Người thanh niên ngồi cách mẹ hai hàng ghế cúi đầu ngăn giọt nước mắt đang chực rơi xuống. Chia sẻ của bị cáo bất hạnh này cũng khiến nhiều người có mặt trong phòng xử lặng người đi.
Ai là kẻ chủ mưu?
Năm 2004, TAND TP HCM đưa Trần Văn Thành (SN 1967, ngụ TP HCM) cùng các đồng phạm ra xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Cáo trạng xác định Thành và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN1969) đã giao dịch mua bán ma túy với đối tượng Nguyễn Duy Dũng 11 lần, với tổng cộng 245g ma túy.Trước thời điểm vụ án bị điều tra và đưa ra xét xử, Ngọc Anh bỏ trốn nên bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã toàn quốc
Tại phiên tòa, bị cáo Thành (là người nghiện ma túy) khai, người chủ mưu là vợ mình. Thành chỉ phụ giúp để được hút chích miễn phí, còn người trực tiếp đặt hàng, giao dịch buôn bán ma túy cho các con nghiện là vợ của anh ta. Lời khai này phù hợp với lời khai của Nguyễn Duy Dũng và một số đối tượng khác trong đường dây.
Mặc dù bị truy tố ở khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự, và các đồng phạm khác nhiều người lãnh án chung thân hoặc tử hình, nhưng Thành chỉ bị tuyên mức án 15 năm tù. Lý do, HĐXX nhận định, bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức, phụ thuộc vào vợ để lấy tiền hút chích ma túy, nên khi xét xử lượng hình đã giảm nhẹ một phần hình phạt.
Phải đến 12 năm sau, đầu năm 2016, Nguyễn Thị Ngọc Anh mới bị bắt khi đang ở nhà em gái tại quận Phú Nhuận (TP HCM).
Hành vi tưởng như đã quá rõ như vậy, tuy nhiên khi bị bắt, “đối tượng đang bị truy nã toàn quốc” lại có lời khai hoàn toàn trái ngược với lời khai của các bị cáo khác, đặc biệt là đối với lời khai của người chồng, đã khiến vụ án càng trở nên phức tạp.
Cụ thể, tại cơ quan điều tra, Ngọc Anh khai kết hôn với Thành vào đầu thập niên 90. Sau khi cưới, người chồng vẫn buôn bán xe máy, còn người vợ thì mở quán cả phê ngay trước cửa nhà trên đường Trần Phú (Phường 8, Quận 5) để trang trải cuộc sống.
Năm 1993 con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá êm ấm. Tuy nhiên năm 1997, Thành sa vào nghiện ngập, bao nhiêu của cải gia đình theo làn khói trắng mà đội nón ra đi. Mỗi khi lên cơn nghiện, người đàn ông này thường đập phá đồ đạc và đánh đập vợ con thậm tệ. Gia đình khánh kiệt. Để thỏa mãn cơn nghiện ma túy, Thành đã trở thành một mắt xích trong đường dây mua bán ma túy của Dũng.
Thành khá lươn lẹo. Khi thiếu thuốc anh ta hứa hẹn thề thốt sẽ trả tiền đầy đủ, nhưng khi có hàng, lại chây ì không trả hoặc trả tiền nhỏ giọt. Để “bảo đảm” khả năng thanh toán, Dũng tuyên bố trừ khi vợ Thành điện thoại, còn không sẽ không tiếp tục giao “hàng”.
Theo lời khai của Ngọc Anh,người chồng hứa hẹn bán ma túy lấy ít vốn sẽ cai nghiện và mở cho vợ một sạp quần áo để buôn bán. Do thường xuyên bị đánh đập, nên khi bị dỗ ngon ngọt, phần vì sợ, phần cũng hi vọng chồng sẽ “làm lại cuộc đời”, người đàn bà này đã đồng ý điện thoại đặt mua ma túy cho chồng.
Từ cuối năm 1998 đến đầu năm 1999, Ngọc Anh điện thoại cho Dũng đặt hàng 5 lần với số lượng 92g ma túy mà không biết giá cả, càng không biết chồng bán số ma túy trên cho ai.
Vụ án đã xảy ra 18 năm, các đối tượng trong đường dây kẻ đang thi hành án, người ra tù bỏ đi biệt tích nên cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn để xác minh lời khai trên. Mất rất nhiều thời gian nhưng khi lần tìm được lại những người trong đường dây ma túy của gần 20 năm về trước, hầu hết đối tượng đều thay đổi lời khai, xác nhận lời khai của Ngọc Anh là đúng sự thật.
