Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí: Lương y của đồng bào vùng biên Quảng Nam

(PLVN) - Đó là cách gọi dân dã, ngưỡng mộ của đồng đội và đồng bào 4 xã vùng cao biên giới huyện Tây Giang (Quảng Nam) dành cho Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí, thầy thuốc quân hàm xanh của Phòng khám Đa khoa quân dân y A Xan. Với sự tận tụy, trách nhiệm, y đức và y thuật của mình, lương y Trí đã cứu sống hàng chục sinh mạng, làm “bà đỡ” của rất nhiều sản phụ ở biên giới Việt - Lào.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí.

Giành giật mạng sống với “ma rừng”

Ở tuổi 20, chàng thanh niên Nguyễn Văn Quốc Trí (SN 1980, ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam. Sau thời gian dài học tập và rèn luyện, năm 2007, anh tốt nghiệp Trung cấp Quân y và nhận công tác tại Đồn Biên phòng A Xan.

Thời gian đầu công tác nơi miền biên viễn, bác sĩ Trí nhận thấy cuộc sống của bà con nơi đây còn quá vất vả, nhất là nhận thức về mặt y tế. Tuy nhiên, lúc đó anh mới là y sĩ, chỉ có thể khám chữa những bệnh thông thường cho người dân. Nhiều ca bệnh “khó”, anh phải đưa bệnh nhân xuống tuyến huyện để điều trị. Sự “bất cập” ấy khiến bác sĩ Trí cảm thấy “khó chịu”, anh quyết tâm phải thay đổi nó. Nói là làm, người lính quân y đó đã viết đơn gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam xin được đi học tại Đại học Y (Đại học Huế) và bản thân sẽ tự trang trải học phí.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí nhận Giấy khen biểu dương điển hình tiên tiến của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Đăng Nguyên)

Sau nhiều năm miệt mài đèn sách, bác sĩ Trí tốt nghiệp, trở lại đơn vị và được phân công về Đồn Biên phòng Đăk Pring (xã Đăk Pring, huyện Nam Giang). Đến năm 2014, anh trở lại xã A Xan, công tác tại Phòng khám Đa khoa Quân dân y A Xan và hiện đang là Phó Trưởng phòng khám. Bác sĩ Trí và anh em phòng khám thường xuyên khám, chữa bệnh cho người dân 4 xã vùng cao biên giới Tây Giang.

Không chỉ vậy, bác sĩ Trí cùng đồng đội gồng mình trong cuộc chiến với “ma rừng”. Chẳng ai biết “con ma rừng” hình thù ra sao và có từ bao giờ, chỉ biết theo lời người dân, nó quyền lực ghê gớm lắm. “Ma rừng” khiến bao nhiêu gia đình người Cơ Tu mất người thân vì ốm đau không đưa đến trạm xá. “Ma rừng” khiến dân bản đốt nương rẫy, bỏ đi tìm những vùng đất mới - vùng đất mà các thầy mo được xem như “sứ thần của ma rừng”…

Gần 20 năm gắn bó với đồng bào biên giới, không có tình huống nào mà bác sĩ Trí chưa trải qua, cuộc chiến với “con ma rừng”, giành giật sự sống cho bệnh nhân từng như chuyện “cơm bữa” với người thầy thuốc vùng cao nơi đây. Có lần, một người dân bị tụt huyết áp, mệt mỏi, nhiều ngày không ăn, không uống nên thiếu nước, thiếu chất, lả người đi không nổi. Lúc này, người nhà mời thầy mo về cúng bái, trị bằng cách “thổi” nhưng không khỏi. Cả làng rất sợ, bảo do “con ma rừng” ám khiến người bệnh mấy ngày không ăn, không nói được gì.

Phòng khám Đa khoa quân dân y A Xan - nơi bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí làm việc.

“Những triệu chứng trên khá đơn giản, chúng tôi sơ cứu rồi đưa lên trạm truyền cho 2 bình nước là khỏe ngay, ngồi dậy nói chuyện bình thường. Vì thế, điều chúng tôi đau đáu là làm sao có thể để người dân hiểu và tin tưởng vào y học hiện đại, không còn sợ “con ma rừng” ám”. Bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng tôi miệt mài vận động, tuyên truyền và trong vài năm trở lại đây đã góp công “chặn đứng” những hủ tục trong cộng đồng, giúp nâng cao hiểu biết về tác hại của mê tín, dị đoan và xóa dần câu chuyện về những “con ma rừng”, bác sĩ Trí chia sẻ.

“Bà đỡ” nơi đại ngàn

Cả tuổi thanh xuân gắn với núi rừng, bác sĩ Trí dường như đã quen với những cuộc điện thoại khẩn cấp. Có lúc đêm hôm khuya khoắt, điện thoại dồn dập đổ chuông, từ đầu dây bên kia giọng những người đàn ông run rẩy: “Bác sĩ Trí ơi, cứu vợ con em với”. Đó là lần “thứ n” bác sĩ Trí nhận cuộc gọi cầu cứu của người thân sản phụ. Những lần như thế, anh lại hối hả ngược núi, cứu người…

Bác sĩ Trí đỡ đẻ cho sản phụ Bríu Thị Poi ngay bìa rừng. (Ảnh: Công Huy)

Ngồi lục lại thông tin, bác sĩ Trí cho biết, vào khoảng 4h sáng ngày 27/1/2024, trời vào đông lạnh rét, điện thoại của anh đổ chuông. Bắt máy lên, đầu dây bên kia là tiếng chồng của sản phụ Bríu Thị Poi (SN 1995, người Cơ Tu ở thôn Arooi, xã Ga Ry) hớt hải, vợ mình đang trên đường đi sinh thì vỡ ối, lên cơn đau bụng dữ dội, không thể tiếp tục ngồi xe máy để di chuyển đến phòng khám, đang kẹt ngay ở bìa rừng.

