Thiếu và thừa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, khi thảo luận về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, các ĐBQH đề cập tới vấn đề lãng phí trong chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một ĐBQH cho rằng, sự thay đổi đột ngột về chính sách đầu tư năng lượng tái tạo khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, nguy cơ phá sản. Số dự án không kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT (giá ưu đãi trong 20 năm), phải đàm phán với EVN theo giá thấp hơn 21-29% (theo khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay). Hệ quả là sản lượng lớn điện gió, điện mặt trời không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí và đẩy nhà đầu tư điện tái tạo vào cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản.

Về lâu dài, theo ĐBQH này, việc này có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. "Từ thời điểm trễ hẹn giá FIT đến nay có trên 4.600MW từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng. Trong khi chúng ta đang thiếu điện và phải mua của nước ngoài", ông nói.

Giải trình trước Quốc hội sau đó, lãnh đạo Bộ Công Thương nói không thể phủ nhận sự lãng phí nếu các dự án đã đầu tư mà không được khai thác, sử dụng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ hầu hết chủ đầu tư các dự án này đã chạy đua thời gian để hưởng giá FIT, bỏ qua hoặc bỏ sót thủ tục, thậm chí vi phạm pháp luật. Nói cách khác, Bộ Công Thương và cơ quan chức năng không thể “hợp pháp hóa cái sai”. Nếu làm như vậy, chính Bộ Công Thương cũng sai.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, nhiều chủ đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, nên chưa đáp ứng thủ tục pháp lý. Một số chủ đầu tư được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3, nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được. Vì thế, số dự án này chưa thể đàm phán giá với EVN.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp phép hoạt động điện lực cho dự án, là thủ tục cần thiết theo Luật Điện lực để dự án điện được khai thác. Đây cũng là lý do dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Công Thương cũng cho hay, đặc tính của điện gió, mặt trời là không ổn định. Phát triển chủ yếu ở miền Trung, là nơi có phụ tải thấp nên cần đầu tư lớn về đường dây truyền tải điện, hệ thống lưu trữ. Bên cạnh đó, phải có một số nguồn điện ổn định, tức có khả năng phát điện liên tục để bù đắp những khi "cái nắng, cái gió giảm thì có cái đó bù vào".

Trong khi tại nhiều nước, các nguồn điện chạy nền có thêm điện hạt nhân, tại Việt Nam chỉ có thủy điện, nhiệt điện than, dầu, khí, điện sinh khối. Do đó, các nguồn này vẫn được duy trì huy động để bảo đảm an toàn hệ thống dù đắt hơn khi giá nhiên liệu đầu vào cao, phát thải carbon nhiều hơn.

Phản ánh của các ĐBQH như thế là hợp lý. Nhưng trả lời của đại diện Bộ Công Thương, cũng hợp lý không kém chút nào. Nếu có tiếc, thì chỉ có tiếc là giá như các chủ đầu tư đã nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng đúng đắn quy định; thì đã không rơi vào tình trạng “đi mắc núi, trở lại mắc sông” như hiện nay. Để giải quyết vấn đề, để không bị xem là hợp thức hóa cái sai, hợp thức hóa một số vụ việc vi phạm pháp luật, cần nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng, có chủ trương từ Trung ương, từ Quốc hội; chứ không chỉ là cấp bộ, ngành, địa phương.

Đọc thêm