Thiếu phụ “độc nhãn” gây ra vụ tai nạn ngang trái

(PLO) - Bị cáo buộc thiếu quan sát trong lúc lái xe ô tô gây tai nạn chết người, tài xế cho rằng bản thân không có lỗi. Theo bị cáo, lỗi là do vợ nạn nhân đột ngột rẽ xe đạp sang đường, hỏng mắt phải, không thể quan sát phía sau, nên đụng vào đầu ô tô ngã xuống đường.
x
Vụ tai nạn giao thông trên xảy ra tại Quốc lộ 38 đoạn thuộc phố Hưng Hòa (thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) từ tháng 2/2015, nhưng mãi đến tháng 1/2016 mới được đưa ra xử sau bốn lần hoãn phiên tòa. 

Ngoài tình tiết hi hữu là nguyên nhân dẫn đến sự việc, vụ án này còn có những tình tiết “tréo ngoe” khác như sau sáu tháng xảy ra sự việc, VKS mới kiến nghị khởi tố. Chưa hết, biên bản tạm giữ tang vật được lập trong vòng… những ba tháng.

Bị cáo Đức cho rằng lỗi gây ra vụ tai nạn do vợ ông Mạnh qua đường ẩu 

Vợ một mắt đạp xe, chồng “hoa tiêu”

Theo cáo trạng, bị cáo Giang Anh Đức (SN 1975, ngụ số 148, đường Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là tài xế ô tô lái thuê thuê bị truy tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. 
Cụ thể, vào lúc 9h ngày 4/2/2015, anh Đức điều khiển xe ô tô bảy chỗ ngồi BKS 30H-2521 chở khách từ Hà Nội về Hà Nam làm việc. Khi xe đi tới phố Hưng Hòa (thị trấn Hòa Mạc), tài xế giảm tốc độ xuống khoảng 30km/h và quan sát thấy biển hiệu giao nhau với đường không ưu tiên. 
Lúc này phía trước ô tô khoảng 30m là bà Vũ Thị Dầu (SN 1964, ngụ thôn Vân Kênh, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên) chở chồng Trần Văn Mạnh (SN 1962) đi cùng chiều, cách mép đường 1m.
Theo cáo trạng, dù nhìn thấy biển giao nhau với đường không ưu tiên, nhìn thấy chướng ngại vật là bà Dầu, nhưng bị cáo Đức vẫn không bấm còi, không giảm tốc độ xuống mức tối thiểu có thể dừng xe bất cứ lúc nào. 
Khi tới gần ngã rẽ phía bên trái đường, bà Dầu ngoảnh mặt sang trái để quan sát phía sau. Thế nhưng do mắt trái bà bị hỏng nên bà hỏi chồng “phía sau có xe không”. Ông Mạnh trả lời “không”. 
Thế là bà Dầu rẽ xe chéo sang đường mà không hề ra tín hiệu xin đường. Cùng lúc này xe ô tô do Đức điều khiển trờ tới. Do không quan sát, không chú ý đến các phương tiện khác, nên đầu xe ô tô va vào xe đạp khiến vợ chồng bà Dầu ngã ra đường.
Hậu quả, bà Dầu bị trầy xước nhẹ, còn ông Mạnh ngã ngửa đập đầu xuống đường bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hưng Yên. Đến ngày 7/2, nạn nhân tử vong. 
Kết quả khám nghiệm tử thi ngày 25/2/2015 của Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam kết luận nguyên nhân trực tiếp khiến ông Mạnh tử vong do gãy xương cột sống cổ, đứt tủy sống. 
Về dân sự, tài xế Đức sau đó đã tích cực khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ gia đình bị hại 50 triệu đồng. Tại CQĐT, tài xế Đức khai nhận đã không quan sát kĩ dẫn đến gây tai nạn. Đại diện cho người bị hại là bà Dầu cũng khai có lỗi khi sang đường không ra tín hiệu. 
Người được khoan hồng, người bị xử nghiêm khắc
Trong vụ án trên, bà Dầu là người đi xe đạp cũng  có lỗi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên do nạn nhân tử vong chính là chồng bà Dầu, bản thân bà Dần bị khuyết tật mắt trái, sức khỏe yếu, đang được hưởng trợ cấp xã hội, thế nên cơ quan tố tụng không ra quyết định khởi tố, thể hiện tính khoan hồng của pháp luật. Thế nhưng sự “khoan hồng” này không thấy trong cách đối xử với tài xế ô tô.
Sau khi sự việc xảy ra nửa năm, VKSND huyện Duy Tiên có kiến nghị khởi tố vụ án. Tài xế Đức bị truy tố về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự.
Sau bốn lần hoãn phiên tòa, đến ngày 26/1/2016, TAND huyện Duy Tiên đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án với bị cáo Đức.
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo nhấn mạnh vào hai chi tiết bị cho là vi phạm tố tụng. Thứ nhất, vụ việc xảy ra từ tháng 2/2015, nhưng đến tháng 8/2015, VKSND huyện Duy Tiên mới kiến nghị khởi tố vụ án, trong khi thời gian khởi tố theo quy định pháp luật chỉ hai tháng. 
Thứ hai, biên bản tạm giữ tang vật vụ án được lập vào lúc 11h20’ ngày 4/2/2015, nhưng đến ngày 4/5, nghĩa là hơn ba tháng sau mới hoàn tất, là vô lý.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Đức phủ nhận tất cả những lời buộc tội của VKS. Theo tài xế Đức, anh đã bấm còi liên tục và giảm tốc độ trước khi xảy ra va chạm: “Bà Dần đột ngột rẽ sang đường nên bị cáo không thể trở tay kịp. Bị cáo đã thắng gấp, xe tắt máy tại chỗ”, tài xế tự biện hộ, và cho rằng xảy ra tai nạn không phải lỗi của mình. 
Lời trình bày nhói lòng của bị cáo 
Một vấn đề khác được đưa ra tranh tụng gay gắt tại tòa là nguyên nhân ông Mạnh tử vong. VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, khẳng định nạn nhân Mạnh tử vong do gãy cổ, đứt tủy sống. Còn bị cáo và luật sư lại cho rằng bản kết luận giám định chỉ nêu triệu chứng chung chung như sưng nề vùng gáy, cổ… chứ không nói rõ nguyên nhân nào làm gãy cổ, đứt tủy. 
Tài xế ô tô phản bác: “Nạn nhân nằm viện ba ngày sau mới chết. Trong khi đó một người bị gãy cổ, đứt tủy… đúng ra phải tử vong tại chỗ. Mặt khác những chấn thương này có thể gặp phải trong quá trình nạn nhân điều trị, di chuyển nhiều chứ không phải do vụ tai nạn gây ra”. 
Sau khi bị cáo trình bày quan điểm này, vị chủ tọa tạm dừng phiên tòa, thông báo VKS vừa bổ sung hồ sơ bệnh án của bị hại cách đó một tháng và gửi công khai đến tay luật sư bào chữa.
VKS đề nghị xử phạt bị cáo Đức từ 18 đến 24 tháng tù. Sau gần một giờ nghị án, HĐXX nêu quan điểm bị cáo phạm tội khi chưa được xóa án tích là tình tiết tăng nặng. 
Đó là những căn cứ để HĐXX không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi xem xét mức hình phạt. Tòa án huyện Duy Tiên xử phạt bị cáo Đức 12 tháng tù giam./.

Đọc thêm