Cuộc gọi vừa tắt, bác sĩ Trí chỉ kịp với lấy túi thuốc chuyên dụng, rồi cùng đồng nghiệp lên đường cứu mẹ con sản phụ. Trong đêm tối mù sương, anh em phải mò mẫm để tìm lối đi an toàn. Khi xe máy được điều khiển đến địa phận thôn Ganil (xã A Xan), cách trung tâm xã chừng 5km, nhận ra bác sĩ Trí, người nhà sản phụ lóe lên niềm hy vọng rồi sau đó vỡ òa hạnh phúc.

“Trong đêm tối rừng núi âm u, sản phụ đang đau đớn ngồi bên lối đường mòn, nắm chặt tay người chồng nhìn tôi như rồi cầu mong sự giúp đỡ. Tôi nhanh chóng trấn an và bảo người nhà cùng cán bộ Đồn Biên phòng A Xan đi cùng, tìm củi đốt lửa, rồi dùng đèn chiếu sáng để hỗ trợ giúp sản phụ “vượt cạn”. Sau những nỗ lực của anh em, một bé gái được chào đời khỏe mạnh, tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh vang cả cánh rừng già giữa buổi bình minh rét buốt. Sau khi được cắt rốn, cả mẹ con sản phụ được chuyển về phòng khám, tiếp tục chăm sóc, theo dõi sức khỏe”, bác sĩ Trí kể.

Theo bác sĩ Trí, trong hơn 20 năm hành nghề và đặt chân lên biên giới, anh không nhớ hết mình đã đón bao nhiêu thiên thần nhỏ đến với cuộc sống này. Và cũng có nhiều câu chuyện đặc biệt, anh mãi không quên. Đơn cử như trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, việc qua lại giữa hai nước Việt Nam - Lào tạm dừng để phòng dịch. Thế nhưng, khi có những ca bệnh nặng, khó, người Lào ở các bản giáp biên với huyện Tây Giang vẫn phải “chuyển tuyến” sang Phòng khám Đa khoa quân dân y kết hợp A Xan.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí (ở giữa) giao lưu trong chương trình “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Một ngày cuối tháng 11/2022, sản phụ người Lào (ở bản Keo, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) chuyển dạ đã lâu nhưng không thể sinh con. Sau nhiều ngày chờ đợi, người nhà dùng võng khiêng sản phụ vượt núi sang xã giáp biên A Xan nhờ cứu giúp. Lúc này, sản phụ sức khỏe đã yếu, bác sĩ Trí nhanh chóng tiêm trợ sức, động viên, hướng dẫn sản phụ. Không lâu sau, một bé gái người Lào được chào đời trên đất Việt Nam. Trước khi ra về, người cha nhờ anh Trí đặt tên cho con mình. “Mất một hồi suy nghĩ, tôi nói với anh bạn Lào đó rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều là hạnh phúc của người cha, người mẹ. Giờ gia đình đã nhờ, tôi mạn phép đặt tên cháu cái tên Việt Nam là Hạnh Phúc”, anh Trí chia sẻ.

Một câu chuyện khác là vào giữa năm 2021, bác sĩ Trí giúp sản phụ người Cơ Tu ở thôn Agríh (xã A Xan) “vượt cạn” thành công vào lúc 2 giờ sáng. Cảm mến người lính quân y biên phòng hết lòng vì dân bản, đôi vợ chồng trẻ đã quyết định lấy tên của ân nhân đặt tên con mình là Briu Quốc Trí. Ở Tây Giang, danh sách người bệnh được bác sĩ Trí thăm khám, điều trị khoảng 4.000 người. Trong đó có hơn 100 người được cứu sống sau các vụ ngộ độc nấm, lá ngón, thực phẩm; thậm chí là bị ong đốt, rắn độc cắn…

Thời gian qua đi, với bác sĩ Trí, những cuộc điện thoại cấp cứu trong đêm khuya, những cuộc tuyên chiến với ngộ độc lá ngón và cả giành giật sự sống của bệnh nhân từ tay “ma rừng” đã trở thành kỷ niệm khó quên suốt hành trình hơn 20 năm hành nghề y ở biên giới. Việc làm của anh khiến người dân thêm tin yêu vào những người lính Biên phòng nơi vùng biên cương - “cổng trời” A Xan ngày càng vững chắc vì được bảo vệ bằng sức mạnh lòng dân.

Năm 2021, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí trở thành một trong 10 điển hình được chọn tuyên dương “Gương sáng biên cương”. Năm 2022, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí nhận Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng. chống dịch COVID-19. Và trong năm 2024, (ngày 12/6), anh góp mặt tại chương trình giao lưu “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Đọc thêm