Thiết kế chương trình cho vay gắn trực tiếp với giảm nghèo bền vững

(PLO) - Trong buổi làm việc đầu Xuân mới Đinh Dậu với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ngày 2/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, trong năm 2017, bước sang tuổi 15, NHCSXH đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm, tham mưu đề xuất cho Chính phủ những giải pháp để huy động được nguồn lực cho vay, đồng thời thiết kế các chương trình cho vay gắn trực tiếp với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn NHCSXH thiết kế chương trình cho vay gắn trực tiếp với xây dung nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn NHCSXH thiết kế chương trình cho vay gắn trực tiếp với xây dung nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về kết quả hoạt động năm 2016, ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH – cho hay, trong năm 2016, đã có trên 2.297 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 493 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 171 nghìn lao động, trong đó có trên 2,7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 74 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 1,3 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 21 nghìn văn nhà cho hộ nghèo, trong đó có gần 5,5 nghìn văn nhà phóng, tránh bão lụt khu vực miền Trung...

Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với màng lưới gần 190.000 Tổ Tiết kiệm và vay vốn và 11.000 Điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được trên 162 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, gần 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nợ quá hạn, nợ khoanh chiếm 0,75%.

Các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đều được thực hiện tốt. Đặc biệt, đối với chương trình tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo, dù mới được triển khai từ tháng 7/2015 nhưng đến 31/122016 đã đạt dư nợ 11.663 tỷ đồng, tăng 8.162 tỷ đồng so với năm 2015 với trên 309 nghìn hộ mới thoát ngèo. Sau 3 tháng triển khai mở dịch vụ huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, đã đạt được kết quả khả quan, số dư tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã đạt đạt 352 tỷ đồng.

Việc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách cũng đã được triển khai đến tận từng chi bộ tại các địa phương. Trong năm qua, nguồn vốn của các địa phương chuyển sang ủy thác cho NHCSXH đã tăng đột biến, đạt 1.888 tỷ đồng, hầu hết các huyện đều có ủy thác cho NHCSXH.

Ông Dương Quyết Thắng cũng cho biết, năm 2017, NHCSXH sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch tăng trưởng tín dụng 8% năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao để chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo khả năng thanh toán, đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững.

Biểu dương kết quả hoạt động của NHCSXH đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, kết quả đó cho thấy rõ sự hậu thuẫn và mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong hoạt động của NHCSXH.

Nhìn vào thực trạng hoạt động hiện nay của NHCSXH và so với nhu cầu sắp tới, gắn với hai chương trình mục tiêu Quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự trăn trở về việc huy động được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn chính sách của người dân. “Ngoài vốn trái phiếu, vốn từ 2% dư nợ tiền gửi của các ngân hàng được chỉ định, vốn huy động từ cư dân, vốn ủy thác từ địa phương..., HĐQT và các cơ quan hữu trách nghiên cứu kỹ xem thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu về vốn, ví như vốn cho vay nhà ở xã hội hiện đang rất bí” – Phó Thủ tướng nói.

Liên quan đến các chương trình cho vay, Phó Thủ tướng mong muốn, qua hoạt động thực tiễn của mình, NHCSXH cần góp ý cho Đảng và Chính phủ đưa ra các chương trình vay, mức vay, phương thức cho vay phù hợp để mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt hiệu quả. “Tôi đề nghị năm 2017 này, NHCSXH tập trung vấn đề cho vay, thiết kế các chương trình cho vay, gắn trực tiêp với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững” – Phó Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHCSXH cần rà soát bộ máy, con người, trang thiết bị, áp dụng CNTT để năng suất lao động cao lên, tiết kiệm chi phí được nhiều nhất, dành nguồn lực để chi phí cho phát triển.

“Năm nay, NHCSXH đã sang tuổi 15. Tôi mong NHCSXH đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm, nghĩ ra kế sách tham mưu cho Chính phủ để huy động được nguồn lực cho vay... Các đồng chí là Ngân hàng của Chính phủ, thay mặt Đảng và Nhà nước thực hiện các chương trình an sinh, giảm nghèo. Qua hiệu quả hoạt động của NHCSXH, người dân thấy uy tín của Đảng, Chính phủ, hệ thống chính trị ở đó” – Phó Thủ tướng nói. 

Đọc thêm