng đã giao Sở TT&TT Đà Nẵng hoàn thiện hồ sơ, căn cứ Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý theo quy định. Với các phản ánh liên quan đến mạo danh thương hiệu, giả mạo số điện thoại, tên miền của VNPT Đà Nẵng, giao Thanh tra Sở TT&TT phối hợp với VNPT Đà Nẵng, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP, Phòng Đầu tư và Hạ tầng số làm việc với người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan, tập hợp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ để làm cơ sở đề xuất xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng đại diện VNPT tại Đà Nẵng, Giám đốc VNPT Đà Nẵng cho biết, câu chuyện mạo danh thương hiệu để lừa đảo khách hàng đã kéo dài nhiều năm nay, không chỉ thương hiệu của VNPT bị ảnh hưởng mà quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm.

Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, quan điểm của doanh nghiệp là không đi theo hướng giành giật khách hàng, cạnh tranh thiếu lành mạnh, mà xây dựng thương hiệu uy tín với chữ tín hàng đầu, sẵn sàng cạnh tranh với các nhà mạng khác bằng chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ khách hàng.

VNPT Đà Nẵng đã thực hiện đăng ký Tín nhiệm mạng với Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC) và đã được NCSC cấp nhãn Tín nhiệm mạng để gắn nhãn lên website. Mọi website lợi dụng thương hiệu VNPT Đà Nẵng mà không có nhãn Tín nhiệm mạng của NCSC sẽ bị xem như là mạo danh.

Không chỉ tại Đà Nẵng, VNPT cũng khuyến cáo khách hàng trên cả nước tìm hiểu đúng thông tin trên website chính thức của Tập đoàn, tránh bị rơi vào “bẫy lừa” của các chiêu trò cạnh tranh bẩn.

Đọc thêm