Từ đó, VKSND Tối cao chỉ truy tố Ngọc Anh mua bán ma túy với số lượng 92,5g (thuộc khoản 3, Điều 194 BLHS) mức hình phạt từ 15 - 20 năm, thay vì khoản 4 với mức hình phạt đến tử hình.
Cuộc đời chìm nổi
Ngày 27/3/2017, TAND TP HCM đưa bị cáo Ngọc Anh ra xét xử vì tội buôn bán trái phép chất ma túy.
Trước vành móng ngựa, bị cáo này trẻ đẹp hơn độ tuổi gần 50 của mình rất nhiều. Do bị cáo đồng ý với phần tội danh và khung hình phạt cáo trạng nêu, nên phần xét hỏi và tranh luận diễn ra khá nhanh chóng nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX được trình bày qua quá trình gần 20 “lưu lạc” chứng minh hành vi của mình chỉ “vô ý” chứ không hề cố ý trốn nã suốt từng ấy năm trời.
Theo bị cáo, sau vài lần mua ma túy nhưng thấy chồng càng sa đà vào nghiện ngập, cờ bạc trai gái… Tuyệt vọng, người đàn bà này đã 3 lần tự vẫn nhưng không thành. Lúc ranh giới sinh tử rất mong manh, người mẹ nghe thấy tiếng khóc thắt ruột của đứa con đang bi bô học nói mới sực tỉnh ngộ.
Ngọc Anh nhớ lại: “Lúc đó bị cáo nghĩ nếu mình chết thì con bơ vơ, nên ôm con rời khỏi gia đình chồng đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Song Thành không buông tha mà nhiều lần tìm đến gây sự đòi con”. Đi không được ở cũng chẳng xong, cuối năm 1990, bị cáo đành để con cho bố mẹ chồng nuôi và trở về quê ở Hải Dương.
Tại quê Ngọc Anh nhờ người lo cho mình đi lao động nước ngoài bằng con đường du lịch, cuối năm 2000 xuất cảnh ra nước ngoài, sau nhiều chặng đường đã đến Đức. Vài tháng sau, người đàn bà này bị đưa vào trại tị nạn và ở đó từ năm 2001 - 2005. Theo Ngọc Anh, thời điểm vụ án mua bán trái chất ma túy của Dũng - Thành bị phát hiện, điều tra, xét xử thì bị cáo đang ở trong trại tị nạn, không hề biết mình bị truy nã.
Năm 2005, sau khi ra khỏi trại tị nạn, Ngọc Anhl iên lạc về gia đình chồng thì mới biết chồng đã lấy vợ khác và đang bị đi tù về tội mua bán ma túy. Tuy nhiên, theo lời khai của bị cáo: Do thời gian đã qua rất lâu nên bị cáo nghĩ Thành bị bắt trong vụ mua bán ma túy khác, không thể ngờ được người chồng cũ đã khai ra mình liên quan tới vụ án từ nhiều năm trước.
Sau này Ngọc Anh cư trú tại một thành phố pử CHLB Đức làm phục vụ trong các nhà hàng của người Việt để mưu sinh.Từ khi cha bị bắt, con trai sống với ông bà nội. Năm 2008 ông bà nội đi định cư ở Mỹ, lo con trai đang tuổi trưởng thành bơ vơ không ai chăm sóc, ngày 31/10/2008, Ngọc Anh trở về Việt Nam.
Theo lời khai, do không hề biết mình bị truy nã nên bị cáo “vô tư” di chuyển làm ăn khắp nơi trong cả nước. Do mẹ chuyển vào Bình Thuận sinh sống, nên Ngọc Anh về Hải Dương làm thủ tục cắt khẩu vào theo mẹ mà không gặp bất cứ khó khăn gì từ chính quyền địa phương.
Ngoài ra bị cáo cho biết, năm 2010 bị cáo đã xuất cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) một cách bình thường. Do đó Ngọc Anh cho rằng bản thân mình không hề biết bị truy nã, chẳng có lý do gì phải lẩn trốn suốt mười mấy năm qua.
Kể về cuộc đời cơ cực của mình, bị cáo nghẹn ngào: “Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng, bị cáo không may lấy phải chồng nghiện ngập tan cửa nát nhà, giờ lại phải ngồi tù. Trước khi bị bắt mấy ngày, bị cáo đi khám và phát hiện có dấu hiệu bị ung thư, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa, rất mong HĐXX xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt”.
Người thanh niên ngồi cách mẹ 2 hàng ghế cúi đầu ngăn giọt nước mắt đang chực rơi xuống. Chia sẻ của bị cáo khiến nhiều người có mặt trong phòng xử lặng người đi.
Sau khi nghị án HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án 15 năm tù, mức án thấp nhất của khung hình phạt.