Thiếu kiến thức tài chính, người Việt dễ bị lừa

“Chơi” chứng khoán, “đánh” vàng, cho vay tín dụng đen, tham gia bán hàng đa cấp trên mạng… Quá nhiều “bài học” nhớ đời đã xảy ra trong thời gian qua chỉ vì nhiều người không chịu “học bài”, ít nhất là trang bị những kiến thức cơ bản nhất về tài chính, trước khi rút  tiền  để đầu tư.

“Chơi” chứng khoán, “đánh” vàng, cho vay tín dụng đen, tham gia bán hàng đa cấp trên mạng… Quá nhiều “bài học” nhớ đời đã xảy ra trong thời gian qua chỉ vì nhiều người không chịu “học bài”, ít nhất là trang bị những kiến thức cơ bản nhất về tài chính, trước khi rút  tiền  để đầu tư.

Nạn nhân của
Nạn nhân của "siêu lừa" Bùi Thị Thu Hằng tại Quảng Ninh
Mê lộ các chiêu lừa
Vào google, “sợt” cụm từ “cán bộ ngân hàng lừa đảo”, ngay lập tức cho ra trên 1,5 triệu kết quả. Thủ đoạn thường thấy là, lợi dụng “nhãn” cán bộ ngân hàng, các đối tượng  huy động vốn của nhiều người, nói là để làm “dịch vụ đáo hạn”, rồi âm thầm bỏ trốn. Đương nhiên, riêng cái “mác” ngân hàng thì cũng khó mà lừa, từ khóa quan trọng nhất khiến nhiều người sập bẫy đó là lãi suất “cao”, mức phổ biến từ 3.000-5.000 đồng/triệu/ngày. 
Bên cạnh chiêu lừa truyền thống này, gần đây phát sinh thêm hàng loạt chiêu công nghệ cao. Như vụ Công ty Tâm Mặt Trời, hay vụ MB24. Trong vụ Tâm Mặt Trời, hơn 40.000 người đã sập bẫy lừa của tay tổng giám đốc 8X Nguyễn Hoàng Vũ chỉ vì nghe lời đường mật  về việc được sở hữu một gian hàng điện tử và được mua hàng hóa với giá cực rẻ, đặc biệt là được chiết khấu hoa hồng “khủng” mỗi khi giới thiệu thêm người tham gia. 
Một cao thủ 8X khác, được mệnh danh là “nữ siêu lừa” tại Quảng Ninh, thậm chí đã biết cách phối kết hợp giữa các chiêu lừa truyền thống và hiện đại. Theo đó, Bùi Thị Thu Hằng, vừa biết lợi dụng “nhãn mác” là đại lý Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential nổi tiếng, vừa biết sử dụng cả kỹ thuật in ấn tinh vi, để lừa đảo 64 người với số tiền lên đến hơn 230 tỷ đồng. 
Cụ thể, theo điều tra,  Hằng và đồng bọn lợi dụng là đại lý bảo hiểm của Prudential đã “nổ” với các nạn nhân về những hợp đồng bảo hiểm đã bị khách hàng cũ ngưng đóng tiền, nhưng sắp đến ngày đáo hạn, và nếu dồn tiền mua lại thì mức lãi suất sẽ là cực cao, như cứ đóng 1 tỷ đồng sau 3 tháng sẽ có 500 triệu đồng tiền lãi… Trên thực tế, số tiền các nạn nhân đưa cho Hằng không được dùng để mua hợp đồng thật của Prudential. Hằng và đồng bọn đã bắt tay với một xưởng in, dùng giấy tờ giả để tạo ra những sản phẩm bảo hiểm giả.
“Tiêm vắc xin”
Gần như trong tất cả các trường hợp bị lừa tập thể xẩy ra gần đây, khả năng đòi lại được tiền của các nạn nhân hầu như rất nhỏ, trong khi tài sản bị mất là rất lớn. “Của đau con xót”, nhiều người quy trách nhiệm cho các đơn vị mà “siêu lừa” đã mượn để gắn “mác”.
Như trường hợp ở Quảng Ninh, mặc dù Cơ quan CSĐT công an tỉnh này đã có kết luận điều tra vụ án hình sự, khẳng định “hành vi của Bùi Thị Thu Hằng không có sự bao che, tiếp tay của những người có trách nhiệm thuộc Công ty Prudential Việt Nam”, nhưng một số người vẫn cố “truy vấn” doanh nghiệp, dù hy vọng mong manh.
Thực tế là, quá nhiều bài học nhớ đời đã xảy ra trong thời gian qua chỉ vì nhiều người không chịu “học bài”, ít nhất là trang bị những kiến thức cơ bản nhất về tài chính, trước khi rút  tiền  để đầu tư.
Kinh doanh gì để có thể sinh lời đủ để trả cho khoản lãi vay cắt cổ 5.000 đồng/triệu/ngày? Hàng hóa gì có thể sinh lời đủ để trả cho những khoản hoa hồng môi giới hết nấc này sang nấc khác? Sản phẩm bảo hiểm là để bảo vệ tài chính sao có thể mang lại mức lợi tức kếch xù?... Hàng loạt câu hỏi lẽ ra phải được trả lời một cách thấu đáo nhưng đã bị bỏ qua.
Điều đáng ngạc nhiên là, trong số  nạn nhân của các vụ lừa, có rất nhiều vị có bằng cấp, thậm chí làm việc tại nhiều cơ quan nhà nước. Điều này đặt ra vấn đề về đào tạo và tự đào tạo kiến thức tài chính trong xã hội hiện đại. Nhà trường, qua rất nhiều bậc học với khối lượng kiến thức khổng lồ, nhưng dường như, một mảng tối cần thiết, đó là kiến thức về cách kiếm tiền và giữ tiền lại bị bỏ qua.
Và, mặc dù rất cảm thông với những người bị lừa, nhưng cũng xin mượn lời “phê” thẳng thắn một nhà nghiên cứu xã hội học: “Người xưa có câu tiên trách kỷ hậu trách nhân. Rõ ràng dù có áp dụng mưu ma chước quỷ ra sao thì các siêu lừa tựu trung lại vẫn đánh vào lòng tham của con người. Nếu các nạn nhân biết tự tiêm vắc xin đề kháng sự hám lợi,  chắc hẳn siêu lừa sẽ chẳng còn đất dụng võ”.
Hà Hương

Đọc thêm