Thiết kế chính sách phục hồi kinh tế cần khoa học, khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp, có tính khả thi cao.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mong chính sách hỗ trợ ổn định, thời hạn phù hợp

Tại “Diễn đàn doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, khảo sát gần đây của VCCI cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% DN tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó; 96% DN gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cũng cho thấy 91% DN đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trước những khó khăn của DN, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ được các DN đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp “cởi trói” cho DN. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. “Vì vậy, các DN mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ được ổn định và có thời hạn phù hợp”, ông Phòng đề nghị.

Đặc biệt, các DN mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các DN xây dựng phương án phục hồi của mình.

Đâu là đột phá?

Các chuyên gia đều thống nhất với định hướng của Chính phủ khi đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh song cũng xác định dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc, cần phải thích ứng để tìm cách ứng phó phù hợp với đại dịch, duy trì việc sản xuất kinh doanh của DN, cũng như tạo công việc, sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất vẫn là triển khai như thế nào?

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định 4 yếu tố then chốt gồm: Yếu tố dịch COVID-19, yếu tố bắt nhịp với đà phục hồi của các nền kinh tế, sự hỗ trợ của Nhà nước và yếu tố bắt nhịp với những xu thế phát triển mới. Trong đó, sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, tin mừng là Chính phủ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, thậm chí đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Điều cần lưu ý là làm sao vừa quản trị được rủi ro từ các chính sách này, đồng thời vừa thực hiện đúng - trúng.

Nhấn mạnh đến “điểm nghẽn” thủ tục hành chính (TTHC) hiện nay, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù trong thời gian vừa qua, khi thiết kế thực thi các chính sách hỗ trợ, nhanh, toàn diện nhưng vẫn gặp phải một số rào cản về TTHC và rào cản về pháp lý.

“Có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về TTHC, trong đó, DN tiếp nhận chính sách tốt nhất là những chính sách không có TTHC như giãn, hoãn thời gian nộp thuế. Còn bất kỳ chính sách nào chỉ cần có một TTHC thôi thì DN đều khó tiếp cận. Rào cản về TTHC không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng DN trong việc tiếp cận chính sách và làm “méo mó” môi trường kinh doanh” - ông Hiếu phân tích và cho rằng, không phải số hóa TTHC mà phải tư duy số, từ đó mới thiết kế ra các chính sách.

“Có rất nhiều bài học trong bối cảnh dịch bệnh. Càng ngày, chúng ta càng nhận ra cải cách thể chế phải được thực thi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, thể chế phải đi trước. Chiến lược phát triển kinh tế có ba đột phá, trong đó có thể chế. Vì vậy, không thể nói hoàn thành cải cách thể chế vào năm cuối cùng của thực hiện chiến lược được. Do đó, những năm đầu tiên của việc thực hiện cải cách phải là thể chế để có dư địa thực hiện tiếp”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm