Cuộc đảo chính thất bại đã tập trung mọi quyền lực nhà nước vào tay Tổng thống Tayyip Erdogan. Chính phủ đang buộc tội những người trong quân đội ủng hộ bí mật giáo sĩ Fethullah Gulen, người hiện đang sống tại Mỹ, phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính và đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ này.
Bắt giữ hàng loạt
Đảo chính ngày 15/7 là âm mưu nghiêm trọng nhất kể từ năm 1980 và có sự tham gia của các đơn vị bộ binh, không quân, hải quân và hiến binh, huy động tới 10.000 quân nhân. Cuộc đảo chính thất bại vì được phải “dậy non”, sau khi cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy hoạt động bất thường của một số học viên sĩ quan và đơn vị quân đội, khởi động một loạt biện pháp đối phó.
Sau đảo chính, một loạt cải tổ lớn trong bộ máy an ninh và quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra. Nhờ chính sách của đảng Công lý và Phát triển (AKP) tăng cường lực lượng cảnh sát nhằm đối trọng với quân đội, cảnh sát được vũ trang đã kháng cự được phe đảo chính tại một số cuộc đụng độ quan trọng.
Trong số 7.000 quân nhân bị bắt giữ, có hơn 100 người là tướng lĩnh – chiếm khoảng 1/3 cơ cấu chỉ huy. Trung tâm chỉ huy của phe đảo chính quân sự là một căn cứ không quân tại Ankara và có sự phối hợp đáng kể giữa phi công máy bay chiến đấu và các chỉ huy của lực lượng không quân, cũng như trì hoãn các quyết định về sử dụng lực lượng không quân.
Những câu hỏi về một thất bại tình báo trong việc phát hiện sớm âm mưu đảo chính đang được đặt ra bên trong nội bộ đảng cầm quyền và có thể dẫn tới việc thành lập các cấu trúc an ninh mới hoặc một làn sóng cải tổ thứ hai vượt ra ngoài phe đảo chính.
Phản ứng hậu đảo chính, Chính phủ tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp vào đêm 20/7, ngăn chặn các thách thức pháp lý đối với việc bắt giữ và sa thải, cho phép Tổng thống Erdogan nắm giữ mọi quyền lực hành pháp và cai trị bằng sắc lệnh. Đã có gần 8.000 vụ tống giam các nhân vật trong quân đội, cảnh sát và bộ máy tư pháp.
Ngoài ra, gần 60.000 viên chức nhà nước đã bị sa thải, trong đó có 35.000 giáo viên, 1.500 giáo sư đại học và 2.745 thẩm phán và công tố viên – chiếm 1/3 bộ máy tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Các viên chức nhà nước và quan chức chính phủ không được phép rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này. Với các vụ bắt giữ lan rộng, đang xuất hiện lo ngại về sự sụp đổ của các dịch vụ nhà nước trong lĩnh vực an ninh và giáo dục, cũng như sự gián đoạn đối với các thủ tục pháp lý.
|
Các vụ bắt giữ lan rộng, đe dọa sụp đổ các dịch vụ nhà nước |
Kẻ thù giấu mặt
Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ở trung tâm của nỗ lực đảo chính là một mạng lưới người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống tại Mỹ. Cuộc đảo chính liên quan tới việc huy động toàn diện ở cốt lõi lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, có sự tham gia của tham mưu trưởng và sĩ quan phụ tá của tất cả các chỉ huy quân chủng, của Tổng Tham mưu trưởng Hulusi Akbar, các sĩ quan phụ tá của Tổng thống Erdogan. Chính phủ cáo buộc đây là các nhóm gián điệp bí mật trung thành với Gulen và có khả năng che giấu thân phận thật của họ trong nhiều thập kỷ.
Gulen trước đây là một đồng minh của Erdogan và điều hành một tổ chức tôn giáo mơ hồ với các nhóm trung thành có tính đồng tâm – với các trường học, đại học, phương tiện truyền thông và tổ chức phi chính phủ (NGO) ở cấp độ ngoài cùng. Nhóm này theo đuổi một phiên bản đạo Hồi ôn hòa và tin vào giáo dục thế tục, dựa trên lời dạy của Fethullah Gulen.
Giáo sĩ 75 tuổi này hiện đang sống ở một khu vực xa xôi tại vùng núi Poconos thuộc bang Pennsylvania. Ở đỉnh cao quyền lực, tổ chức của Gulen được cho là kiểm soát một mạng lưới có trị giá 25 tỷ USD (thông qua một mạng lưới tình nguyện viên và doanh nhân) và hơn 1.000 trường học trên khắp thế giới. Những người ủng hộ Gulen lâu nay vẫn được khuyến khích tham gia ngành dịch vụ công và tập trung nhiều trong lực lượng cảnh sát, bộ máy tư pháp và cơ quan tình báo.
Trong cả chục năm qua, tổ chức Gulen đã cung cấp “nguồn nhân lực” mà AKP rất cần trong nỗ lực thanh lọc phe Kemal, những người theo chủ nghĩa thế tục cứng rắn và phe Alawite trong quân đội và bộ máy hành chính. Từ năm 2009 tới năm 2013, liên minh AKP-Gulen đã loại bỏ hàng nghìn thành viên bình thường trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ hợp tác AKP-Gulen phát triển bất chấp quan ngại lâu nay của những người chỉ trích về bản chất bí mật của tổ chức Gulen và sự tập trung nhân lực của tổ chức này trong hệ thống tư pháp, lực lượng cảnh sát, tình báo và các bộ phận công nghệ thông tin thể hiện một mối đe dọa an ninh quốc gia.
Kể từ giữa những năm 1990, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra lo ngại về việc phe Gulen hình thành một cấu trúc song song với bộ máy nhà nước để kiểm soát các thể chế nhà nước. Nhưng phải tới năm 2014, sự bất hòa giữa AKP và nhóm Gulen mới xuất hiện khi Erdogan coi các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào những nhân vật trong nhóm thân cận của ông là một hành động “đâm sau lưng” của Gulen. Kể từ đó, Erdogan đã thanh trừng những người ủng hộ có tiếng của Gulen. Các sĩ quan hiện bị cáo buộc tham gia đảo chính chủ yếu đến từ hàng ngũ những người được thăng chức để thay thế các sĩ quan thế tục trong thời kỳ hợp tác giữa AKP và Gulen.
|
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên một chiếc xe tăng tham gia cuộc đảo chính bất thành |
Sức ép
Tổng thống Erdogan nghi ngờ rằng Mỹ biết hoặc ủng hộ cuộc đảo chính – với lý do rằng một số máy bay tham gia nỗ lực đảo chính được phép tiếp nhiên liệu tại Incirlik (một căn cứ quan trọng của NATO được sử dụng trong cuộc chiến chống IS) và chính quyền Mỹ không lên án cuộc đảo chính khi xảy ra.
Các căng thẳng với Washington hiện còn được khuếch đại bởi Tổng thống Erdogan yêu cầu công khai muốn Washington dẫn độ Fethullah Gulen dù Washington không thể đơn giản đưa Fethullah Gulen quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ mà không có một thủ tục tố tụng hay bằng chứng hợp lý. Trong khi xử lý thủ tục này sẽ là nhiệm vụ của chính quyền Mỹ tiếp theo, Washington nhiều khả năng sẽ cố gắng coi đây là một vấn đề pháp lý, trong khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại coi việc dẫn độ là một vấn đề chính trị.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần công khai yêu cầu trao trả Gulen nhưng đều không đưa ra được một đề nghị chính thức với đầy đủ bằng chứng về tính không hợp pháp. Giờ đây, nước này đã đưa ra lời đề nghị chính thức, nhưng bằng chứng cần thiết khó có thể được đưa ra do bản chất không chính thức của các liên kết giữa những người ủng hộ Gulen.
Rối bời “mớ bòng bong”
Trong khi mọi thứ ở Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính vẫn còn rối như mớ bòng bong thì ngày 17/8, một xe bom đã phát nổ gần trụ sở cảnh sát ở tỉnh Van thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Iran, khiến 3 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Đây là vụ đánh bom xe thứ hai nhằm vào lực lượng an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong ba ngày qua. Thời gian gần đây, tại Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp xảy ra nhiều vụ đánh bom gây thương vong lớn trong lực lượng an ninh và dân thường.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ công bố hai sắc lệnh khẩn sa thải hơn 2.000 sĩ quan cảnh sát và hàng trăm công nhân viên quốc phòng và nhân viên Cơ quan Công nghệ thông tin và truyền thông (BTK) vì liên quan tới cuộc đảo chính bất thành vừa qua.
Theo các sắc lệnh được đăng trên Công báo chính thức của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, 2.360 sĩ quan cảnh sát, hơn 100 công nhân viên quốc phòng và 196 nhân viên của BTK bị sa thải. Những người này đều có liên quan tới phong trào Gulen do giáo sĩ Hồi giáo hiện đang sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen đứng đầu. Ngoài ra, nội dung thông cáo bao gồm cả quyết định đóng cửa đơn vị truyền thông TIB và một quyết định khác nêu rõ tổng thống sẽ là người bổ nhiệm trực tiếp các lãnh đạo của các lực lượng vũ trang.
Về phần mình, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cũng cho biết quốc gia này sẽ trả tự do cho khoảng 38.000 tù nhân phạm tội trước ngày 1/7/2016 trong bối cảnh các nhà tù liên tục báo quá tải kể từ sau cuộc đảo chính. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Bozdag khẳng định đây không phải là một hình thức ân xá mà là sự phóng thích có điều kiện, tù nhân vẫn không được miễn tội. Quyết định này không áp dụng đối với những đối tượng phạm tội giết người, khủng bố hay đe dọa an ninh quốc gia và đặc biệt là các đối tượng bị bắt giữ sau cuộc đảo chính.